Ghi nhật ký khai thác thủy sản: Việc nhỏ, lợi ích lớn
Việc ghi nhật ký mỗi chuyến biển không những giúp ngư dân tính toán kết quả sau những ngày lao động trên biển mà còn là cơ sở để ngành chức năng xem xét nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ. Ðây cũng là giải pháp quan trọng để truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngăn chặn tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải nước khác.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ NN&PTNT và các tỉnh thành ven biển trong nước, trong đó có tỉnh ta, thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo quy định, mỗi chuyến biển, chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu cá đều phải ghi nhật ký khai thác thủy sản (KTTS) về hành trình di chuyển, vị trí tàu cá trên biển, sản lượng và các loại sản phẩm khai thác. Trước khi vào các bến cá, ngư dân phải báo cáo trước 1 giờ để cho ngành chức năng tiến hành kiểm tra sổ nhật ký, xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Ngư dân khai báo nhật ký khai thác thủy sản mỗi chuyến biển cho ngành chức năng tại cảng cá Quy Nhơn.
Ngư dân Phan Ngọc Dũng, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn chia sẻ: Tôi sở hữu 2 tàu cá, bình quân mỗi năm mở 10 chuyến biển khai thác cá ngừ đại dương. Các tàu cá đều đươc trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, nên việc tàu di chuyển đến tọa độ nào có ra ngoài phạm vi cho phép không chúng tôi đều biết cả, ghi nhật ký để làm bằng. Sản lượng cá mình khai thác được cũng rõ mười mươi, mỗi chuyến nhiều lắm cũng cỡ từ 40-50 con, mình ghi vào sổ. Khi tàu cá cập cảng, chúng tôi xuất trình nhật ký các chuyến biển cho ngành chức năng xác nhận để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa, thông qua sổ nhật ký chúng tôi đối chiếu thực tế sản lượng cá thời điểm khai thác với sản lượng cá nhập bến để còn tính toán kết quả chuyến biển để chia cho các thuyền viên trên tàu. Vì vậy, tôi thấy việc ghi sổ nhật ký là việc làm cần thiết và cũng dễ làm.
Ngư dân Đinh Công Khánh, ở xã Cát Khánh (Phù Cát) cho biết: Ban đầu chưa quen, cũng gặp một số trục trặc trong việc ghi nhật ký hành trình mỗi chuyến biển. Nhưng rõ ràng, ghi nhật ký giúp việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt dễ dàng hơn, góp phần ngăn chặn tình trạng KTTS bất hợp pháp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân. Hơn nữa, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, DN mua cá để chế biến xuất khẩu rất thích, nên chuyến biển nào tôi cũng ghi nhật ký.
Theo ngành chức năng, toàn tỉnh có 3.700 tàu cá công suất từ 90CV trở lên thường xuyên KTTS ở những vùng biển xa, tất cả các tàu này đều được phát mẫu và hướng dẫn cách ghi chép nhật ký mỗi chuyến biển. Tỉnh ta cũng đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất bến, nhập bến, xác nhận và chứng nhận nguyên liệu thủy sản theo quy định tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan. Các tàu cá chưa có đủ các thủ tục hồ sơ, các trang thiết bị, số lượng người theo quy định, không thực hiện đúng các quy định IUU thì không được ra khơi. Nhờ vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh ta đã kiểm tra 10.553 lượt tàu cá xuất bến và 7.726 lượt tàu cập bến tại các cảng cá trong tỉnh; kiểm tra, xác nhận nguồn gốc thủy sản cho 5.265 tấn cá các loại, trong đó có 4.170 tấn cá ngừ đại dương.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động ngư dân ghi nhật ký KTTS; tăng cường lực lượng, trang thiết bị tại các cảng cá phục vụ cho công tác xác nhận và chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, đảm bảo nghiêm túc, đúng quy trình. Bên cạnh đó, tiến hành nâng cấp, xây dựng các Trạm bờ, đảm bảo tiếp nhận báo cáo vị trí tự động của các tàu cá trên biển, đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý tàu cá hoạt động KTTS trên vùng biển vi phạm quy định IUU. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Đề án tổ chức thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC; phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển chủ động hoặc đề xuất tháo gỡ, xử lý những vướng mắc phát sinh.
Gần đảo Sơn Ca có một số đảo của nước ngoài đóng xen kẽ, cách 7 hải lý về hướng Tây là đảo Ba Bình do Ðài Loan chiếm đóng trái phép, cách 39 hải lý theo hướng Tây Bắc là đảo Xu Bi do Trung Quốc chiếm đóng trái phép... và có hai bãi cạn ở vị trí trung tâm là bãi Bàng Than, Én Đất tiềm ẩn nguy cơ nước ngoài lăm le chiếm đóng... Các lực lượng trên đảo Sơn Ca vì vậy luôn sẵn sàng chiến đấu cao, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để cùng với các đảo Ðá Thị, Nam Yết, tàu trực chiến, tạo thế vững chắc bảo vệ chủ quyền ở khu vực này nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung.
PHẠM TIẾN SỸ