Dự án đập ngăn mặn trên sông Lại: Góp phần thay đổi bộ mặt Hoài Nhơn
Ngăn mặn, giữ nguồn nước ngọt để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH huyện Hoài Nhơn là mục tiêu của dự án và cũng là kỳ vọng của người dân địa phương.
Sáng sớm 25.1, tại thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ, đông người dân đã đến chứng kiến Ban quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức khởi công Dự án Đập ngăn mặn trên sông Lại Giang.
Kỳ vọng lớn
Ông Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy rất vui khi nói về dòng sông Lại Giang và công trình quan trọng này: Dòng sông Lại gắn bó với người dân Hoài Nhơn bao đời với nhiều ký ức đẹp. Tuy nhiên, với độ dốc lớn, khoảng cách từ đầu nguồn đến hạ lưu ngắn, nên mùa nắng nóng, sông thường bị cạn khô. Đây cũng là thời điểm thủy triều dâng cao mang theo nước mặn xâm nhập ruộng đồng. Mùa mưa lũ, nước sông chảy xiết, đổ dồn nhanh xuống hạ lưu, gây sạt lở hai bên bờ và làm ngập nhiều làng xóm. Bởi vậy, khi xây dựng đập ngăn mặn kiên cố, hai bên bờ được kè lát đá vững chắc, kết hợp làm đường giao thông bằng bê tông xi măng sẽ phát huy tác dụng của dòng sông này, không chỉ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch phát triển mà tạo môi trường cảnh quan, góp phần thúc đẩy huyện Hoài Nhơn phát triển toàn diện.
Sông Lại có độ dốc lớn, khoảng cách từ đầu nguồn đến hạ lưu ngắn, nên mùa nắng nóng, sông thường bị cạn khô. Ảnh: ANVIETNAM
Có thể nói toàn bộ nhân dân sống ở lưu vực sông Lại quan tâm đến Dự án này, đặc biệt là những khu vực phía Đông Lại Giang tính từ cầu Bồng Sơn (cũ). Bà Trần Thị Bạn, ở thôn Định Trị, chia sẻ: Gia đình tôi sản xuất 14 sào lúa. Mùa nắng nước hạ thấp phải dùng bơm hút nước để tưới cho cây trồng, rất tốn kém. Còn mùa mưa, nước dâng cao uy hiếp các hộ dân sinh sống ven đê, ruộng vườn ngập nước, phải gieo sạ lại nhiều lần. Vì vậy, người dân rất kỳ vọng vào đập ngăn mặn trên sông sẽ giải quyết được khó khăn lâu nay.
Dự án Đập ngăn mặn trên sông Lại Giang là công trình thủy lợi lớn, có tầm quan trọng đối với việc phát triển KT-XH của huyện Hoài Nhơn và của tỉnh. Do vậy, từ năm 2010, UBND tỉnh và huyện Hoài Nhơn đã có chủ trương nghiên cứu dự án này và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để thực hiện. Đến nay, công trình đã được hội đủ các điều kiện để thực thi, đáp ứng được mong đợi của chính quyền và nhân dân địa phương.
Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương khẳng định: Đây là điều kiện tốt để Hoài Nhơn đánh thức tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Hoài Nhơn trở thành thị xã trong năm 2020 và TP Hoài Nhơn trước năm 2035.
Phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ phát động phong trào thi đua triển khai thực hiện dự án vào ngày 25.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu UBND huyện Hoài Nhơn phối hợp với chủ đầu tư sớm hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng.
Theo kế hoạch công trình này sẽ hoàn thành trong tháng 12.2019, nhưng cả chủ đầu tư và các nhà thầu đều tỏ rõ quyết tâm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng trước thời hạn. Ông Đoàn Thế Hòa, Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Lập, cho biết: Chúng tôi thực hiện 2 hạng mục chính của công trình, đó là thi công đập chính và hai trạm bơm. Hiện chúng tôi đã huy động phương tiện, nhân lực, vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo an toàn trong lao động, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, mỹ thuật, chất lượng và vệ sinh môi trường như đã cam kết với chủ đầu tư.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh (chủ đầu tư dự án), cho hay: Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát tập trung cao độ, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các hạng mục công trình, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ trước 3 tháng, đảm bảo chất lượng và kỹ, mỹ thuật.
Dự án đập ngăn mặn trên sông Lại Giang là công trình trọng điểm của tỉnh với tổng mức đầu tư 220 tỉ đồng (nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và vốn đối ứng ngân sách tỉnh, huyện Hoài Nhơn). Với việc xây đập dâng chắn ngang sông Lại thuộc địa bàn xã Hoài Mỹ cùng hệ thống kè bảo vệ bờ sông kết hợp đường giao thông và các trạm bơm, dự án đê ngăn mặn trên sông Lại sẽ góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn cấp nước tưới ổn định cho 900 ha đất nông nghiệp và nước nuôi trồng thủy sản cho 155 ha; bổ sung nguồn nước ngầm, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 47.000 người ở khu vực thị trấn Bồng Sơn và các xã: Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Ðức; cải tạo môi trường sinh thái, tạo cảnh quan cho khu vực Trung tâm huyện lỵ Hoài Nhơn; kết hợp làm cầu giao thông trên mặt đập, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và lưu thông hàng hóa.
PHẠM TIẾN SỸ