Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày khởi nghĩa Vĩnh Thạnh
(BĐ) - Tối 26.1, tại sân vận động huyện Vĩnh Thạnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959 - 6.2.2019). Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng huyện Vĩnh Thạnh; cùng người dân các dân tộc huyện Vĩnh Thạnh.
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: VĂN LƯU
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đọc diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng, phong trào đấu tranh cách mạng quật cường của quân và dân Vĩnh Thạnh.
Cách đây 60 năm, ngày 6.2.1959, nhân dân 12 làng thuộc 2 xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) tự vũ trang, đồng loạt đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm. Nhân dân cắm chông rào làng, gài cung bẫy đá, lập phòng tuyến chiến đấu chặn đánh địch càn vào làng, đưa người già, phụ nữ và trẻ em vào làng bí mật. Sau đó, phong trào lan tỏa ra khắp huyện. Tiêu biểu trong phong trào khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là khởi nghĩa TơLok - TơLek tại gộp Nước Ló (Đaklek).
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VĂN LƯU.
Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã đi từ đấu tranh chính trị hợp pháp, tiến lên kết hợp đấu tranh vũ trang có mức độ, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, chính trị với vũ trang. Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã ghi vào lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nước một trang sử chói lọi, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng của thời kỳ nhân dân miền Nam bắt đầu vũ trang và cách mạng miền Nam có hình thức đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị.
Trong bài diễn văn, Chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh xương máu, đóng góp to lớn cho độc lập dân tộc. Đồng chí khẳng định, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của lãnh đạo, quân và dân địa phương, bức tranh KT-XH của huyện Vĩnh Thạnh đã từng bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Chương trình nghệ thuật ở Lễ kỷ niệm. Ảnh: VĂN LƯU.
Sau phần lễ, Lễ kỷ niệm 60 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh diễn ra với chương trình nghệ thuật chủ đề “Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh - Dấu son anh dũng quật cường” đậm đà bản sắc sử thi. Tại chương trình nghệ thuật, những hình ảnh thể hiện khí thế cách mạng hòa cùng bản sắc văn hóa như cồng chiêng, hơmon khơi dậy lòng tự hào, xúc động trong lòng người dân.
Lễ kỷ niệm 60 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Vĩnh Thạnh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và củng cố niềm tin cho mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: BTV
Trước đó, chiều 26.1, Đoàn đại biểu của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng dẫn đầu cùng cán bộ, nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã viếng Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hảo, tưởng nhớ anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ quê hương. Tiếp đó, tại đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh) diễn ra lễ khởi công xây dựng Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.
THẢO KHUY