Thơm thơm từng giọt xuân nồng
Rượu ngon có lẽ nhiều nơi có nhưng vừa ngon vừa nổi tiếng thì không nhiều. Ðến nay người ta vẫn hay nhắc đến: Làng Vân, Bàu Ðá và Gò Ðen trải đều ba miền Bắc - Trung - Nam. Như chắt chiu trên từng hạt gạo, những nông dân chất phác xứ Nẫu đã tạo nên một thứ nước uống sóng sánh men nồng, tỏa hương trên từng bước đường hạnh ngộ…
Bà Đặng Thị Quế mời khách dùng thử rượu đậu xanh của gia đình.
Nhưng Bình Định không chỉ có Bàu Đá, đôi bờ sông Côn có khá nhiều nơi nấu rượu ngon, nhưng thành danh thì phải kể đến: rượu Vĩnh Cửu (Vĩnh Thạnh), rượu Tây Sơn, ngược lên mạn bờ Bắc có Trung Thứ (Phù Mỹ).
* * *
Trong một lần đến làng rượu Trung Thứ (ở xã Mỹ Chánh Tây, Phù Mỹ), tôi gặp được vợ chồng anh Phạm Văn Nhị và chị Trần Thị Tâm. Cái duyên anh Nhị học nấu rượu thoạt nghe thì ngồ ngộ, nhưng kỳ thực lại hết sức thuyết phục.
“Hồi còn trẻ mình mê uống rượu… ngon. Mà rượu ngon không phải lúc nào cũng sẵn, vậy là đi tìm thầy học cách nấu. Mới đó mà đã hơn ba mươi năm…”. Chén rượu Trung Thứ có một chút chớm khê, ngai ngái nhưng thoảng hương lúa lên đòng, vị đậm đà, uống vào thấy ấm dịu trong vòm họng, hậu ngọt vừa đủ để quyến luyến lâng lâng. Thấy tôi có vẻ “biết rượu”, anh Nhị đâm ra say chuyện…
“Ngay cả rượu đậu xanh Tây Sơn, ngoài đậu xanh, men trấu được làm từ bột gạo, bột bắp, thuốc bắc, hương liệu, vẫn không thể thiếu gạo nếp. Tùy theo cách nấu của từng hộ mà tỉ lệ nguyên liệu khác nhau”, ông Ngô Hoàng Đức, một người nấu rượu đậu xanh sành sỏi ở Tây Phú, Tây Sơn chia sẻ - “Và hương vị theo đó cũng khác nhau”.
Ông Đặng Công Trường (ở Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh) lại tâm sự rằng: Rượu Vĩnh Cửu được nấu bằng gạo lức, còn chất cám. Những ngày lạnh cuối năm, phải nấu cơm nóng nóng rồi trộn men đều tay. Khi ủ men, phải giữ ấm. Có vậy, hạt cơm mới rền, khi nấu mới ra chất gạo tạo độ ngọt thơm của rượu”. Chừng như để ngợi ca thứ rượu đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, ông Trường chợt cất giọng bài chòi ngọt lịm: “Đất Vĩnh Cửu quê hương ta đó/ Bánh mỏng đây rượu cũng là đây/ Rượu ngon bọt dẻo tràn đầy/ Rượu ta đi khắp tỉnh này tỉnh kia”.
Bà Trần Thị Tâm dùng chai thủy tinh hứng nhận những giọt rượu nước nhất từ mẻ rượu nếp nhà mình.
Cách đây đã lâu, vào những ngày cuối năm, khi người ta háo hức trở về để đoàn viên ngày Tết thì một người bạn lớn tuổi của tôi vẫn còn bị “mắt kẹt” lại Quy Nhơn, phải đến ba mươi Tết mới về được. Trong cuộc rượu tiễn bạn về quê, anh đọc tặng tôi mấy câu thơ về rượu của một thi sĩ người Bình Định nghe đến là khắc khoải: “Chú vô một cốc, anh một cốc/ Đời chỉ còn anh với chú thôi/ Chớ nhắc quê xa thêm ái ngại/ Mềm lòng khi rượu chưa mềm môi”. Ký ức cuộc rượu giáp Tết kéo tôi trở lại như bay bổng trên những làng rượu Bình Định.
Ông Lê Hồng Thanh, mà bà con hay gọi là Ba Trương, một trong những hộ còn giữ phương thức nấu rượu truyền thống của làng nghề Bàu Đá bảo rằng: “Nhà mình có ba lò. Những ngày này bếp rượu nhà mình đỏ lửa liên tục. Trung bình mỗi ngày nấu hơn ba mươi lít nhưng cũng không đủ giao cho khách”.
Với thâm niên nấu rượu hơn ba mươi năm của mình, ông Đặng Văn Xoài ở làng nấu rượu Vĩnh Cửu (Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh) khẳng định chỉ cần vài giọt rượu là phân biệt được dở ngon, thật giả. Ông bảo, rượu ngon rót ra bọt sủi tăm vun đầy. Lò nhà ông mỗi ngày chỉ nấu tầm 20 lít nên chỉ để dành cho khách quen. Vợ vào men. Chồng chụm lò, canh lửa. Những giọt rượu tí tách đầy dần trong chai thủy tinh là niềm vui giản dị, như ấm lên khuôn mặt vợ chồng ông.
“Vào thời khắc này, cứ hễ có khách đến là lại... thấy lo”. Đó là lời bà Đặng Thị Quế ở Tây Phú, Tây Sơn chia sẻ với tôi. “Lo, vì rằng, khách hàng họ đặt nhiều mà thi thoảng bà con ở gần lại vào tha thiết mua, mình phải chiết ra, nhỡ không đủ lượng để giao thì kỳ”, bà Quế giãi bày. Bà vừa dứt lời thì ngay tắp lự có người đàn ông cầm theo một canh nhựa lớn thẽ thọt: “Chị Năm bán tui mấy lít, nhà chuẩn bị làm chạp mả”. Bà Quế cười trừ, rồi cũng vào chum rượu đong đầy can cho người hàng xóm…
Qua các làng rượu, hương thơm nồng nàn của những mẻ rượu lên bếp để kịp chuyển cho khách trước Tết cứ khiến lòng người thêm chộn rộn, háo hức. Rồi rượu xứ Nẫu sẽ ra Bắc vào Nam, hòa vào trong từng niềm vui hạnh ngộ, niềm hạnh phúc đoàn viên. Tôi bất chợt hình dung đến những cuộc rượu viên mãn trong ngày Tết đến xuân về, mà lòng thấy ấm áp lạ lùng.
VÂN PHI