Xây dựng nền công vụ: Chuyên nghiệp, chuẩn mực
Ðề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao văn hóa công vụ, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực cho cán bộ, công chức, viên chức.
Ðề án Văn hóa công vụ (VHCV) đã xác định 4 vấn đề trọng tâm, đó là: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.
Ngành Nội vụ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ cương và trách nhiệm thực thi công vụ.
- Trong ảnh: Kiểm tra công tác cải cách hành chính, thực thi công vụ tại UBND phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch
Trước hết, cần khẳng định rằng, đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ đề cập đến vấn đề VHCV. Song, theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, việc ban hành Đề án VHCV là rất cần thiết và có ý nghĩa thời sự, bởi việc thực thi công vụ thời gian qua còn nhiều tồn tại. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, “trên nóng, dưới lạnh”. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều điểm thiếu và yếu về tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính, phong cách làm việc chậm đổi mới; thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội…
Với yêu cầu xây dựng nền công vụ của nước ta hiện nay, ông Giang cho rằng, các giá trị cơ bản của VHCV cần hướng tới là liêm chính, trung thực, khách quan và công bằng. “Công vụ là phục vụ người dân, lo cho dân, lấy phục vụ người dân làm mục tiêu chính. Đội ngũ cán bộ, công chức cần thực hiện trách nhiệm một cách trong sáng, tận tụy, không vụ lợi. Mọi hoạt động phải được công khai, minh bạch và chịu sự giám sát của dân. Có vậy mới xây dựng được nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, năng động, hiệu quả””, ông Giang nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS - TS Hồ Xuân Quang - Trưởng khoa Giáo dục Chính trị và Quản lý nhà nước (Trường ĐH Quy Nhơn) đánh giá cao tính thực tiễn, khoa học của các quan điểm, nội dung và rất tâm đắc với các nhóm giải pháp thực hiện Đề án. “Đề án đã xác lập nội hàm VHCV của người cán bộ, công chức, viên chức trên các trục quan hệ: đối với chính mình, với công việc (nhiệm vụ được giao, trách nhiệm công vụ) và nhân dân (đối tượng phục vụ). Việc thực thi và ứng xử của mỗi người và cả đội ngũ đối với các trục quan hệ đó phải trở thành những giá trị văn hóa trong toàn bộ hệ giá trị văn hóa Việt Nam”, ông Quang phân tích.
Đáng chú ý, Đề án có những nội dung rất cụ thể. Chẳng hạn, trong giao tiếp với người dân, phải thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với lãnh đạo cấp trên, phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Không chỉ trông chờ vào “tự giác”
Một trong những vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm là tính thực tiễn của Đề án này, bởi VHCV gắn liền với văn hóa ứng xử, phần nào mang yếu tố cảm tính. Theo ông Lâm Hải Giang, để nâng cao chất lượng thực thi, thực hành những giá trị VHCV, trước hết cần rà soát, đánh giá hiện trạng; từ đó, hình thành và phát triển các giá trị cốt lõi của VHCV với những quy định hết sức cụ thể, mang tính chuẩn mực. Trong quá trình tổ chức thực hiện, ngoài việc phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện, tự soi, tự sửa của mỗi người, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Nội vụ cần tập trung khắc phục những điểm thiếu và yếu hiện tại của đội ngũ cán bộ, công chức thông qua việc đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng; xây dựng hệ thống thăng tiến, khen thưởng, kỷ luật dựa trên công trạng, năng lực, hiệu quả thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ cương và trách nhiệm thực thi công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp. “Đây là kênh thông tin quan trọng để đánh giá chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức”, ông Giang khẳng định.
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn, đặt Đề án VHCV vừa ban hành trong tổng thể các nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác cán bộ, đặc biệt là Quy định số 08-QĐi/TW (về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) mới thấy rõ tính hệ thống, toàn diện trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Khoa Giáo dục Chính trị và Quản lý nhà nước (Trường ÐH Quy Nhơn) đã đào tạo cử nhân ngành Quản lý nhà nước từ năm 2008. Trong quá trình đào tạo, khoa luôn cập nhật chương trình đào tạo; các nội dung về đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp hành chính, phẩm chất nghề nghiệp… rất được quan tâm.
PGS - TS Hồ Xuân Quang cho biết, các nội dung mới trong Ðề án VHCV sẽ được nghiên cứu, bổ sung, lồng ghép vào giáo trình, tài liệu giảng dạy; nhằm tăng tính thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Từ đó, góp phần cung cấp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính của Bình Ðịnh và các địa phương trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.
NGUYỄN VĂN TRANG