Phát triển nông nghiệp ở Phù Cát: Hướng đến bền vững
Một trong những mục tiêu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Cát trong năm 2019 là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo chuyển biến có tính đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn. Qua đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững.
Nông dân Phù Cát tham quan cánh đồng mẫu lớn tại xã Cát Hanh.
Những năm gần đây, kinh tế của huyện Phù Cát liên tục tăng trưởng khá. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng trưởng bình quân 13,7%. Trong đó sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 7,3%/năm; giá trị trên mỗi héc-ta canh tác đạt 112,5 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt trên 39,3 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, trong cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp của huyện đã và đang tiếp cận nền nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sinh thái, áp dụng và hoàn thiện các khâu cơ giới trong sản xuất. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất của nông dân bắt đầu có chuyển biến tích cực, từ việc tiếp cận tiến bộ KHKT, đến chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa. Điển hình như: mô hình chuyển đổi cây trồng cạn có hiệu quả ở xã Cát Tài, Cát Hanh, nuôi bò lai sinh sản ở xã Cát Trinh, Cát Nhơn, Cát Hải; nuôi heo đệm lót sinh học ở xã Cát Tân, Cát Minh; làm bún bánh ở Cát Hanh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá khách quan cho thấy sản xuất nông nghiệp Phù Cát vẫn còn khá nhiều hạn chế. Đó là diện tích lúa vẫn lớn, diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao còn ít, mặc dù đã hình thành vùng sản xuất tập trung, tuy nhiên quy mô và chất lượng chưa bền vững. Việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào canh tác chưa phổ biến, chưa nhiều. Đặc biệt là khâu xúc tiến thương mại, tìm nguồn tiêu thụ ổn định cho nông sản vẫn là bài toán khó. Người nông dân vẫn phải đối mặt với tình trạng “mất mùa được giá - được mùa rớt giá”.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp Phù Cát theo hướng nông nghiệp sinh thái, sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm,huyện đã đề ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, đồng bộ từng bước hiện đại hóa; giảm dần diện tích sản xuất lúa, đến năm 2020 ổn định còn 16.000 ha gieo trồng; mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên 600 ha; đồng thời mở rộng và phát triển các vùng trồng bắp lai, đậu phụng, hành và những cây trồng có giá trị kinh tế cao khác. Các ngành chăn nuôi nói chung, đến năm 2020 đều tăng về quy mô và chất lượng sản phẩm từ gia súc, gia cầm cho nuôi trồng thủy sản… Để phát triển bền vững Phù Cát phải chú trọng ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, gắn với quảng bá, duy trì và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển mô hình kinh tế hợp tác 5 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các vùng chuyên canh tập trung.
Ông Lương Văn Khoa - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát chia sẻ: “Để phát triển nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp sạch thân thiện với môi trường, trong thời gian tới, huyện Phù Cát đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất. Đặc biệt nhất là làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các khâu, nhất là vấn đề sử dụng các loại hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và chất cấm trong chăn nuôi; nhằm mục đích sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu làm ra sản phẩm chất lượng cao, việc tìm kiếm thị trường, khách hàng ban đầu có thể khó nhưng khi đã có rồi thì ổn định và bền vững, bớt lo chuyện được mùa rớt giá. Mặt khác xu hướng chọn dùng những sản phẩm thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng phổ biến hơn”.
THẾ HÀ