Lắng nghe hơi thở mùa Xuân
Những ngày cuối cùng của năm cũ, khắp nơi trong tỉnh nắng vàng và gió ấm, người người nhà nhà thêm phần thuận tiện để sắm sửa đón Tết, nhân lên niềm vui khi Xuân về.
Quy Nhơn: Rộn ràng chào năm mới
Không khí Tết đến, xuân về đang tràn ngập khắp nơi trên mọi miền đất nước. Một mùa xuân nữa lại về, cùng với cả nước hân hoan đón chào năm mới, không khí chào đón năm mới tràn ngập khắp mọi nhà, trên mọi nẻo đường, ngõ phố ở TP Quy Nhơn.
Những chậu cúc mua xong được đội ngũ làm nghề chạy xe ôm chở về tận nhà, với giá 50.000 - 70.000 đồng/chuyến tùy theo quãng đường xa gần.
Các tuyến đường ở Quy Nhơn rực rỡ cờ hoa, pa-nô… được trang trí trang sinh động và đẹp mắt, góp phần tô điểm cho bộ mặt thành phố khi Tết đến, xuân về.
Ngày 30 Tết, khu vực chợ hoa trên đường Nguyễn Tất Thành và khu trưng bày linh vật Kỷ Hợi 2019 (Quảng trường Nguyễn Tất Thành) luôn náo nhiệt, dòng người đổ về đây để du xuân, ngắm cảnh, chụp ảnh, tìm mua hoa, cây cảnh mỗi lúc một đông vui trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Sáng nay, nhiều chủ hoa, cây cảnh đã giảm giá để bán được hàng nhanh, sớm về đón Tết. Tại vườn mai của anh Lê Văn Bảo - nhà vườn bán mai cảnh ở phường Nhơn Phú, rất đông người vào mua mai, bởi sáng nay, chủ vườn “khuyến mãi” giảm giá bán những gốc mai búp nhỏ với giá tầm trung từ 1 - 1,7 triệu đồng/chậu, thấp hơn so với giá vài ngày trước từ 300 - 500 ngàn đồng/chậu.
Tại khu trưng bày linh vật Kỷ Hợi 2019, lượng người đổ xô về tham quan, du xuân, chụp ảnh mỗi lúc một đông.
“Tôi chở xuống đây gần 300 chậu mai các loại, chậu thấp nhất giá bán 1,5 triệu đồng/chậu, chậu có giá cao nhất 25 triệu đồng/chậu. Tôi bán cũng gần 250 chậu mai các loại rồi, giờ tôi “xả hàng” để bán giá hợp lý cho mọi người chọn mua về chơi, bán được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Nếu còn mai thì 17 giờ chiều nay tôi sẽ đưa lên xe chở về để còn kịp đón giao thừa nữa chứ!”, anh Bảo bộc bạch.
Càng về chiều, lượng người về đây càng tấp nập, xe cộ chen chúc nhích từng đoạn. Nhiều nhà vườn bán cúc, quất (tắc), hoa lá nhỏ tiếp tục “xả hàng” để bán. Bà Võ Thanh Vân, chủ vườn cúc ở phường Đống Đa, bộc bạch: “Tôi chở xuống 300 chậu cúc các loại, bán tới chiều nay còn khoảng 20 chậu nên tôi quyết định giảm giá để bán cho nhanh hết, rồi dọn dẹp để về nhà đón Tết bên gia đình”.
Nhiều người dân ở tỉnh khác cũng đổ xô về chợ hoa để mua cây cảnh. Anh Huỳnh Văn Quân, ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, Phú Yên), chia sẻ: “Cuối năm công việc cũng hơi bận rộn nên ngày nay tôi mới có thời gian để ra Quy Nhơn dạo chợ hoa. Tôi đã mua được hai chậu mai đẹp với giá 12 triệu đồng để về chưng Tết, mai ở đây dáng thế đẹp, giá phù hợp”.
