Ðưa đồ gỗ Bình Ðịnh vươn xa
Ðầu tư nghiên cứu gia tăng giá trị, thâm nhập sâu hơn vào chuỗi phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu là cơ hội và cũng là cách thức hiệu quả mà nhiều DN ngành gỗ Bình Ðịnh theo đuổi để mở rộng thị trường xuất khẩu bền vững.
Hoạt động tại xưởng sản xuất tham gia chuỗi của Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt.
Giáp Tết, nhưng bên trong xưởng sản xuất gỗ nội thất của Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt vẫn chạy đều theo nhịp sản xuất khẩn trương để kịp giao các đơn hàng theo yêu cầu nghiêm ngặt của chuỗi giá trị toàn cầu do MasterBrand (Tập đoàn FBHS, Mỹ) phân phối. Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt, cho biết: Để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của MasterBrand, mình phải mất 1 năm tái cấu trúc sản xuất; đầu tư dây chuyền, trang thiết bị hiện đại, các hệ thống PCCC tự động, xử lý môi trường, an toàn sản xuất… đạt chuẩn. Bù lại, lượng hàng xuất xưởng đạt 3 container/tuần, tương ứng 27.000 USD/tuần. Chỉ 1 xưởng sản xuất này, giá trị thu về chiếm đến 30% tổng doanh thu của cả 5 nhà máy sản xuất; quan trọng hơn là mở rộng được thị trường xuất khẩu bền vững.
Không chỉ đơn thuần là thay đổi công nghệ, DN còn phải cải tiến khâu tổ chức, thực hiện quy trình sản xuất, đầu tư đào tạo nhân lực trong nhà máy. Chị Nguyễn Thị Mỹ, công nhân Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt, chia sẻ: “Mỗi công nhân tham gia vào dây chuyền sản xuất đều phải đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động. Ngay tại bộ phận đóng gói thành phẩm, phải tuân thủ theo một quy trình kiểm soát lỗi rất nghiêm ngặt, chính xác, mang găng tay để không có tì vết nào trên sản phẩm”.
Tham gia sâu vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, Công ty CP Tập đoàn Khải Vy (thuộc Tập đoàn Khải Vy) hiện là nhà cung cấp đồ gỗ nội thất cho chuỗi siêu thị toàn cầu Ikea, Home Depot, Lowe cho thị trường Mỹ và châu Âu. Nhờ tham gia vào chuỗi cung ứng DN tăng trưởng, mở rộng thị trường, doanh thu tăng bình quân 20%/năm. Ông Đoàn Văn Trang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khải Vy, cho hay: “Để trở thành đối tác của họ, chúng tôi tuân thủ nghiêm quy định của các tổ chức quốc tế, thị trường “khó tính” với các chứng chỉ khai thác rừng FSC, đảm bảo nguồn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, có thể truy xuất nguồn nguyên liệu nhập khẩu; hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn ISO 9001:2008…”.
Bình Định hiện có hơn 150 DN hoạt động chế biến gỗ xuất khẩu với công suất đạt trên 25.000 container/năm. Năm 2018, ngành gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu 423 triệu USD, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định nhận định, các DN gỗ Bình Định đang có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ký kết trong năm 2018.
Tuy nhiên, ông Thiện cũng chỉ ra 3 thách thức đối với các DN khi tham gia chuỗi, đó là nguồn cung ứng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ; chi phí sản xuất và năng suất lao động; hệ thống kênh phân phối. Điều đó đòi hỏi cùng với sự hỗ trợ kết nối từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, là sự chủ động từ chính các DN khi phải có nguồn lực, định hướng và hành động cụ thể, bài bản dựa trên tầm nhìn, các giá trị cốt lõi và mục tiêu lâu dài, bền vững.
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho hay, với đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2020, Sở Công Thương tổ chức cho các DN tham gia xúc tiến tại các thị trường quốc tế, tiếp cận hãng phân phối nước ngoài. Về vấn đề cải thiện quản trị rừng và sản phẩm gỗ hợp pháp khi xuất khẩu, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương và Sở NN&PTNT trong năm 2019 quy hoạch lại rừng đi vào chuẩn.
MAI HOÀNG