Về làng nón ngựa một thời vang bóng
Nếu miền Bắc có nón quai thao, xứ Huế có nón bài thơ... thì nón ngựa Phú Gia là niềm tự hào của người Bình Định. Với tuổi đời ngót 400 năm, chiếc nón được làm với nhiều công đoạn lạ, nguyên liệu cũng rất dị. Thứ nón ấy đã che nắng, che mưa cho nghĩa quân Tây Sơn trong những cuộc hành quân thần tốc khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
“Cưới nàng đôi nón Gò Găng”
Từ Quốc lộ 1A, rẽ vào một con đường bêtông rợp bóng tre mát rượi, đi khoảng 15km, chúng tôi tìm được đến thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Người cao niên trong làng làm nón ngựa là cụ Đỗ Văn Lan, là truyền nhân thế hệ 4 trong gia đình có truyền thống làm nón ngựa. Năm nay cụ Lan đã ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc trắng, nhưng vẫn nhanh nhẹn, linh hoạt, còn cùng vợ vẫn tiếp tục làm nghề, giữ nghề của ông cha.
Với tuổi đời ngót 400 năm, chiếc nón được làm với nhiều công đoạn lạ, nguyên liệu cũng rất dị. Ảnh: N.T
Cụ Lan kể: "Từ đời ông cố chúng tôi, cũng chẳng ai biết nón ngựa có từ bao giờ. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng nghề làm nón ngựa ở đây khoảng 400 năm tuổi”. Thời trước, nón ngựa là đồ dùng thượng phẩm của vua, quan và các vị phu nhân quyền quý. Theo thời gian, nón ngựa cũng được cải biến dần, có nhiều loại dành cho tất cả mọi người.
Trước, nón ngựa còn được gọi là nón Gò Găng bởi nón này thường được bày bán ở chợ Gò Găng, phiên chợ quê độc đáo chỉ họp từ 3h đến 5h sáng, không có bảng hiệu, không có đèn đường, người bán kẻ mua mặc cả nhau trong ánh đèn dầu leo lét. Đặc biệt, nón ngựa ở “xứ Nẫu” còn được dùng làm tín vật giữa nhà trai và nhà gái trong ngày hôn lễ. Chàng trai lớn lên đi lấy vợ dù giàu hay nghèo cũng phải sắm được cặp nón, dắt theo con ngựa để đi rước dâu. Vợ chồng về ở với nhau, cặp nón ngựa ấy vẫn theo họ suốt cuộc đời.
"Cưới nàng đôi nón Gò Găng/ Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn"
Hay
“ Chàng cưới thiếp bạc nén, vàng thoi/ Chàng về lựa họ cho hẳn cho hòi
Đàn ông đội nón Gò Găng quai tả/ Đàn bà nón thượng quai liền
Con trai đi hậu vác tiền/ Mặc áo màu huyền, bịt khăn nhiễu lượt
Võng chàng đi trước, võng thiếp theo sau
Thiên hạ ngó vô: Đám cưới nhà giàu!/ Sui gia cũng xứng, kép đào cũng xinh”
“Đường nét, kiểu dáng của nón ngựa toát ra được sự mạnh mẽ, quyền uy, dứt khoát của con nhà võ. Đây cũng là nón của nghĩa quân Tây Sơn đội khi hành quân thần tốc đại phá vạn quân, trăm trận trăm thắng” – cụ Lan giải thích về cái tên nón ngựa.
Không phải ai cũng học được
Nón ngựa Phú Gia được kết cấu rất đặc biệt, lại vô cùng bền chắc. Nón được kết thành 10 lớp, nguyên liệu làm nón là lá kè (lá cọ) mọc tự nhiên trong rừng núi Bình Định, ống giang (cật), rễ dứa. Lá kè làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết, rễ dứa phải là loại rễ đã nằm trong lòng đất 2 – 3 năm, có độ bền chắc, đàn hồi tốt.
Nón ngựa Phú Gia có 3 đến 5 lớp lá dày và sườn giang (hay cật) kết lại bằng rất nhiều lớp rễ dứa nhỏ. Có đến 10 công đoạn làm ra nón ngựa, từ tạo sườn cho đến thêu thuyền, kết lá… Hoa văn trên nón ngựa đa số là các hình ảnh mang đậm bản sắc người Việt như: Đám mây, long-ly-quy-phụng, hoa sen, bầu rượu… Tùy vào chất lượng mà nón ngựa Phú Gia ngày nay có giá dao động từ 50 ngàn – 400 ngàn đồng/chiếc, tùy theo yêu cầu, hoặc có thể lên tới hàng triệu đồng.
