Rượu cần Bana ở Tây Sơn
Trong những ngày đầu xuân, nếu chúng ta có dịp đến với các làng của đồng bào dân tộc Bana ở huyện Tây Sơn, sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều người quây quần chung vui uống rượu cần (ảnh).
Bà Đinh Thị Đơn, 79 tuổi, ở xã Vĩnh An, vui vẻ cho biết: “Năm nay nhà mình đã chuẩn bị 6 ghè rượu cần làm bằng mì gòn. Ngày Tết đón anh em, họ hàng đến chơi không gì vui hơn vừa ngồi nói chuyện vừa cùng uống rượu cần”.
Rượu cần là thức uống phổ biến nhưng mỗi nơi mỗi khác. Để tạo hương vị riêng biệt, người ta thường dùng nhiều nguyên liệu: mì gòn, gạo, bắp, bo bo…, nhiều loại thảo mộc tạo men rượu nhưng thành phần chủ yếu vẫn là củ mì và được chuộng nhất vẫn là mì gòn. Rượu cần sau khi ủ xong tầm 2 tuần là dùng được, khi uống lót lá tươi ở trên, đổ nước đầy ghè, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đáy ghè, uống cạn tới đâu chế thêm nước tới đó. Cái độc đáo của rượu cần là càng để lâu, rượu càng ngọt nồng nàn.
Rượu cần được làm thường xuyên, nhưng chủ yếu dùng vào những ngày vui của làng hay của gia đình. Người Bana rất hiếu khách, trọng nghĩa tình. Quanh ghè rượu cần ngày xuân, người ta bàn chuyện làm ăn với nhau, trai gái kín đáo thổ lộ tâm tình với nhau. Khi cả chủ và khách cùng thăng hoa, mọi người vừa hát vừa trình tấu cồng chiêng.
Ông Ngô Luân, Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, bộc bạch: “Rượu cần của đồng bào Bana Tây Sơn là một đặc sản được lưu ý phải gìn giữ, phát triển và quảng bá để phục vụ phát triển du lịch. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu rượu cần Tây Sơn không chỉ giúp đồng bào Bana bảo tồn, phát huy, quảng bá nét văn hóa độc đáo, mà còn mở ra một hướng đi tích cực về làm kinh tế cho đồng bào”.
VĂN PHONG