Chờ đón “giao thừa”
Trong truyền thống văn hóa của người phương Đông, giao thừa là thời khắc đất trời chuyển giao, âm dương hòa hợp, vạn vật bước sang một sự khởi đầu mới, năm cũ qua đi đón năm mới tới. Trong tiếng Việt, “giao thừa” là từ rất quen thuộc nhưng vì sao lại gọi như vậy thì không phải ai cũng rõ.
“Giao thừa” là một từ Việt có nguồn gốc tiếng Hán. Trong đó, chữ “giao” (bộ đầu) có nghĩa “giao cho, tiếp giáp, giao nhau” (như trong các từ: giao phó, giao lưu); chữ “thừa” (bộ thủ) có nghĩa “hứng lấy, nhận lấy” (như trong kế thừa, thừa nhận). Theo cụ Đào Duy Anh, “giao thừa” là “cũ giao lại, mới tiếp lấy”, tức “lúc năm cũ qua, năm mới đến”. Như vậy, “giao thừa” là một động từ có cấu tạo ghép đẳng lập với nghĩa chung (giao nhau và nhận lấy) nhưng được chuyển loại thành danh từ và được dùng với nghĩa chuyên biệt để chỉ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Cho nên, ta còn có tổ hợp “thời khắc giao thừa”.
Giao thừa còn có tên gọi khác là “trừ tịch”, “trừ tuế”. Trong đó, “trừ” (bộ phụ) có nghĩa là “thay đổi, hoán đổi”. “Trừ tuế” là “đổi sang năm [mới]” (tuế: năm). “Trừ tịch” là “đêm trừ tuế” (tịch: đêm), tức là “đêm đổi sang năm mới”. Nửa đầu thế kỷ XX về trước, “trừ tịch” được dùng nhiều, sau đó “giao thừa” phổ biến hơn.
Đối với người Việt, vào đêm giao thừa, các gia đình thường tổ chức lễ cúng giao thừa. Để ghi nhận thời khắc thiêng liêng này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng tổ tiên đặt trên bàn thờ trong nhà. Một mâm cúng trời đất được đặt ở khoảng sân trước nhà. Cúng giao thừa là một trong những nét đẹp văn hóa trong truyền thống đón năm mới của người Việt ta.
Ngày nay, trong đêm đón năm mới sang, ngoài việc cúng giao thừa, người Việt còn được xem pháo hoa, nghe Chủ tịch nước chúc tết trên truyền hình, phát thanh. Những hoạt động này từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của đêm giao thừa.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