Mỹ: Nhiều trường ĐH ngừng sử dụng thiết bị của Trung Quốc
Một số trường đại học hàng đầu ở Mỹ đang gỡ bỏ các thiết bị viễn thông do Huawei và các công ty Trung Quốc khác sản xuất, nhằm tránh bị cắt nguồn hỗ trợ tài chính liên bang theo đạo luật an ninh quốc gia mới của Mỹ.
Bên ngoài thư viện y sinh ở trường ĐH California tại San Digeo
Trường ĐH California (UC) ở Berkeley gỡ bỏ hệ thống họp qua video của Huawei, trong khi cơ sở của trường này tại Irvine cũng chuẩn bị thay thế 5 thiết bị nghe-nhìn khác do Trung Quốc sản xuất.
Một số trường khác, như trường ĐH Wisconsin đang trong quá trình xem xét lại đơn vị cung cấp thiết bị công nghệ.
Trước đó, UC tại San Diego còn có động thái quyết liệt hơn, khi tuyên bố sẽ không chấp nhận nguồn tài chính hay ký thỏa thuận nào với Huawei, ZTE và các nhà cung cấp thiết bị nghe-nhìn khác của Trung Quốc trong ít nhất 6 tháng (từ tháng 8.2018 – 12.2.2019).
Một lãnh đạo của trường ĐH Stanford cho biết, trường đã kiểm tra toàn bộ cơ sở, nhưng “may mắn” không tìm thấy thiết bị nào cần phải loại bỏ.
Tuy nhiên, đối với Standord và nhiều cơ sở giáo dục khác ở Mỹ, Huawei không chỉ là đối tác bán thiết bị. Công ty này còn tham gia vào các chương trình nghiên cứu, dưới vai trò là nhà tài trợ.
Các động thái này được xem là phản hồi trước Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật hồi năm ngoái, trong đó có quy định cấm các đơn vị nhận quỹ hỗ trợ liên bang sử dụng thiết bị viễn thông, dịch vụ ghi hình và phụ kiện kết nối mạng do Huawei, ZTE, Hikvision, Hytera hay Dahua (Trung Quốc) sản xuất. Chính quyền Mỹ lo ngại rằng, các nhà sản xuất thiết bị này sẽ để ngỏ cửa hậu cho quân đội và cơ quan Trung Quốc thu thập thông tin.
Theo báo cáo tài chính của UC, trong năm 2016 – 2017, hệ thống các trường UC nhận 9,8 tỉ USD từ quỹ liên bang, trong đó gần 3 tỉ USD dành cho nghiên cứu.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng rút ngắn thời gian lưu trú đối với visa dành cho 1 số sinh viên Trung Quốc đã tốt nghiệp, bên cạnh việc xem xét các hạn chế mới đối với sinh viên Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ.
Lê Quảng (theo Reuters)