Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 3: Sơn Ca - đảo & hồn dân tộc
Ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, có một hòn đảo thuở hoang sơ có rất nhiều chim sơn ca sinh sống, nên đảo được đặt tên theo tên loài chim hót cực hay này. Ðảo nay đã đông người, xây dựng nhiều công trình vững chắc hơn, không còn nhiều như thuở xưa nhưng sơn ca vẫn ríu rít trên đảo.
Tôi đã nghĩ rất nhiều về tên đảo khi nghe thông báo lịch trình đợt công tác. Đến khi đặt chân lên đảo, ngắm nụ cười giản dị, ấm áp mà rạng rỡ của những người lính đảo, tôi lại liên tưởng, cha ông ta yêu chuộng hòa bình biết đến nhường nào, đến ngay ở biên vực xa xôi nhất, tên của đất của đảo cũng hiền và giản dị như bản chất, hồn cốt dân tộc Việt Nam.
Có một Sơn Ca xanh
Khi ca nô tiến vào gần đảo, Sơn Ca đã gây ấn tượng đẹp cho khách khi nhìn tổng thể mặt tiền ngoài một số công trình quân sự, còn có chùa, ngọn hải đăng chào đón khách. Chùa Sơn Linh được thiết kế theo kiến trúc truyền thống của chùa ở Bắc bộ, nhưng có điểm thú vị riêng là các hoa văn mái lại tạo hình sóng biển... nét nhấn riêng cho ngôi chùa nơi biển đảo. Những năm qua, chùa là điểm đến tâm linh của ngư dân, là nơi để bộ đội trên đảo liên tưởng đến quê nhà trong đất liền, giúp cho ai cũng có thêm động lực tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ, lao động trong sóng gió biển trời...
Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca.
Thượng tá Phạm Thế Nhương, Đảo Trưởng đảo Sơn Ca, chia sẻ: “Trên đảo, chăm sóc để cây cỏ hoa lá xanh tốt không dễ chút nào. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đổ bao công sức mới phủ xanh được những khu đất trống, nhiều bãi cát san hô quanh năm nắng nóng, gió bão khắc nghiệt bằng những giống cây mang nhãn hiệu Trường Sa như bàng vuông, phong ba vừa góp phần làm đẹp cảnh quan đơn vị, nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe của bộ đội, màu xanh và tên cây vừa như nhắc nhở chúng ta siết tay nhau cùng bảo vệ chủ quyền...”.
Những ngày đầu năm 2019, đảo Sơn Ca lần đầu tiên đón nhận một loài cây mới đến từ vùng đất Võ. Hai thùng đựng cây lá giang Bình Định (mỗi thùng 20 cây lá giang giống) đến đảo Sơn Ca nằm trong tổng số 33 thùng cây này được chuyển đến trồng tại nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa, hưởng ứng chương trình “Vì một Việt Nam xanh” của CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (thuộc Trung ương Đoàn). Những ngày hè nắng nóng năm nay, lá giang Bình Định sẽ “giao duyên” cùng cá biển tươi ngon ở vùng biển đảo Sơn Ca, làm nên thứ canh giải nhiệt, ngon và lạ miệng đối với lính đảo...
Nồng ấm đêm giao lưu
Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở mặt tiền đảo Sơn Ca, nơi đặt trang trọng tượng Đại tướng hướng nhìn về phía biển... trở nên rộn ràng trong chương trình giao lưu “Xuân về bên cột mốc chủ quyền” vào tối 11.1.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca biểu diễn trong đêm giao lưu văn nghệ.
Đã được coi rất nhiều chương trình văn nghệ quần chúng, trong đó có những chương trình được tổ chức ở các đồn biên phòng, xã đảo, nhưng tôi rất bất ngờ, thú vị khi được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đa dạng của các sĩ quan, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca. Lời ca tiếng hát mộc mạc của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió luôn “có hồn” rất riêng khi thể hiện những ca khúc gắn liền với tâm tình, nhiệm vụ của họ như Mùa xuân nơi Trường Sa với “Sóng sóng dội bốn bề. Đảo chìm ra đảo nổi. Mùa xuân nơi đầu sóng...”, Tổ quốc gọi tên mình với những lời ca lay động trái tim: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào vách đá....”.
Tiết mục hòa tấu sáo, đàn ghi ta “Nhật ký của mẹ” của hai chiến sĩ trẻ như đã bắt đúng mạch nguồn tâm tư chung của các đồng đội để cùng thả nỗi nhớ theo gió biển về thăm những người mẹ kính yêu. Ấn tượng nhất là tiết mục ảo thuật của chiến sĩ ở phân đội cối 82 Nguyễn Quốc Đức, đã khiến mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. “Tôi đam mê luyện tập ảo thuật từ thời học sinh, khi mới ra đảo đã đem theo nhiều dụng cụ hỗ trợ để biểu diễn cho đồng đội xem. Đêm nay tôi xúc động hơn rất nhiều, vì sáng mai sẽ ra quân trở về đất liền sau một năm ở đảo. Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày tháng xa nhà, đồng đội luôn giúp đỡ nhau, tạo tình cảm ấm cúng như một gia đình...”, Quốc Đức tâm sự.
