Thưởng trà ngày Xuân
Ở Việt Nam, trà không chỉ là một thứ nước uống giải khát thông thường, một thứ nghệ thuật ẩm thủy, mà trà là cuộc sống của người Việt. Chén trà luôn mở đầu cho những câu chuyện.
Mỗi khi khách đến chơi nhà
Đốt than quạt nước pha trà người xơi Trà này quí lắm người ơi Mỗi người một chén cho tôi vừa lòng
Khởi đầu năm mới, trong phút linh thiêng chuyển giao của đất trời với lòng thành kính và trang nghiêm, người chủ của gia đình sẽ pha một ấm trà quý dâng lên bàn thờ gia tiên cùng mâm ngũ quả để tưởng nhớ ân đức của tổ tiên. Nơi bàn thờ Thiên, ba chung trà, ba chung nước là vật phẩm cúng trời đất cũng được chuẩn bị chu đáo và cẩn trọng. Hương trầm thoảng nhẹ, hương trà tinh khôi, một làn gió nhẹ se lạnh ùa về đủ để thấy sang xuân.
Trong những ngày Tết, bàn trà là nơi xôm tụ nhất. Bàn trà luôn được chuẩn bị chỉn chu không kém phần sang trọng so với những mâm cỗ Tết. Chọn bộ ấm chén sạch đẹp đúng điệu và thật bắt mắt được bày trên khay khảm trai đã nhuốm màu thời gian, kèm khay bánh mứt truyền thống, và được điểm thêm một chậu hoa làm thêm lộng lẫy không gian thưởng trà ngày xuân. Trang trí bàn trà là cách thể hiện sự tinh tế của gia chủ, không một vật nào có thể thừa trên bàn trà hay bày trí vụng về. Ấm trà đầu tiên trong năm mới khai xuân để cả nhà cùng quây quần bên bàn trà chúc thọ ông bà, cha mẹ và mừng tuổi con cháu.
Bàn trà cây đàn
Người Việt thưởng trà không cầu kỳ hoa mỹ như công phu trà của Trung Quốc, Đài Loan, cũng không nghiêm ngặt như trà Đạo của Nhật Bản. Thưởng trà của người Việt giản dị và tinh tế. Không gian thưởng trà của người Việt thường thấy là bên mái hiên nhà, hòa hợp với thiên nhiên thoáng đãng. Đồ dùng pha trà đạt sự tối giản cần thiết, mọi thứ đều đủ không hoa mỹ phô trương. Nhưng nó vẫn toát nên sự tường minh trong thưởng trà của người Việt
Mỗi loại trà đều có nguồn gốc xuất xứ khác nhau, chính điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đã cho trà những hương vị khác biệt. Trà sau khi thu hoạch về, người Việt có cách chế biến đặc trưng riêng. Mùa hạ dùng trà tươi hãm để uống, đây là cách uống trà độc đáo có từ ngàn năm vẫn duy trì tới nay mà không có nước nào trên thế giới có tục uống trà này. Trà còn dùng xao suốt để có trà xanh giữ hương vị tươi nguyên. Có những cách hong trà để làm trà khô (trà vàng) dùng uống dần, hay dùng tre, nứa để lưu trà và còn cả việc nấu trà thành cao để dùng lâu dài…
Việc chọn nước và trà cụ của người Việt khi thưởng trà cũng rất tinh tế. Sử sách đã ghi lại sự cầu kỳ chọn nước sương đọng trên lá sen trên đầm, nước giếng quý trên đỉnh đồi của chùa, dùng nước mưa lưu niên… Nước ngon pha trà sẽ làm nổi bật các đặc tính tiềm ẩn có trong lá trà. Những đặc trưng của trà sẽ được đánh thức khi có nước tác động. Ngay cả khi cách pha chế còn vụng về, chất lượng trà thường, nhưng dùng nước ngon vẫn làm tăng chất lượng của chén trà.
Không gian trà Xuân
Để chén trà thơm hương đượm vị, vai trò của người pha trà (trà nhân) hết sức quan trọng. Trà nhân sẽ đưa cảm xúc, tâm hồn của mình vào chén trà qua việc thổi lửa, đun nước, chọn trà, lựa ấm. Để tới khi bạn hữu thưởng thức chén trà sẽ thấy: Vũ trụ trong ấm, nhật nguyệt trong chén.
Nghệ thuật pha trà của người Việt chọn sự cầu kỳ, tinh tế trong cái giản dị. Nó không đòi hỏi chúng ta phải làm chủ một cách chính xác từng bước, và từng động tác trong kỹ thuật pha trà một cách cứng nhắc. Sự hoàn hảo của nghệ thuật pha trà được thể hiện trong nguyên lý cơ bản đó là làm chủ được kỹ thuật, hiểu được ba đặc trưng cấu thành trong việc pha trà gồm: nước, lá trà, ấm và đồ dùng pha trà (trà cụ). Xuyên suốt đó là tìm ra một phương pháp hay một cách tốt nhất để tăng được hương thơm và vị ngon của trà.
Pha trà là một nghệ thuật, nó thể hiện trong từng chi tiết, từng phút của người pha trà. Mỗi bước pha trà đều trở nên lịch sự và thanh nhã. Nó tạo nên sự phấn khởi, thích thú trong khi uống trà giữa bạn và khách đó cũng chính là nghệ thuật giao tiếp. Khi thưởng trà cần nắm rõ nguồn gốc cây chè, biết quy trình chế biến, hiểu cách chọn nước và trà cụ, tường tận cách pha từng loại trà và phong thái thưởng lãm sang trọng.
Theo NGUYỄN NGỌC TUẤN (SGGPO)