Giải quyết tranh chấp địa giới hành chính: Cần sự đồng thuận
Giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính là việc phức tạp, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân tại khu vực tranh chấp.
Triển khai thi công Dự án 513 tại huyện Phù Cát.
Theo kết quả rà soát của các địa phương, tính đến tháng 12.2016, trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến tranh chấp địa giới hành chính (ĐGHC). Trong đó, có 3 tuyến cấp tỉnh giữa xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) với xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên); xã An Toàn (huyện An Lão) với xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai); xã Hoài Châu Bắc (huyện Hoài Nhơn) với xã Phổ Châu (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Có 3 tuyến cấp huyện: xã An Nghĩa (huyện An Lão) với xã Đắk Mang, xã Ân Sơn (huyện Hoài Ân); phường Nhơn Thành (TX An Nhơn) với xã Cát Tân (huyện Phù Cát); xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) với xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Có 1 tuyến cấp xã: xã Mỹ Châu với xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ) tại khu vực Gò Lao (đầm Trà Ổ).
Kết quả bước đầu
Thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2.5.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ ĐGHC và xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐGHC” (gọi tắt là Dự án 513), công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến quản lý ĐGHC đã triển khai trong nhân dân, đặc biệt là ở vùng giáp ranh giữa các đơn vị hành chính.
Cùng với đó, từ tháng 11.2017 đến nay, 11/11 đơn vị hành chính cấp huyện phối hợp Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam (đơn vị thi công Dự án 513 của tỉnh) triển khai rà soát, đối chiếu tính thống nhất giữa hồ sơ với bản đồ ĐGHC và giữa hồ sơ, bản đồ với thực tế quản lý. Từ đó, xác định đường địa giới, vị trí cắm mốc; tổ chức đúc mốc, cắm mốc, đo tọa độ mốc, lập sơ đồ mốc, hoàn thiện việc lập bản đồ ĐGHC gốc thực địa (ngoại nghiệp) theo kế hoạch.
Trong quá trình triển khai công tác ngoại nghiệp, Sở Nội vụ đã phối hợp đơn vị thi công cùng các cấp chính quyền tổ chức khảo sát, hiệp thương giải quyết 97 tuyến ĐGHC cấp xã, 7 tuyến ĐGHC cấp huyện có sự không thống nhất giữa bản đồ, hồ sơ với thực tế quản lý hoặc đường ĐGHC bị thay đổi do quá trình phát triển KT-XH. Đồng thời, tổ chức cắm 338 mốc ĐGHC; trong đó có 14 mốc cấp tỉnh, 20 mốc cấp huyện, 304 mốc cấp xã.
Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giải quyết tình hình lấn chiếm đất đai của một số hộ dân TX An Khê (tỉnh Gia Lai) tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai kế hoạch khảo sát thực địa, xác định vị trí cắm mốc. Từ đó, hoàn thành việc cắm 12 mốc ĐGHC cấp tỉnh trên tuyến ĐGHC giữa xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) và các xã Tú An, Xuân An, Cửu An (TX An Khê) và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp ĐGHC giữa xã An Nghĩa với xã Đắk Mang, Ân Sơn cũng đã mang lại hiệu quả bước đầu. Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Hoàng Phi Long, kết quả lấy ý kiến cho thấy đa số cử tri nhất trí với phương án chuyển giao 261 ha đất tự nhiên của xã Đắk Mang và 767 ha của xã Ân Nghĩa cho xã An Nghĩa quản lý (tỉ lệ đồng ý lần lượt là 60,6% và 62,4%).
Cần quyết tâm, đồng thuận
Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 24 tuyến ĐGHC chưa được các địa phương hiệp thương thống nhất giải quyết (trong đó có 14 tuyến cấp xã, 7 tuyến cấp huyện và 3 tuyến cấp tỉnh).
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Văn Hương, giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến ĐGHC là công việc khó khăn, phức tạp, vừa mang tính chính trị, xã hội và cả tính pháp lý. Quá trình giải quyết đòi hỏi phải xem xét đến nhiều yếu tố và sự tham gia giải quyết của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân tại khu vực tranh chấp.
Dự kiến trong năm 2019, trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng, Sở Nội vụ sẽ tham mưu cho UBND tỉnh hiệp thương với UBND các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Quảng Ngãi để giải quyết các điểm chồng lấn, chưa thống nhất ĐGHC.
Để giải quyết hiệu quả tranh chấp ĐGHC, Sở Nội vụ kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; sửa đổi Nghị định số 119/CP ngày 16.9.1994 của Chính phủ về quản lý, sử dụng hồ sơ, bản đồ địa giới và mốc ĐGHC các cấp; sớm có văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp ĐGHC. Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí dành riêng cho công tác quản lý hồ sơ, bản đồ, mốc ĐGHC các cấp; hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai thực hiện Dự án 513.
Trong khi đó, các sở, ngành liên quan cần tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, khảo sát, đánh giá hiện trạng các khu vực đường ĐGHC tỉnh bị chồng lấn, tranh chấp; tham mưu hiệu quả để giải quyết các điểm chồng lấn, tranh chấp. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương có tranh chấp về đường ĐGHC cấp huyện, xã với đơn vị hành chính liền kề thực hiện tốt các quy trình khảo sát, thu thập tài liệu lịch sử, khoa học, pháp lý; xây dựng phương án, tổ chức hiệp thương xác định đường ĐGHC tại các khu vực có tranh chấp.
MAI LÂM