Mỗi chiếc nón ngựa nếu làm đủ các công đoạn độ bền có thể sử dụng 150 đến 200 năm. Nhiều chiếc nón ngựa của 200 năm trước vẫn còn được lưu giữ tại thôn Phú Gia. Mỗi thế hệ gia đình làm nghề chằm nón như gia đình cụ Lan đề giữ lại 1 cặp nón ngựa (gồm nón nam và nón nữa) để làm kỉ vật. Hiện, cụ Lan còn giữ 4 cặp nón ngựa có tuổi từ đời 100 đến 200 năm.
Vì những công phu làm nón đặc biệt, nhiều người từ các nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nga, Ấn Độ… tìm đến để nghiên cứu, học hỏi cách làm nón ngựa Phú Gia nhưng đều thất bại. Cụ Lan kể, vào năm 1962, thời kỳ mà Mỹ đổ quân vào miền Nam nước ta, có 4 chiếc xe chở theo 16 chuyên gia người Mỹ cao lớn đến làng Phú Gia. Họ đến, mang theo cả phiên dịch và bày tỏ muốn nghiên cứu để làm nón ngựa của Phú Gia.
Sau 6 tháng trời miệt mài học nghề, ghi chép rất cẩn thận, các chuyên gia Mỹ lắc đầu bỏ cuộc vì... quá khó. Họ không đủ kiên nhẫn để ngồi làm ra 1 chiếc nón ngựa cầu kỳ và phức tạp như thế. “Nón Phú Gia ngày nay đã đi khắp nơi trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Úc, Nga, Ấn Độ, Canada…Mới cách đây mấy hôm, có đoàn Ấn Độ đến đặt chúng tôi làm 10 chiếc nón loại 1 (có chụp bạc cổ), mỗi chiếc họ trả 3 triệu đồng…” - ông Lan tươi cười khoe.
Đau đáu truyền nghề
Ngoài Phú Gia, những thôn lân cận của xã Cát Tường như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm nghề chằm nón, tuy nhiên tập trung nhiều nhất vẫn là ở Phú Gia. Để làm được một chiếc nón ngựa truyền thống, ngoài vật liệu thì sự khéo léo, kiên nhẫn của người thợ là nguyên tắc hàng đầu để cho ra đời một chiếc nón đẹp. Cụ Nguyễn Thị Tâm (68 tuổi) chia sẻ: “Nón ngựa Phú Gia có rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại yêu cầu cách thức khác nhau; vì thế, người thợ phải có sự tinh tế, dứt khoát, khâu nào ra khâu đó, nếu như khâu nào làm không tỉ mỉ thì sẽ ảnh hưởng giá trị đến chiếc nón”.
Tuy nhiên, nỗi lo lắng của cụ Tâm, cụ Lan cũng như các cụ cao niên ở làng nón ngựa Phú Giá chính là nỗi lo thất truyền. Nón ngựa truyền thống ít được các nghệ nhân chế tác với số lượng lớn do tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Tính ra, cả ngàn hộ làm nón năm xưa, bây giờ chỉ còn vài chục hộ cố đeo đẳng với nghề. Đa phần trong số đó là những bậc cao niên vẫn còn đam mê với nghề truyền thống, một phần cũng do cuộc sống nhàn hạ nên vẫn gắn bó với nghề nón.
Hiện, phần lớn bà con làm nón ngựa Phú Gia đã cách tân chiếc nón ngựa truyền thống thành một sản phẩm dễ làm, ít tốn thời gian, nguyên vật liệu dễ tìm hơn nhằm phục vụ được đại đa số bà con nhân dân lao động. Người thợ chỉ giữ lại những công đoạn chính trong quy trình làm nón ngựa truyền thống, một số nguyên liệu làm nón cũng được thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường.
“Chừ muốn bán nón thì phải qua trung gian, thông qua các chủ nậu. Dù làm ra bao nhiêu bán bây nhiêu, nhưng giá cả bọt bèo. Tụi trẻ thì chê nghề, chúng bảo làm 1 ngày công chỉ có 70 ngàn đồng chẳng đủ mua sữa cho con thì đeo nghề mà chi nữa. Dần rồi cả làng cũng mai một dần nghề làm nón ngựa. Nếu giờ lớp già như tụi tui khuất núi, không biết nón ngựa trăm năm của Phú Gia có còn không” - bà Tâm buồn bã.
Theo NGUYỄN TRI (LĐO)