Chia heo ngày Tết
Nói đến phong tục, lễ hội, ẩm thực thì Tết nguyên đán là dịp thể hiện sinh động, đa dạng những nét văn hóa đặc trưng của người dân Việt trên khắp mọi miền đất nước. Dịp Tết nguyên đán, cùng với tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên lâu đời, mỗi mâm cơm cúng ngày Tết là sự hội tụ và thể hiện ẩm thực đậm đà nhất, trong đó nhiều món được chế biến từ thịt heo.
Phong tục cúng trong ngày Tết
Từ khoảng 28 đến 30 tháng Chạp, người dân có tục chia heo với bà con, hàng xóm láng giềng. Chia heo ngày Tết không chỉ là một hoạt động phân chia khẩu phần thực phẩm thông thường mà còn mang tính tập thể, tính cộng đồng và là nét đẹp văn hóa độc đáo còn duy trì đến nay.
Bình Định nuôi heo với số lượng khá nhiều, trước đây nuôi heo được lựa chọn như một nghề nhà nông phổ biến bên cạnh chủ lực là trồng lúa. Heo được nuôi bằng gạo, cám gạo, rau xanh từ vườn, nên thịt chắc nạc, thơm ngon. Từ khoảng tháng Chạp, mọi người bàn bạc, thống nhất tìm heo để chia. Mọi người cùng tập trung để xẻ thịt heo, mỗi người một tay để làm heo. Một con heo thường được chia làm 4 phần, mỗi phần đều có được tất cả các bộ phận, các phần tương đối ngang nhau do thợ thịt phân chia. Đầu heo và một số nội tạng được dùng nấu cháo để cúng và dùng ngay tại buổi làm heo. Đây cũng là dịp cuối năm để họp mặt chung vui của nhóm vài gia đình cùng chia heo.
Để dùng thịt được lâu trong 3 ngày Tết, khi chưa có tủ lạnh, các bà, các cô có những kinh nghiệm, phương thức chế biến thịt heo riêng để dùng được lâu. Thịt nạc đem vào cối giã nhuyễn làm chả đậu phộng hoặc ướp với hành tiêu, xiên que tre, đem quấn lá chuối và nướng trên bếp than củi. Thịt ba chỉ, thịt mỡ được thưng với gạo rang, đem hung trên giàn bếp; hoặc luộc để ráo nước đem dầm nước mắm ngon. Xương heo và một ít thịt nạc thì được băm nhuyễn, ướp gia vị, phi hành thơm đem xào khô; mỗi bữa lấy một ít, đem um với củ môn hoặc nấu nước bún rất ngọt vị. Giò heo thì đem nấu nhừ để dùng với bún gạo, bún số 8 tùy khẩu vị. Thịt sườn thì được um mặn, mỗi bộ phận có cách thái, chặt, ướp riêng. Mỗi thứ một ít, được chế biến làm mâm cơm dâng cúng ông bà, tổ tiên, cùng với các món như bánh tráng, mắm kiệu, bánh chưng, bánh tét, cá ngừ, thịt gà, …. Mỗi bữa cơm ngày Tết là mỗi bữa cơm đoàn viên, đầy đủ món ăn, đầy đủ thành viên gia đình, sung túc và vui vẻ.
Việc chia heo ngày Tết ưu việt ở chỗ vừa kinh tế, tiết kiệm so với việc mua thịt heo trên thị trường, vừa an toàn, thơm ngon, vừa đậm đà khẩu vị truyền thống. Ngày nay phong tục chia heo vẫn còn phổ biến ở các làng xã. Mỗi nhà có những cách chế biến riêng, duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, những ai đã từng được thưởng thức thì sẽ nhớ mãi những hương vị ấy, đi đâu cũng muốn quay về.
Thanh Diệu