Kinh doanh, mua bán lâm sản có lắp đặt trạm cân tại huyện Hoài Ân: Nhiều vấn đề cần chấn chỉnh
Tại huyện Hoài Ân đang rộ lên việc kinh doanh, mua bán lâm sản (chủ yếu là gỗ keo) có lắp đặt trạm cân. Hoạt động này còn bộc lộ nhiều sai phạm, hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, môi trường, ATGT và ANTT tại địa phương.
Một trạm cân gỗ keo hoạt động tại xã Ân Hảo Tây không đảm bảo thủ tục, hồ sơ theo quy định.
Sai phạm, hạn chế
Theo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hoài Ân, toàn huyện có 16 cơ sở (8 DN và 8 hộ cá thể) mua bán lâm sản có lắp đặt trạm cân, trong đó có 1 DN và 4 hộ cá thể không có thủ tục đăng ký tại vị trí kinh doanh theo quy định, gồm: Công ty TNHH Tân Lập (cơ sở kinh doanh trong khuôn viên Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Tân Lập - xã Ân Tường Tây), hộ kinh doanh Phạm Thị Tuyết Sang (xã Ân Hảo Đông), hộ kinh doanh Trần Văn Thanh (xã Ân Đức), hộ kinh doanh Nguyễn Văn Đông và hộ kinh doanh Lê Văn Tưởng (cùng ở xã Ân Nghĩa).
Hầu hết các cơ sở sử dụng đất để hoạt động kinh doanh, mua bán lâm sản có lắp đặt trạm cân không tuân thủ quy định về thuê đất và sử dụng đất. Đơn cử tại xã Ân Hảo Đông, Công ty TNHH sản xuất - thương mại Tổng hợp Khải Hoàn cho Công ty TNHH Kim Khánh thuê sử dụng đất được Nhà nước giao; cơ sở hộ Phạm Thị Tuyết Sang (thường trú ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) thuê đất ở và đất vườn của các hộ dân tại thôn Bình Hòa Nam, xã Ân Hảo Đông qua thỏa thuận, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Còn ở xã Ân Tường Đông, Công ty TNHH trồng rừng Phú Hòa thuê đất của ông Huỳnh Văn Long ở địa phương nhưng không lập thủ tục thuê đất theo quy định; Công ty TNHH sản xuất - thương mại Tân Thiên Phú thuê đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…
Chưa hết, đa số cơ sở kinh doanh, mua bán lâm sản có lắp đặt trạm cân không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Hiện trạng môi trường xung quanh khu vực kinh doanh của các DN, cơ sở chưa đảm bảo vệ sinh, bãi chứa nguyên liệu lầy lội, ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường, ATGT; như cơ sở của bà Phạm Thị Tuyết Sang tại thôn Bình Hòa Nam, xã Ân Hảo Đông (gần tỉnh lộ 629). Một số cơ sở hoạt động kinh doanh sau 22 giờ, gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Bên cạnh đó, phần lớn cơ sở kinh doanh, mua bán lâm sản có lắp đặt trạm cân tại huyện Hoài Ân chưa được cơ quan CA có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận về bảo đảm ANTT và an toàn PCCC. Các phương tiện PCCC tại cơ sở không được trang bị, xây dựng theo quy định.
Ông N.V.T, một hộ dân ở thôn Bình Hòa Nam, xã Ân Hảo Đông, cho biết thêm: “Xe chở gỗ keo về các cơ sở này thường chạy ẩu, lấn đường, gây nguy hiểm cho người đi đường, ngoài ra còn hay chở quá tải, lưu thông với mật độ dày khiến nhiều tuyến tỉnh lộ, đường liên xã bị hư hỏng…”.
Nhiều cá nhân, chủ DN sử dụng đất nông nghiệp làm bãi tập kết gỗ keo.
- Trong ảnh: Một bãi tập kết gỗ keo tự phát ở xã Ân Hảo Đông.
Kiên quyết xử lý sai phạm
Ông Nguyễn Văn Rô, Phó Phòng TN&MT huyện Hoài Ân, cho biết: Để chấn chỉnh, lập lại trật tự hoạt động kinh doanh, mua bán lâm sản có lắp đặt trạm cân trên địa bàn huyện, vừa qua Phòng đã phối hợp các đơn vị liên quan của huyện tiến hành kiểm tra, qua đó phát hiện có khá nhiều DN, cá nhân sử dụng đất sai mục đích, không đảm bảo điều kiện về môi trường. “Trước mắt, chúng tôi tham mưu, đề xuất UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở sử dụng đất sai mục đích, không đảm bảo về môi trường. Trường hợp cơ sở nào đăng ký, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định thì sẽ được cơ quan chức năng cho phép hoạt động trở lại”, ông Rô nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, huyện hết sức tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhưng phải đảm bảo thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định. Hiện huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý đối với những cơ sở vi phạm.
TRỌNG LỢI