Ai mua xuân giữa chợ xuân
Chợ xuân mà tôi nói đến là chợ Gò. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào Mồng Một tháng Giêng, trên một gò đất rộng dưới chân núi Hàm Long, bên sông Trường Úc, thuộc địa phận thôn Phong Thạnh, tổng Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn xưa, nay là thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây một lễ hội dưới hình thức họp chợ liên quan đến quân Tây Sơn.
Theo ghi chép của nhà nghiên cứu Lê Trung Vũ: “Tương truyền nơi đây ngày xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế (tức thành Đồ Bàn) chỉ cách khoảng mươi ki lô mét. Tết đến, binh sĩ đồn trú tại đây tổ chức chợ Xuân bên cạnh bến đò Trường Úc để bà con cùng binh lính mua bán, vui chơi, có cả tổ chức đánh bài chòi và hát bội” .
Thấu hiểu tâm lý binh sĩ ngày Tết nhớ nhà, các tướng Tây Sơn cho phép mở hội vui chơi vào dịp đầu năm. Do đó chợ Gò thiên về hội xuân dân gian hơn là một phiên chợ hàng hóa. Trong chợ xuân có tục mời trầu kèm theo trò thi đấu võ. Trầu cau là thứ không thể thiếu trong các mặt hàng dân dã đầu năm. Những người thắng cuộc qua các cuộc thi phóng lao, bắn tên, đấu côn, đấu kiếm sẽ được các cụ già ban trầu hoặc các thôn nữ xinh đẹp e lệ mời trầu. Việc người dân ngầm bày tỏ nguyện vọng “bắt rể” hay các cô thôn nữ muốn kết duyên cùng các chiến binh xuất sắc dưới cờ Tây Sơn là niềm mơ ước chính đáng một thời.
Dưới thời Nguyễn, mỗi khi Tết đến, chợ Gò tuy vẫn còn gò nhưng không còn chợ, bãi đất sát con đường cái quan vắng lạnh đìu hiu. Thời Việt Minh hội xuân có trở lại đôi lần, nhưng không rộn rịp như xưa.
Đến những năm chín mươi của thế kỷ 20, lễ hội Chợ Gò mới được khôi phục và duy trì đều đặn. Tuy nhiên, người biết ăn trầu trong các thế hệ võ sĩ thưa dần rồi vắng hẳn, tục mời trầu cũng dần biến mất, thay vào đó tục mua trầu cau cầu duyên ngày càng thịnh trong giới trẻ.
Vài năm trở lại đây, sau khi huyện Tuy Phước xây ở phía Tây khu vực này một khán đài có mái che trên nền một sân gạch rộng hình bán nguyệt, các hoạt động vui xuân Chợ Gò được tổ chức bài bản hơn. Hoạt động võ thuật với tiêu điểm uống nước nhớ nguồn, tiếp nối truyền thống thượng võ ngày càng thu hút đông đảo người dự hội. Lực lượng diễn võ gồm các võ sĩ xuất thân từ các lò võ trong huyện, trong tỉnh, mỗi năm lại xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới, đặc biệt sự tham gia của các nhà sư thuộc phái võ chùa Long Phước với những màn diễn võ điêu luyện, được người xem nhiệt thành cổ vũ, tạo nên nét riêng của lễ hội này.
Sắp Tết rồi, dọc các nẻo quê những ngày nắng đẹp, người ta phơi bánh tráng để làm món chả ram, bánh cuốn thịt luộc rau sống mời khách chợ Gò. Trong những khoảnh vườn hiền hòa, cau đang căng nhựa, trầu đang thắm. Ai về Quy Nhơn ăn Tết, có đi mua xuân giữa chợ xuân không?
Trần Thị Huyền Trang