Giấc mơ chè dung
Cây chè dung mọc tự nhiên ở xã vùng cao Canh Liên được người dân chia nhau đi hái đem về bán cho anh Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở Cazin, ở thôn Canh Lợi, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Từ nguyên liệu này, anh Duy đã chế biến sản phẩm chè dung và đưa ra thị trường. Không dừng lại đó, anh Duy còn ấp ủ kế hoạch xây dựng thương hiệu chè Dung Vân Canh bằng cách ươm giống trồng thử nghiệm hơn 4.000 gốc chè.
Anh Duy điều khiển máy dập bột trà dung túi lọc.
Cơ sở sản xuất chè dung của anh Duy còn khá nhỏ. Bên mái nhà lợp bằng gỗ, không gian tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng cào trở lá chè dung phơi ngoài sân xào xạc. Anh Duy pha một bình chè dung mời khách, hương chè ngào ngạt, nước màu vàng chanh, trong veo.
Không ai biết cây chè dung có từ khi nào, chỉ biết từ thuở đồng bào Bana sinh sống, đã thấy vùng đất Canh Liên này dày đặc cây chè. Trước năm 2013, anh Duy làm nghề rang xay cà phê, khi được anh rể dạy học ở Canh Liên giới thiệu về chè dung - món quà trời ban cho vùng rừng Canh Liên - thì anh bắt đầu “kết duyên” với nó. Anh Duy lặn lội tìm đến vùng chè, thỏa thuận với 7 hộ dân ở đây về việc hái lá chè chở xuống cơ sở bán cho anh.
Cây chè dung thường mọc tự nhiên ở các triền núi trọc, ít cây cổ thụ vì ưa ánh sáng. Người dân thu hoạch nhiều nhất vào mùa hè, mùa thu. Thời điểm này cây cho lá không quá non, cũng không quá già, lại tiện cho việc hong khô. Khi khô, lá thường có màu vàng chanh. Khi nguồn nguyên liệu có sẵn, anh phơi khô, đóng gói rồi tìm đến các quán cà phê chào bán. Lúc đầu, 100% chủ quán đều lắc đầu. Anh mạnh dạn gởi tặng và kiên trì giải thích về nhiều công dụng khác nhau của lá chè, như chữa bệnh dạ dày, đau bụng, lở loét, rong kinh, đau mắt, tiêu chảy cấp... để thuyết phục khách hàng.
Sự kiên trì, nhẫn nại của anh cuối cùng đã có kết quả. Số lượng khách gọi điện đặt mua chè ngày càng tăng. Anh Duy dần tìm được thị trường. Mỗi ngày cơ sở Cazin thu mua gần 500 kg lá chè tươi, với giá 4.000 đồng/kg. Anh Duy mua sắm thêm máy băm, máy sấy, máy nghiền, máy đóng gói, máy hút chân không... để sản xuất các loại trà dung túi lọc, lá trà dung khô.
Sản phẩm chè Dung Cazin.
Hiện sản phẩm chè Dung Cazin có mặt ở nhiều quán cà phê và các cửa hàng bán quà lưu niệm cho khách du lịch ở Quy Nhơn. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ cơ sở siêu thị đặc sản Phương Nghi (đường Tây Sơn, TP Quy Nhơn), cho biết: “Siêu thị chúng tôi bán sản phẩm chè Dung Cazin đã 5 năm. Sản phẩm khá chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và doanh thu mặt hàng này ngày càng cao”. Không dừng lại ở đó, anh Duy còn nhiều lần mang sản phẩm đi tiếp thị tại các hội chợ, triển lãm ở tỉnh, thành khác trong nước để mở rộng thị trường.
Khi chưa ai biết đến cây chè dung ở Canh Liên, nguồn cung nguyên liệu khá dồi dào. Nhưng đó là chuyện trước đây. Bây giờ, để giảm áp lực về thiếu hụt nguồn nguyên liệu, anh Duy quyết định trồng thử nghiệm tại rẫy gần nhà hơn 4.000 gốc chè dung được anh mua giống ở các tỉnh phía Bắc. Sau 3 tháng, chỉ có 1.000 cây sống và phát triển. Hàng ngày, anh Duy lên vườn chè, săm soi từng cây, đo độ lớn, kiểm tra sâu bệnh để rút kinh nghiệm... Anh chia sẻ: “Để chè Dung Cazin trở thành sản phẩm thông dụng, tôi còn nhiều việc phải làm, nhất là tạo ra nguồn nguyên liệu, đăng ký thương hiệu, chất lượng sản phẩm, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc.... Tôi rất mong được sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa của ngành chức năng để Bình Định có thêm một đặc sản sạch”.
CÔNG HIẾU