Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 2: Ðảo xanh Nam Yết anh hùng
Sau mấy ngày rẽ sóng vượt trùng khơi, từ boong tàu nhìn về phía trước, đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa đã hiện rõ trước mắt chúng tôi. Nam Yết như “viên ngọc xanh” nổi lên giữa Biển Ðông. Bước chân lên đảo, tất cả đều ngỡ ngàng khi hòn đảo tiền tiêu này lại có rất nhiều cây xanh, hoa lá, khung cảnh đẹp và yên bình đến nao lòng.
Và đặc biệt không hiểu sao ai cũng có cảm giác gần gũi như trở về nhà chứ không phải là khách của Nam Yết!
Duyệt đội hình trên đảo Nam Yết.
Màn chào mừng ngoài kế hoạch
Sáng 9.1, khi đoàn công tác tập trung họp mặt tại hội trường trung tâm, lời phát biểu chào mừng chưa dứt, trung tá Đào Văn Kha, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, bỗng thông báo khẩn “Báo động tác chiến phòng không cấp 1!”.
Ngay lập tức sĩ quan, chiến sĩ trên đảo theo nhiệm vụ nhanh chóng rời hội trường, cơ động triển khai lực lượng, vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Các vị khách sau đó được thông báo lại, đó là tình huống triển khai chiến đấu thật chứ không phải là diễn tập! Bởi lẽ khi đó có máy bay trinh sát của nước ngoài bay quanh khu vực đảo Nam Yết. Đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, nói vui: Chắc thấy tàu đưa đoàn ra đảo đông quá nên họ đã đưa máy bay đến “chào”...
Nam Yết là một trong hai đảo ở quần đảo Trường Sa sớm được vinh dự phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2004. Hiện đảo đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.
Buổi sáng đẹp trời đầu năm, khi khắp nơi trong cả nước đang rộn ràng hướng đến Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019, thì tại một góc phía đầu đảo Nam Yết, các thành viên đoàn công tác chúng tôi đã có những giây phút lắng lòng mặc niệm, dâng nén hương ở nghĩa trang có 5 mộ liệt sĩ, là nơi có nhiều mộ liệt sĩ nhất trong số các đảo ở quần đảo Trường Sa. Những chiến sĩ trẻ quê ở các vùng, miền khác nhau của Tổ quốc đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Họ ra đi ở tuổi 20 nhưng mãi mãi ở lại trên đảo Nam Yết trong tâm khảm của đồng đội, tiếp thêm cho đồng chí đồng đội quyết tâm, cẩn trọng, vững vàng tay súng...
Cây bàng vuông di sản trên đảo Nam Yết.
Đảo xanh, đảo anh hùng
Đảo Nam Yết phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, khô hạn kéo dài; lượng nước ngọt bảo đảm cho sinh hoạt và tăng gia sản xuất có thời điểm còn khó khăn, thiếu thốn... Nhưng, tinh thần quyết tâm, mồ hôi, cả nước mắt và máu của những con người kiên trung bám trụ nơi đây đã làm nên điều phi thường, để Nam Yết hôm nay có hệ thực vật phong phú, độ phủ xanh vào loại bậc nhất trong số các đảo của quần đảo Trường Sa.
Nam Yết là đảo cấp 1 trong chuỗi các đảo nằm ở khu vực phía Bắc của quần đảo Trường Sa, có vị trí quân sự quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ðảo có nhiệm vụ theo dõi các mục tiêu trên biển của nước ngoài hoạt động trong khu vực, báo cáo kịp thời, xử lý đúng đối sách và sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ. Trong năm 2018, các lực lượng trên đảo đã quan sát được đến 4.627 lượt mục tiêu, trong đó có rất nhiều máy bay, tàu quân sự của một số nước hoạt động ở khu vực xung quanh đảo...
Trung tá Đào Văn Kha, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, tự hào: “Xây dựng đảo đẹp về cảnh quan môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cán bộ, chiến sĩ quyết tâm thực hiện. Trong năm qua, chúng tôi đã tổ chức san gạt mặt bằng xung quanh các đơn vị và các trục đường, tạo sự thông thoáng, tiện cơ động; trồng mới hơn 5.000 cây xanh các loại, tạo cảnh quan doanh trại sạch, xanh, đẹp”.
