Hành hương về Tây Sơn
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða (mùng 5 Tết Nguyên đán hằng năm) là dịp để người dân khắp nơi trở về tỏ lòng kính ngưỡng các vị anh hùng dân tộc Tây Sơn, đặc biệt là Hoàng đế Quang Trung.
Mùa xuân này, kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ hội sẽ do UBND tỉnh tổ chức trọng thể nhằm thể hiện tấm lòng của hậu thế đối với các bậc tiền nhân có công trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đồng thời giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương đến với du khách.
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là dịp để người dân khắp nơi trở về tỏ lòng kính ngưỡng các vị anh hùng dân tộc Tây Sơn, đặc biệt là Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Hoa Khá
Từ chiều mùng 4 Tết, đại biểu cùng nhân dân, du khách sẽ dâng hương tại Đài Kính Thiên và Đền thờ song thân Tây Sơn Tam Kiệt tại di tích Gò Lăng; dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung và dâng hương ở Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Dịp này, Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng cung tiến 2 trống đồng, thể hiện lòng tri ân đối với anh em nhà Tây Sơn.
Riêng đối với người dân Tây Sơn, những ngày như: Hiệp kỵ ba anh em nhà Tây Sơn; lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung; lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ai ai cũng bồi hồi chuẩn bị lễ vật dâng vua. Theo cô Phan Thị Đông (77 tuổi, ở thị trấn Phú Phong), cứ tới những ngày tưởng nhớ các Ngài, dân làng lại tổ chức cúng giỗ, nhà ai có điều kiện thì làm mâm cơm cúng, người thì dâng lễ, các sư trong chùa cũng cúng cầu nguyện và đem lễ lên Gò Lăng. Dù là ai, làm gì, đã là người dân nơi đây thì luôn một lòng tưởng nhớ đến những vị anh hùng Tây Sơn.
Sau khi dâng hoa, dâng hương, đại biểu cùng du khách sẽ tham quan Nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung, xem biểu diễn nhạc võ tại Nhà biểu diễn võ Bảo tàng Quang Trung. Và để tạo không khí cho toàn tỉnh, tỉnh sẽ tiến hành tổ chức chương trình nghệ thuật hoành tráng chào mừng 230 năm tại trước sân Bảo tàng Quang Trung. Đặc biệt, tham gia Lễ hội kỷ niệm 230 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, du khách sẽ được xem pháo hoa ven sông tại bến Trường Trầu, nơi mà Nguyễn Nhạc buôn trầu, hội tụ anh tài miền đất võ mà mường tượng đến cảnh hồ hởi, tấp nập ngày xưa.
Dự Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa ở Tây Sơn là một trải nghiệm thú vị. Sau ngày chính lễ (mùng 4 Tết), nhiều sở, ngành, hội và địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động vui xuân đón Tết để phục vụ người dân và du khách. Theo đó, tại khuôn viên Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định; chương trình biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn; chương trình biểu diễn của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. Đây cũng là dịp để du khách chiêm ngưỡng võ thuật Bình Định qua Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh. Trong khuôn khổ Lễ hội, huyện Tây Sơn còn tổ chức các trò chơi dân gian, triển lãm mai xuân, sinh vật cảnh, đặc biệt năm nay lần đầu tiên tổ chức trò chơi lớn với chủ đề “Hành binh thần tốc”. Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tây Sơn, chúng tôi tổ chức trò chơi “Hành binh thần tốc” tái hiện hình ảnh quân Tây Sơn hành binh ra Thăng Long theo cách 2 người võng, 1 người nằm với sự tham gia của 15 xã, thị trấn của huyện như là hoạt động ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
ĐỖ THẢO