Phía sau những chợ hoa xuân
Ở nhiều địa phương khác, người trồng hoa, bán hoa gần như năn nỉ người tiêu dùng mua hoa trước 30 tháng Chạp; đặc biệt ở chiều 29 tháng Chạp cộng đồng mạng xã hội xôn xao khi ở Quảng Ninh có người bán quất tự tay mình chặt phá những cây quất của mình do bị ép giá thê thảm… Trong bối cảnh đó, vui làm sao, tại TP Quy Nhơn mọi việc diễn ra trong bình ổn và càng về phía giao thừa, nỗi lo ế hàng của người bán, người trồng càng vơi…
Người buôn hoa tranh thủ ăn khuya khi khách dần vơi.
Chợ hoa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại TP Quy Nhơn nhộn nhịp ngay từ lúc bày bán vào ngày 23 tháng Chạp, dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành (bãi cỏ Trung tâm Thương mại Quy Nhơn), thu hút rất nhiều người đến tham quan, dạo cảnh, chụp ảnh bên những vườn cây, hoa. Cùng với đó, dọc tuyến đường quốc lộ, những khu đất trống ở các huyện, thị xã cũng rực rỡ hương sắc mùa xuân.
Chợ hoa, tình người
Chợ hoa xuân không đơn thuần chỉ là mua - bán, nhiều chủ hoa còn thân thiện mời khách thưởng lãm vào chụp ảnh vì “hoa của mùa xuân mà”. Không những thế có người còn tận tình giới thiệu với khách về các loại mai, mùi hương và gợi ý cho khách thử thưởng thức hương mai đậm đà. Thế mới thấy, chợ hoa không chỉ đẹp nhờ sắc hoa mà còn đẹp bởi những sự nhiệt tình của người bán.
Gặp anh Nguyễn Văn Trung (ở phường Nhơn Hưng), người bán mai tại TX An Nhơn, dáng người gầy gầy anh Trung chia sẻ, dù ai đến đây trước tiên cũng vì là hoạt động kinh doanh nhưng mọi người bán hoa ở đây không giành giật khách hàng, ai bán được mình cũng vui cả. Đối với tôi khách đến mua thì vui, khách đến chia sẻ, trò chuyện về hoa cũng là việc rất thú vị. Đêm về canh hoa đúng là không ấm áp như ở nhà nhưng Tết mà, đâu phải lúc nào cũng có không khí như vậy.
Chợ hoa TP Quy Nhơn nhộn nhịp về đêm.
Anh Lê Lục - một người bán hoa đến từ Lâm Đồng kể: Tôi từng mang hoa ra đến Nghệ An, Huế, Quảng Bình… bán hoa nhưng dễ thương nhất vẫn là các tỉnh thành ở miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, Quy Nhơn. Người dân đi mua hoa rất nhẹ nhàng. Điều kiện an ninh đảm bảo!
Thăm nhiều chợ hoa trên địa bàn tỉnh, đằng sau những đóa hoa rực sắc là những lều, trại, nơi nghỉ ngơi của người trông hoa khi đêm về, bên cạnh đó là bàn ghế dùng để uống trà, ăn cơm. Chợ hoa về khuya, hoạt động mua bán vơi dần, nhiều người bán hoa quây quần ăn khuya, nói chuyện; khi nghỉ ngơi thì thường thay phiên nhau và giúp nhau cùng trông nom, giữ gìn tài sản. Đây là thế giới riêng chỉ những người mang hoa cho mùa xuân.
Bán mai Tết tại TX An Nhơn.