Đi trên những con đường rợp mát bóng cây, chúng tôi bắt gặp hình ảnh đẹp về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, khi một chiếc lá bàng vừa rơi xuống chưa kịp chạm đất, thì một chiến sĩ đang đứng gác đã nhanh đỡ lấy bỏ vào thùng rác. Đảo Nam Yết còn có rất nhiều “phòng khách thiên nhiên” tuyệt vời, đó là những bộ bàn ghế đặt dưới bóng cây mù u cổ thụ ở quần đảo Trường Sa, dưới những cây bàng vuông và đặc biệt là cây bàng vuông được công nhận là cây di sản Việt Nam. Không chỉ có cây xanh, Nam Yết còn có vườn lan được các ĐVTN nơi đây chăm bẵm kỹ lưỡng.
Nam Yết còn có một đặc trưng nổi bật so với tất cả các đảo khác, đó là đảo trồng nhiều dừa nhiều nhất ở Trường Sa. Đảo có gần 150 cây dừa ở nhiều khu vực, trong đó có rất nhiều cây vững vàng trong gió bão nhiều năm, tỏa bóng mát và cung cấp nguồn nước mát cho lính đảo... Giống dừa Nam Yết đã được cán bộ, chiến sĩ nơi đây nhân lên, cung cấp cho nhiều đảo đồng đội, đồng thời làm quà tặng cho các đoàn khách ra thăm đảo. “Rừng dừa Nam Yết là một trong những niềm tự hào của lính đảo. Chúng tôi thường xuyên làm cỏ dừa thật sạch, có cây dừa tuổi đời còn lớn hơn nhiều chiến sĩ trên đảo, được xem bạn đồng hành can trường nơi đầu sóng ngọn gió...”, binh nhất Trương Võ Kì, pháo thủ ở đảo Nam Yết, bộc bạch.
Trạm xá đảo Nam Yết.
Bệnh viện giữa đại dương
Nằm khép mình bên một góc đảo dưới những tán cây xanh là Trạm xá đảo Nam Yết, một khu nhà nhỏ có 4 phòng được dành để làm việc, phòng mổ, bệnh nhân nằm điều trị. Túc trực tại trạm xá có 2 bác sĩ (nội và ngoại khoa) và 5 y sĩ của Viện Quân y 103 (Hà Nội) luân phiên thay đổi mỗi năm một lần. Trạm xá cấp 1 này được trang bị máy siêu âm, máy thở, cùng một số thiết bị cần thiết. Đối với những ca bệnh nặng, các bác sĩ của trạm xá có thể sử dụng hệ thống kết nối hình ảnh trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành của Viện Quân y 103 hoặc bệnh viện lớn khác để hội chẩn, tìm cách điều trị hiệu quả.
Không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe tin cậy của bộ đội, Trạm xá Nam Yết đã có 5 năm liền được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu giúp ngư dân đánh bắt xa bờ gặp nạn. Riêng với ngư dân, trong năm 2018, Trạm đã khám, điều trị cho 24 lượt ngư dân, phẫu thuật 5 ca (hoàn toàn miễn phí).
Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Trạm trưởng Trạm xá đảo Nam Yết, kể: Tháng 10.2018, một ngư dân tàu cá Quảng Ngãi khi đang đánh bắt ở ngư trường gần đảo Nam Yết thì bị tai nạn lao động khiến bàn tay dập nát. Nhận tin báo sớm nên khi người bị nạn vào đến nơi, chúng tôi nhanh chóng tiến hành các biện pháp cấp cứu, sau đó phẫu thuật cắt lọc tạo hình bàn tay. Sau 6 ngày tích cực điều trị thì bệnh nhân đã có thể rời khỏi trạm xá. Mới đây anh điện báo cho chúng tôi biết là sức khỏe đã dần ổn định, bắt đầu lao động lại gần như bình thường. Không gì vui bằng những tin báo như thế!
HOÀI THU
Tổ quốc nơi đầu sóng
Bài 1: Lần đầu đến Trường Sa