Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 4: Song Tử Tây & bản hòa ca tình quân dân
Xã đảo Song Tử Tây có vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ ở khu vực quần đảo Trường Sa. Bộ đội và nhân dân trên đảo đã không ngừng bồi đắp tinh thần đoàn kết, gắn bó, đồng thời hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Xã đảo Song Tử Tây (thuộc huyện Trường Sa) có diện tích phần nổi 210.838 m2, độ cao 3 - 5 m so với mặt nước biển (khi thủy triều thấp nhất), bao bọc xung quanh bởi thềm san hô. Trên đảo có các giếng nước lợ sử dụng được và nhiều cây xanh.
Đảo Song Tử Tây có âu tàu với sức chứa khoảng 80 - 100 tàu cá của ngư dân vào tránh bão và tham gia các dịch vụ trên biển.
Âu tàu trên đảo Song Tử Tây có sức chứa 80 - 100 tàu cá.
Chỗ dựa của ngư dân
Nhiều người vẫn nhắc mãi về đợt bão năm 2012, khi có đến 700 ngư dân đánh bắt xa bờ được Song Tử Tây bảo bọc trong nhiều ngày. “Số lượng người trú bão rất đông nhưng cán bộ, chiến sĩ cùng với sự hỗ trợ của người dân trên đảo đã cố gắng hết sức trong việc lo ăn uống, nhường cơm xẻ áo để đảm bảo sức khỏe cho ngư dân, bồi đắp tình quân dân sâu đậm”, trung tá Đậu Đình Dân, Trưởng đảo Song Tử Tây, cho biết.
“Quân và dân trên đảo sống rất đoàn kết, gần gũi giúp đỡ nhau để cùng hòa hợp nhịp sống sinh hoạt, lao động, thực hiện nhiệm vụ đặc thù. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng với chỉ huy đảo cũng quan tâm duy trì họp dân hằng tháng. Qua đó, nắm bắt thêm về tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống để kịp thời hỗ trợ, giải quyết nên người dân luôn tin tưởng...”
Ông MẤU QUỐC THỊNH, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đảo Song Tử Tây
Sau đợt bão trên, đảo tiếp tục được Nhà nước đầu tư xây dựng thêm “làng chài” - là một khu nhà hai tầng rộng rãi, nhiều phòng ốc khang trang để có thể đảm bảo cùng lúc cho khoảng 400 ngư dân lên ăn nghỉ, trú tránh bão. Đảo còn có trạm bảo đảm kỹ thuật để sửa chữa giúp các hư hỏng nhỏ khi tàu cá gặp sự cố. Bệnh xá đảo có quy mô 12 giường với trang thiết bị khá hiện đại, đủ khả năng cấp cứu, xử lý các trường hợp ngư dân bị đau, thương tích khi lao động trên biển.
Cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường xuyên làm tốt công tác dân vận, cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ ngư dân; trong năm 2018 đã phối hợp với bộ phận âu tàu hướng dẫn 287 lượt tàu cá vào trú tránh bão, sửa chữa 52 lượt tàu cá, cấp 289 m3 nước ngọt miễn phí cho tàu cá và tàu quân sự, khám và cấp thuốc cho hơn 600 lượt ngư dân, trong đó cấp cứu, phẫu thuật 58 ca. Đảo là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, đánh bắt hải sản trong khu vực.
Đoàn công tác từ đất liền đến thăm đảo Song Tử Tây.
Song Tử Tây - bản hòa ca tình quân dân
Trong tổng số 21 đảo với 33 điểm đóng quân của bộ đội ta tại quần đảo Trường Sa, Song Tử Tây là 1 trong 3 đảo có dân thường sinh sống và đều là những đôi vợ chồng trẻ từ 30 - 40 tuổi. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã giúp đỡ hàng trăm ngày công để củng cố nhà ở, khu tăng gia, chăn nuôi cho các hộ dân.
“Cùng với việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ khác, năm 2018, đảo Song Tử Tây được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân khen thưởng danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” và “Đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiêu biểu, xuất sắc nhất Quân chủng”.
Mỗi hộ dân sống trong một căn nhà được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, thiết kế đẹp, vững chắc trên mảnh đất hơn trăm mét vuông, gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 nhà bếp, sân vườn phía trước và sau nhà thoáng mát. Nội thất phòng khách mỗi nhà đều được trang bị khá tiện nghi, trong đó có chiếc ti vi màn hình led to để theo dõi tin tức thời sự, giải trí. Đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm, các hộ dân trên đảo cho biết họ “vui như tết”, pha bình trà ngon, đem trái cây, bánh đông sương tự làm ra đãi khách.
