Tàu thám hiểm không người lái lặn sâu 3.000 m
Tàu lặn không người lái Cyclops có thể lặn ở độ sâu 3.000 m so với mặt nước biển, mở ra nhiều cơ hội thăm dò đáy đại dương cho các nhà khoa học.
Theo Live Science, tàu Cyclops được đặt theo tên của người khổng lồ một mắt trong thần thoại Hy Lạp với thiết kế một vòm kính rộng 1,5 m ở đằng trước tạo tầm nhìn 180 độ cho người ngồi bên trong. Con tàu được thiết kế theo hình dáng của một viên đạn với chiều dài 5,5 m, chiều rộng 3,4 m, chiều cao 2m và có tổng trọng lượng 8.618 kg khi ở trên đất liền.
Cyclops hy vọng có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng như ngành công nghiệp khai thác dầu khí, các công ty thám hiểm đáy biển, khai thác dược phẩm, các nhà nghiên cứu thậm chí cả khách du lịch.
Stockton Rush, CEO của công ty tàu ngầm OceanGate, nhà sản xuất con tàu, cho biết đã chi khoảng 5 triệu USD cho Đại học Washington để chế tạo tàu Cyclops. Con tàu sẽ được giới thiệu rộng rãi vào năm 2016.
OceanGate hiện sở hữu và cho thuê nhiều loại tàu lặn khác nhau như tàu Antipodes có sức chở 5 người và khả năng lặn sâu tối đa 305 m. Các nhà nghiên cứu mới đây đã sử dụng con tàu này để nghiên cứu vùng biển ngoài khơi Fort Lauderdale, Florida và phát hiện cá sư tử, một loài động vật biển sống ở đáy đại dương với độ sâu lớn hơn so với ước tính trước đây.
Cho đến nay, có rất nhiều tàu lặn trên thế giới có khả năng thám hiểm đại dương. Alvin, tàu ngầm lặn sâu nhất của Mỹ, có thể thám hiểm đại dương ở độ sâu tối đa 4.500 m và dự kiến có thể đi sâu khoảng 6.500 sau khi được trùng tu. Tàu ngầm thám hiểm Deepsea Challenger của đạo diễn James Cameron có thể lặn ở độ sâu sâu nhất thế giới khi chạm đáy rãnh Mariania ở Thái Bình Dương với độ sâu gần 11.000 m.
. Theo Thùy Linh (VnE)