Từ việc xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh sởi: Bít “lỗ hổng tiêm chủng”
Trước tình hình dịch sởi đang lan rộng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam, các chuyên gia y tế lo ngại về nguy cơ số người mắc bệnh này tiếp tục tăng. Do đó, công tác phòng chống bệnh sởi đang được các địa phương khẩn trương triển khai.
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, đã có một giai đoạn dài tỉnh Bình Định không ghi nhận ca mắc bệnh sởi nào. Năm 2017 toàn tỉnh có 2 ca mắc sởi (ở Tây Sơn và Phù Cát). Tuy nhiên, năm 2018 tỉnh ta phát hiện tới 17 trường hợp mắc sởi. Đây chưa phải là con số báo động tình trạng nguy hiểm, nhưng phần nào cảnh báo chúng ta phải chủ động phòng chống, nếu không muốn dịch sởi bùng phát.
ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhận định: “Dịch sởi đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và có dấu hiệu gia tăng ở Bình Định một phần vì những “phần trăm” còn sót trong các đợt tiêm chủng mở rộng. Chúng ta tiêm đạt tỉ lệ 95% hoặc 98%..., nhưng còn 2% hay 5% chưa được tiêm, cộng dồn qua từng năm khiến “lỗ hổng tiêm chủng” ngày một lớn”.
Nhận định của ThS Lân cũng phù hợp với những phân tích của chuyên gia y tế về dịch sởi ở TP Hồ Chí Minh. Bởi trong số khoảng 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi tại thành phố này, ngoại trừ những trẻ dưới 9 tháng tuổi, 95% bệnh nhân còn lại đều không được tiêm chủng vắc-xin sởi. “Lỗ hổng tiêm chủng” khiến bệnh sởi gia tăng nhanh.
Một vấn đề đáng lo ngại khác là dịch sởi có thể gia tăng ở nhiều tỉnh, thành khác trong dịp Tết Nguyên đán 2019, khi nhiều người trở quê sẽ là nguồn phát tán vi-rút sởi. Đặc biệt, các tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang có số ca mắc sởi cao, lại tập trung lực lượng lao động từ nhiều địa phương trong cả nước nên rất khó kiểm soát khả năng lây lan.
Bệnh sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền, gây dịch lớn. Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng, có thể dẫn đến tử vong. Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi là tiêm vắc-xin ngừa sởi. Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, để giảm bớt nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó có sởi.
Với mục tiêu khống chế, tiến tới loại trừ bệnh sởi trong phạm vi cả nước, ngay sau khi ghi nhận 2 trường hợp mắc sởi tại Bình Định năm 2017, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng tỉnh tiêm vét, tiêm bù tại Tây Sơn và Phù Cát.
Theo đó, đối tượng trong diện được tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi là trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Trong khi đó, trong số 17 ca mắc sởi năm 2018 có đến 13 ca phát hiện tại Vĩnh Thạnh (tại làng Klotpok và Hà Rơn, thị trấn Vĩnh Thạnh). Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động tiêm vét 200 liều vắc-xin cho trẻ ở đây. Bên cạnh đó, đơn vị này đề xuất Bộ Y tế cấp thêm vắc-xin để tiêm chống dịch cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn toàn huyện, dự kiến triển khai ngay trong tháng 2.2019.
Theo ThS Bùi Ngọc Lân, trẻ em được tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi một mũi lúc 9 tháng và mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi. Sở dĩ trẻ khi 9 tháng mới được tiêm là vì còn được “hưởng chế độ” miễn dịch từ mẹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây có vẻ như miễn dịch của các bà mẹ suy giảm. Do đó, có trường hợp trẻ mới 6 tháng tuổi đã mắc sởi. Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân, có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Vì vậy, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sốt phát ban, cách ly bệnh nhân sởi với bệnh nhân khác để tránh lây nhiễm chéo.
LÊ CƯỜNG