Có khách ghé thăm, vợ chồng anh Đặng Văn Đoạn - chị Lê Thị Mỹ Thắm dừng tay làm vườn, mời khách vào nhà uống nước, hồ hởi tiếp chuyện. “Chúng tôi rất thích không khí trong lành, mát mẻ ở ngoài đảo, cùng chấp hành nghiêm quy định chung là cấm uống bia rượu, hút thuốc lá. Sức khỏe thấy tốt hơn khi ở đất liền, mỗi khi ốm đau thì đã có bệnh xá ngay cạnh bên với các bác sĩ quân y rất tận tình khám chữa bệnh miễn phí. Các hộ đều nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, sự động viên, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ. Mong muốn được góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nên anh em rất hăng hái tham gia đội dân quân tự vệ của đảo...”, anh Đặng Văn Đoạn cho biết.
Dù dân cư trên đảo còn ít nhưng vẫn có “thôn trưởng” là anh Thái Minh Khai (39 tuổi, quê ở tỉnh Cao Bằng) cùng một số hội, đoàn thể. Chị Lưu Thị Cẩm Hằng (32 tuổi) sống ở nhà số 4, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Song Tử Tây, tâm sự: “Phụ nữ trên đảo đều còn trẻ, trong đó có một em mới vào đất liền để có điều kiện chăm sóc mẹ và bé tốt hơn, vì em vừa sinh con vào ngày 15.1 vừa qua. Chị em thương yêu, đùm bọc, động viên nhau làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ nơi xã đảo, vốn còn những khó khăn, thiếu thốn.... Vào những dịp lễ, hay có sự kiện, các hội viên lại hào hứng tập luyện các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” để góp thêm sắc màu, không khí cho chương trình văn nghệ giao lưu của đảo...”.
Thầy Nguyễn Hữu Phú tình nguyện ra đảo dạy học.
Những nỗ lực “trồng người”
Trường Tiểu học Song Tử Tây những năm qua đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, được Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển giáo dục của huyện Trường Sa giai đoạn 2013 - 2018.
Trường hiện có hai lớp dành cho học sinh mầm non và tiểu học, học ngày hai buổi theo đúng thời gian và chương trình phổ thông hiện hành của Bộ GD&ĐT. Hai thầy giáo trẻ đứng lớp đều có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường học nơi đất liền, sau đó viết đơn tình nguyện ra công tác tại xã đảo. “Xem trên báo, đài thấy việc học hành của các em nhỏ nơi xã đảo còn nhiều khó khăn, hạn chế, tôi nghĩ mình còn trẻ nên cần xông pha, cống hiến bằng những việc làm có ý nghĩa thiết thực, từ đó quyết định xin ra đảo để dạy dỗ các em nhỏ được học hành tốt hơn...”, thầy Nguyễn Bá Ngọc (26 tuổi), dạy lớp mầm non, chia sẻ.
Tôi đến thăm trường vào buổi chiều, mới 13 giờ mà các em đã có mặt trên lớp để chờ thầy đến dạy, dù 14 giờ mới học. “Con và các bạn rất thích đến lớp vì thầy luôn ân cần, nhẹ nhàng. Thầy dạy viết chữ, tập vẽ, chơi các trò rất vui...”, cô bé người dân tộc Thái có khuôn mặt xinh xắn Sầm Thị Trúc Vy chia sẻ. Do số lượng học sinh ít, nên lớp mầm non học ghép 5 em từ 3 - 5 tuổi, lớp tiểu học học ghép 5 em từ lớp 1 đến lớp 4. Phòng ốc, đồ dùng học tập nơi xã đảo khá đầy đủ.
Thầy Nguyễn Hữu Phú (37 tuổi), giáo viên lớp tiểu học, cho biết: “Dù học ghép nhưng các em đều ham học. Có học trò thông minh khiến mình cũng bất ngờ và càng thêm hứng thú hơn khi dạy. Phụ huynh luôn gần gũi, động viên thầy giáo, quan tâm đến việc học của con mình. Đến ngày Nhà giáo Việt Nam, họ tri ân một cách mộc mạc như đem tặng thầy mấy quả đu đủ, hay cá tươi vừa ra đánh bắt được ngoài biển, khiến chúng tôi thêm ấm lòng, thấy mình càng phải có trách nhiệm giúp các em học sinh có kiến thức nền tảng tốt để theo kịp bạn bè khi cấp II vào đất liền học, hướng đến những chân trời tri thức trong tương lai... ”.
HOÀI THU
* Bài 1: Lần đầu đến Trường Sa
* Bài 2: Ðảo xanh Nam Yết anh hùng
* Bài 3: Sơn Ca - đảo & hồn dân tộc