Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Hướng đến hiệu quả thực chất
Thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đang đặt ra yêu cầu cao hơn về đảm bảo các nguồn lực cần thiết để hướng đến tính hiệu lực, hiệu quả.
Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác PBGDPL.
- Trong ảnh: Chương trình ngoại khóa “Thanh niên với pháp luật” của học sinh nhà trường.
Chưa hết khó
Năm 2018, các sở, ban, ngành của tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và hội, đoàn thể, UBND cấp huyện đã tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trực tiếp trên 11.900 cuộc cho hơn 2,5 triệu lượt người dự nghe. Đồng thời, biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền pháp luật với gần 148 nghìn bản, gồm đĩa CD, VCD, tờ gấp, tờ rơi; viết gần 8.400 tin, bài đăng, phát trên báo, đài, các bản tin, tạp chí, tờ thông tin nội bộ. Cùng với đó, 154 cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức bằng các hình thức như viết bài tìm hiểu, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến... thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia.
“Ðề nghị Bộ Tư pháp sớm hướng dẫn cụ thể về phương thức và bộ công cụ với các tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL (mẫu phiếu điều tra, khảo sát; nội dung kiểm tra, phỏng vấn; báo cáo, các tài liệu khác...) theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTP để địa phương tổ chức triển khai thực hiện sâu sát, hiệu quả”.
Giám đốc Sở Tư pháp LÊ VĂN TOÀN
Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp) Hồ Mỹ Ngọc Chân, để thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tăng cường thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã vận dụng sáng tạo nhiều mô hình, phương thức mới mang lại hiệu quả cao. Điển hình như các mô hình “Thắp sáng quốc lộ”, “Thắp sáng đường quê”, “Đoạn đường tự quản về ATGT”, “Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT gắn với tập huấn, nâng cao kỹ năng lái xe an toàn” của CA tỉnh; mô hình “Đăng ký giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến”, “Kết nghĩa giữa các chi đoàn LLVT với chi đoàn địa bàn dân cư” của Tỉnh đoàn; mô hình “Tổ chức thu thanh các kịch bản câu chuyện truyền thanh về chính sách BHXH, BHYT” của BHXH tỉnh…
Tuy nhiên, việc đáp ứng kinh phí đối với công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được trọn vẹn theo yêu cầu thực tế. Qua kiểm tra công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật trong tỉnh cho thấy, với nguồn kinh phí được cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương không thể tăng cường và đổi mới về cả số lượng và hình thức các hoạt động PBGDPL hay ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL theo yêu cầu thực tiễn.
Hướng đến hiệu quả thực chất
Hiện nay, toàn tỉnh có 989 tủ sách pháp luật; trong đó, cấp tỉnh có 194 tủ với hơn 20.000 cuốn, cấp huyện có 353 tủ với khoảng 32.000 cuốn và cấp xã có 442 tủ với khoảng 40.000 cuốn. Theo đánh giá của Sở Tư pháp, tủ sách pháp luật chưa thật sự phát huy hiệu quả. Yêu cầu đầu tư các nguồn lực cho hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật là khá lớn, tuy nhiên với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin, hiệu quả sử dụng của tủ sách pháp luật là rất thấp. Tủ sách ít được quan tâm cập nhật, bổ sung mới nên số lượng sách còn ít, chưa thu hút được sự quan tâm sử dụng của cán bộ, người dân. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tính toán đến tủ sách pháp luật điện tử ở một số nơi có điều kiện”, bà Hồ Mỹ Ngọc Chân cho hay.
Trong khi đó, hòa giải là một trong những hình thức vận dụng pháp luật vào từng trường hợp cụ thể trong đời sống. Trong năm 2018, 1.123 tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.685 vụ việc, hòa giải thành 1.310 vụ, đạt 78%. Hiệu quả là vậy, song, việc thực hiện mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở theo Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh còn nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều địa phương chi trả không đúng mức quy định, hoặc chậm trả chế độ cho hòa giải viên khi thực hiện các vụ việc hòa giải, thậm chí có nhiều địa phương không chi trả với lý do không cân đối được ngân sách.
Phát biểu tại hội nghị Triển khai công tác tư pháp năm 2019 được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ngành phải tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí và con người để công tác tư pháp, pháp chế đạt hiệu quả. “Các chính sách của nhà nước về chi hỗ trợ cho các hoạt động tư pháp, nhất là ở cơ sở phải thực hiện đầy đủ. Phải khắc phục ngay việc chi trả không nghiêm túc chế độ cho hòa giải viên”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần bám sát tình hình thực tiễn, nắm bắt kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tổ chức tuyên truyền, PBGDPL kịp thời, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật mới, quan trọng, có liên quan thiết thực đến lĩnh vực công tác của ngành, đời sống xã hội ở địa phương.
NGUYỄN VĂN TRANG