Khẩn trương chống dịch sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay, số ca sốt xuất huyết ở một số địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cao. Ngành y tế cùng chính quyền các cấp đã và đang huy động lực lượng, phương tiện triển khai các giải pháp ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng. Dù vậy do thời tiết bất thường, tình hình bệnh sốt xuất huyết lại nóng lên.
Tính từ đầu năm đến ngày 23.1, toàn tỉnh có 571 ca mắc sốt xuất huyết (cả năm 2018 có 3.106 ca). Trong đó, chỉ riêng tại TX An Nhơn có 165 ca (chiếm hơn 25%). Một số địa phương có số người mắc sốt xuất huyết cao gồm: Hoài Nhơn (115 ca), Tuy Phước (78), Quy Nhơn (61), Tây Sơn (53)… Việc TX An Nhơn vọt lên đầu bảng được xem là khá bất ngờ, bởi tính đến cuối năm 2018, địa phương này chỉ đứng thứ 4 so với các huyện, thành phố trong toàn tỉnh về số ca mắc sốt xuất huyết.
Thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại TTYT TX An Nhơn.
“Nóng” tại An Nhơn, Hoài Nhơn
Theo bác sĩ CKII Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, điểm đáng lưu ý là số ổ dịch và người mắc sốt xuất huyết đợt này không tập trung mà rải rác ở nhiều khu vực trong thị xã. Những ngày qua, bên cạnh biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm, nhiều cơ quan, đơn vị của thị xã đã vào cuộc quyết liệt.
“Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng mạnh từ đầu năm 2019, Sở Y tế đã làm việc với lãnh đạo TX An Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Ngành y tế phối hợp với địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để kéo giảm số ca mắc mới. Mục tiêu là đưa tình hình trở lại bình thường vào ngày 31.1”.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG
“Hiện tại TTYT TX An Nhơn có 46 bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết, trong đó có một số người ở huyện Tuy Phước. Từ nay đến trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chúng tôi sẽ liên tục phun thuốc để diệt muỗi ở các phường, xã gồm: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hưng, Nhơn Hậu, Nhơn Lộc. Hy vọng với những biện pháp kết hợp này sẽ giúp giảm số người mắc sốt xuất huyết trong thời gian tới”, bác sĩ Bình nói.
Trong khi đó, dù đã tích cực triển khai nhiều hoạt động từ vài tháng qua, nhưng Hoài Nhơn vẫn chưa thể kéo giảm số lượng ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn. Chỉ trong 2 tuần gần đây nhất đã có 90 trường hợp mắc mới. Bác sĩ Lưu Kim Hoàng, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trong ngày 28.1, chúng tôi đã tiếp tục phun thuốc chủ động ở thị trấn Tam Quan và xã Tam Quan Bắc. Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí hơn 200 triệu đồng từ UBND tỉnh và Sở Y tế, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, huyện Hoài Nhơn vẫn đang tích cực triển khai các hoạt động để kiểm soát dịch”.
Người thờ ơ, kẻ lơ là
Đó là nhận định của ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau khi trực tiếp có mặt ở nhiều “điểm nóng” sốt xuất huyết trong tỉnh.
Theo thống kê của BVÐK tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay có 620 bệnh nhân bị sốt xuất huyết đã điều trị và xuất viện. Hiện có 105 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị ở khoa Truyền nhiễm và khoa Nhi.
Theo ông Lân, việc số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan gồm: tác động của yếu tố thời tiết, khiến số lượng muỗi tăng nhanh, đây cũng là tình trạng chung ở một số tỉnh lân cận; khả năng thích nghi của muỗi trong các điều kiện khác nhau cũng tăng lên. “Tuy nhiên, điều đáng nói là rất ít hộ gia đình có ý thức tự kiểm tra và loại trừ muỗi, lăng quăng quanh khu vực mình sinh sống. Họ cũng không chủ động tham gia các chiến dịch diệt lăng quăng, làm sạch môi trường do các hội, đoàn thể phát động. Một khó khăn nữa là khi các đơn vị xuống phun thuốc diệt muỗi vào ban ngày thì người dân đi làm, đóng cửa; phun vào chiều tối lại trùng vào giờ chuẩn bị cơm nước. Hiệu quả diệt muỗi không cao, vì vậy, sốt xuất huyết vẫn khó giảm”, ThS Bùi Ngọc Lân nhìn nhận.
Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết gia tăng và lan rộng ở nhiều địa phương, những ngày qua lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xuống nhiều khu vực để giám sát, kiểm tra và tham gia hỗ trợ công tác chống dịch. Hiện ngành y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đợt tuyên truyền; tập trung xử lý các ổ dịch và điểm nguy cơ; duy trì giám sát ca bệnh và véctơ, khi có biểu hiện nguy cơ phải giải quyết ngay. Ngoài việc thông tin trên hệ thống phát thanh, truyền hình, ngành y tế còn thành lập đoàn truyền thông lưu động tại các khu vực. ThS Bùi Ngọc Lân cho biết, không chỉ An Nhơn, Hoài Nhơn mà nhiều huyện, thành phố trong tỉnh đều đang triển khai các biện pháp diệt lăng quăng, muỗi để giảm số ca mắc sốt xuất huyết.
Tính đến hết ngày 28.1, trong đợt tiêm chủng mở rộng tháng 1.2019, đã có 4.542 trẻ ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được tiêm vắc-xin ComBE Five. Trong đó, có 89 trường hợp phản ứng nhẹ (sốt dưới 390, quấy khóc…); 3 trường hợp phản ứng nặng (sốt co giật, tím tái) nhưng đã được xử trí và đã sớm ổn định sức khỏe. Ngoài ra, có 362 trẻ hoãn tiêm do đang sốt hoặc bị bệnh, sẽ được tiêm bù vào đợt sau.
LÊ CƯỜNG