Những tiết mục biểu diễn kết hợp giữa ca sĩ là thành viên đoàn công tác và nhạc công là sĩ quan, chiến sĩ trên đảo càng làm cho đêm giao lưu thêm ấm nồng tình cảm gắn kết. Anh Ngô Văn Hùng, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang đã chinh phục mọi người với giọng hát cao, hùng hồn, truyền cảm ca khúc “Đảng là cuộc sống của tôi” rất ý nghĩa: “Đảng cho tôi lẽ sống niềm tin. Giữa biển khơi biết bao mịt mùng...”. Ngẫu hứng không chuẩn bị trước và chỉ có thời gian ráp nhạc với nhau trước buổi diễn chưa đầy 5 phút, nhưng ca sĩ và nhạc công đã có sự đồng điệu tạo nên nhiều cảm xúc cho người nghe.
Tân binh Bình Định trên đảo
Làm ở báo Đảng địa phương, một trong những nhiệm vụ tôi tự đặt cho mình là gặp cho được những người Bình Định ở Trường Sa. Và cầu được ước thấy. Hiện trên đảo Sơn Ca có 4 chiến sĩ ở độ tuổi 19 - 20, đều cùng quê Tuy Phước - Bình Định, mới ra nhận nhiệm vụ được gần nửa tháng. Trong đó, Trương Trọng Tài (Phước An) và Nguyễn Nhật Như Khuê (Phước Thắng) được phân nhiệm vụ phòng không, còn Võ Văn Linh và Trần Trọng Khiết (đều ở Phước An) làm nhiệm vụ hậu cần.
Tân binh Bình Định Trương Trọng Tài (bên phải) đang nghe chỉ huy phân công nhiệm vụ.
Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên Trương Trọng Tài đã đi nghĩa vụ quân sự từ tháng 3.2018, được phân về Tiểu đoàn 871 chuyên huấn luyện tân binh của Lữ đoàn 957 (thuộc Vùng 4 Hải quân). Sau 3 tháng huấn luyện, Trọng Tài thể hiện tốt nên nằm trong một số ít tân binh được tuyển chọn vào đào tạo tại Trung tâm huấn luyện Vùng 4 Hải quân, huấn luyện các kỹ năng thực hiện nhiệm vụ khẩu đội trưởng.
Gặp Trọng Tài tại phân đội 3, cụm 3, khẩu đội 23 trên đảo Sơn Ca vào một buổi sáng giữa tháng 1.2019, tân binh này chia sẻ: “Thời còn học sinh đã được biết nhiều thông tin về bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, nhưng không ngờ có ngày em được phân công ra nhận nhiệm vụ thiêng liêng ở điểm đóng quân xa xôi giữa biển này. Ba mẹ ở quê biết tin đã động viên em được ra Trường Sa ngoài niềm vinh dự cũng gánh vác trọng trách lớn lao cùng đồng đội, phải cố gắng hết sức mình... Những ngày qua mấy đứa em đã cố gắng hòa nhập nhanh môi trường mới để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nhắc nhau giữ gìn và xây dựng hình ảnh đẹp về những người con quê hương Bình Định có truyền thống lịch sử hào hùng...”, Trọng Tài bộc bạch.
Người bạn đồng hương Như Khuê ở cùng phân đội với Trọng Tài đang trực phòng không ngoài bãi biển. Do Như Khuê ở trong khu vực quân sự, nên tôi chỉ có thể đứng cách xa hơn chục mét từ phía sau ngắm nhìn chàng trai trẻ Bình Định hiên ngang bên khẩu pháo canh giữ biển trời Tổ quốc. Cầu chúc cho những người con đất Võ luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những ngày tháng tuổi trẻ sống đẹp,vững vàng trong sóng gió Trường Sa....
Gần đảo Sơn Ca, cách 7 hải lý về hướng Tây là đảo Ba Bình do Ðài Loan chiếm đóng trái phép, cách 39 hải lý theo hướng Tây Bắc là đảo Xu Bi do Trung Quốc chiếm đóng trái phép... ; có hai bãi cạn ở vị trí trung tâm là bãi Bàng Than, Én Đất tiềm ẩn nguy cơ nước ngoài lăm le chiếm đóng... Vì vậy, các lực lượng trên đảo Sơn Ca luôn sẵn sàng chiến đấu cao, cùng với các đảo Ðá Thị, Nam Yết, tàu trực chiến, tạo thế vững chắc bảo vệ chủ quyền ở khu vực này nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung.
HOÀI THU
* Bài 1: Lần đầu đến Trường Sa
* Bài 2: Ðảo xanh Nam Yết anh hùng