Câu chuyện đêm hoa
Chợ hoa tết có nhiều vất vả do khối lượng, cường độ lao động cao, đặc biệt trời lạnh. Chia sẻ về mức độ phức tạp tại chợ hoa ngày Tết, chị Huỳnh Gia Tuyết Hạnh (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đang trông coi vườn hoa của gia đình mình, góp chuyện: “Tôi thấy trên mạng có nhiều bài viết về nỗi khổ của người bán hoa ngày Tết phải phơi sương, chịu rét trông hoa cả đêm, nhiều người than thở. Nhưng tôi nghĩ không hẳn hoàn toàn như vậy đâu. Nghề của mình nó vậy mà. Chúng tôi chỉ mong sao người mua đồng cảm với người bán, ở chợ hoa có rất nhiều người cùng bán, nên chẳng ai nói thách quá cao để khách phải mất nhiều thời gian trả giá và rồi mình cũng không bán được nhiều hàng!”. Theo chị Hạnh, phần bán ở vườn, phần bán ở chợ hoa, năm nào gia đình chị cũng bán hết hoa vào chiều 29 tháng Chạp, mỗi mùa cúc Tết gia đình cũng thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
“Người trồng hoa muốn có những chậu hoa đẹp để bán thì cũng bỏ công sức ra chăm sóc dữ lắm. Thế nhưng muốn bán được những chậu hoa đẹp cũng là cả một vấn đề nên phải làm sao bán giá hợp lý, “hét” cao quá người mua e dè, vậy nên mới có chuyện người mua hay đợi đến đêm 30 để mua hoa rẻ là vì lẽ đó. Song, không phải vì bán không được mà nhà vườn sẽ “bán đổ, bán tháo””, chị Hạnh bộc bạch.
Khách đến mua hoa tại chợ hoa TP Quy Nhơn.
Anh Mai Xuân Lộc, nhà vườn ở phường Đống Đa, bán cúc Tết tại đường Lê Duẩn, chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, khách Quy Nhơn dần thay đổi tâm lý tiêu dùng, họ mua hoa sớm hơn mọi năm, chấp nhận giá cao hơn một chút để được chọn chậu hoa đẹp hơn, được ngắm cái đẹp nhiều hơn cũng phải chăng. Mua muộn có thể sẽ rẻ hơn nhưng chắc chắn hoa sẽ không đẹp bằng và thời gian ngắm nghía cũng ít hơn. Còn chuyện “ăn dầm nằm dề” để canh hoa cả ngày lẫn đêm để vừa bán hàng vừa trông tài sản của mình, việc bán tại lô cũng hơi vất vả là vậy, nhưng muốn có tiền thì phải bỏ công sức ra lao động, nếu nhà vườn nào có điều kiện thì họ thuê người để trông hoa, còn không thì mình tự làm lấy”.
Còn chị Nguyễn Thị Hạnh (Tuy Phước), bán cúc và nhiều loại hoa ngắn ngày khác tại khu vực siêu thị Co.opmart TX An Nhơn cho biết, gia đình tôi mua bán hoa cả chục năm nay, cúc và một số hoa ngắn ngày thường lấy mối quen tại địa phương, còn một số lấy ở Đà Lạt. Tuy bán hoa Tết hơi vất vả một tí nhưng thu nhập khá tốt.
Nhà vườn tranh thủ chăm hoa tại lô bán của mình.
Anh Đức, một người trông mai thuê về đêm cho biết: Tôi có đọc trên mạng xã hội thấy có một số người than thở bán hoa khổ sở, lại có cả người như năn nỉ mọi người mua hoa về chơi sớm để người bán còn về gia đình lo cúng kiếng ông bà. Tôi thấy rất lạ, công chuyện làm ăn nó vậy rồi, ai buôn bán cũng biết trước như thế, người muốn thu lãi cao thì mua tận gốc bán tận ngọn, người muốn khỏe hơn thì thuê người bán, người trông. Người trông hoa như tôi thì thức đêm để nhận tiền công, vậy thì than thở cái gì? Ở chợ hoa Quy Nhơn không có những chuyện nhiễu nhương như trên mạng xã hội đang lan truyền đâu.
***
Cùng với sắc vàng của cúc, mai, sắc hồng của đào, thược dược... chợ hoa xuân Quy Nhơn còn thêm đẹp bởi hình ảnh của những người trồng hoa, bán hoa đến từ Phú Yên, Gia Lai, Quảng Nam, Lâm Đồng… mang hoa về bán.
THẢO KHUY - NGỌC NHUẬN