Trồng hoa trên núi
15 năm trước, khi biết anh Nguyễn Văn Đề, ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão (ảnh) bỏ ra cả trăm triệu đồng để mua 3 ha đất đồi cằn cỗi, lổn nhổn sỏi đá, um tùm cỏ dại để trồng hoa, ai cũng kháo nhau “thằng đó khùng mất rồi”. Giáp Tết Kỷ Hợi 2019, ghé thăm anh thì biết, rất nhiều trong số 500 chậu hoa các loại như cúc, thược dược, cẩm chướng, vạn thọ... của anh đã có chủ.
Anh Đề nhớ lại: “Tôi thuê máy ủi, máy xúc múc đất, đào ao, phát quang cỏ dại, san phẳng phiu, cải tạo đất rồi trồng hoa. Ham làm, ham đọc tài liệu, ham học và thử nghiệm tới mức ăn không đủ bữa, ngủ không đủ giấc. Đất đồi An Lão không màu mỡ nhưng tôi cải tạo rồi cũng đủ để trồng hoa. Nghề trồng hoa khá vất vả, nhưng có cái hay là gắn bó đã nhiều năm mà vẫn cứ đam mê, háo hức mỗi khi bắt đầu một vụ hoa mới. Vào vụ hoa tết, tôi luôn dành nhiều thời gian ở vườn. Hoa tết lệ thuộc rất lớn vào thời tiết, chỉ vài cơn mưa trái mùa, lạnh hơn xíu, sương mù nhiều là kết quả đã thay đổi. Nếu người trồng hoa không biết cách xử lý kịp thời, cây hoa rất dễ bị sâu bệnh và khó ra hoa đúng tết!”.
Sau nhiều năm nỗ lực, từ lâu, 3 ha đất cằn xưa đã thành 3 ha vườn đồi thơ mộng với những luống hồng nhung, hồng bạch ngát hương thơm; rồi đồng tiền kép, cúc đại đóa, thược dược, lay ơn, vạn thọ... đua nhau khoe sắc, là một địa chỉ cung cấp hoa lớn trong huyện, đặc biệt là vào dịp Tết.
DIỆP THỊ DIỆU