Chiều 30 Tết vẫn có rất nhiều người đến mua vật phẩm trang trí tại các cửa hàng trên đường Lý Thường Kiệt.
Các cửa hàng vật phẩm trang trí tết trên đường Lý Thường Kiệt tươi màu đỏ thắm với các câu đối, đồng tiền xi vàng, dây liễn đối nhỏ, cùng nhiều loại lồng đèn… có giá từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, cũng rộn rịp người đến mua. Chị Nguyễn Thị Kiều, ở phường Đống Đa, tươi cười cho biết: “Tết mà! Nhà cửa phải sạch sẽ, đẹp đẽ. Năm nào tôi cũng tranh thủ mua vật trang trí về để trang trí vào các chậu mai, chậu cúc chưng Tết cho thêm phần rực rỡ ngày xuân trong gia đình”.
Một mùa xuân mới đang về, không khí đón chờ Tết rộn ràng giữa phố thị đông vui, trong lòng mọi người dân Quy Nhơn nói riêng và khắp mọi miền đất nước nói chung, Tết đang đến rất gần với niềm hân hoan, ngập tràn hạnh phúc. Chị Từ Thị Ninh Thư, ở TP Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm xúc: “Năm nào tôi cũng về quê chồng ở Quy Nhơn để đón Tết. Mỗi lần về đón giao thừa ở đây là mỗi lần dạt dào cảm xúc khác nhau. Bởi đây là dịp mình được gần gũi, đón cái Tết ấm áp bên gia đình chồng. Quy Nhơn ngày càng phát triển và “thay da đổi thịt”, người dân sống hiền hòa, luôn để lại những cảm xúc ấn tượng đặc biệt với tôi. Quy Nhơn đối với tôi không chỉ là đẹp, mà đây còn là mảnh đất tình người trong lòng tôi!”.
Càng đến gần thời điểm giao thừa, lượng người đổ về khu chợ hoa và Quảng trường Nguyễn Tất Thành càng đông để chờ Tết tới...
NGỌC NHUẬN
Hoài Nhơn nhộn nhịp đón Xuân về
Một mùa xuân mới lại về. Xuân này Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Nhơn đón niềm vui lớn, sắc xuân tràn khắp mọi nơi, không khí rộn ràng vui tươi hơn mọi năm.
Vui hội Cổ nhơn truyền thống.
Đây là mùa xuân đầu tiên huyện nhà đón Tết trong niềm vui hân hoan bởi toàn huyện có 100% xã, thị trấn đều đã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất, từ thị trấn Bồng Sơn cho đến thị trấn Tam Quan, từ xã miền núi Hoài Sơn cho đến các xã ven biển Hoài Hương, Hoài Hải… đi đến đâu chúng tôi đều bắt gặp không khí nhộn nhịp. Muôn hoa đua sắc, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang lộng lẫy… cùng chào đón một mùa xuân mới lại về.
Dọc các tuyến đường trong huyện đều rợp cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền Mừng Đảng mừng Xuân. Trong dịp Tết, huyện Hoài Nhơn đã lắp đặt 370 tấm pa-nô khổ nhỏ dọc Quốc lộ 1A từ xã Hoài Đức đến xã Hoài Châu Bắc; làm mới 3 cụm pa-nô lớn và khẩu hiệu tại khu vực cơ quan Huyện ủy và UBND huyện…
Người dân Hoài Nhơn nô nức mang Xuân về nhà.
Tại chợ Bồng Sơn, chợ Tam Quan, chợ Bộng (xã Hoài Tân), ngay từ tờ mờ sáng đã đông nghịt người mua bán, lượng lớn người đổ về mua sắm làm kẹt xe trên các tuyến đường. Hàng hóa tiêu thụ rất nhanh, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá từ 10-30% so với ngày thường.
Tại chợ hoa Tết của huyện, lượng người đến xem và mua rất đông, giá hoa đến trưa ngày 30 Tết vẫn không hề giảm, hoa cúc vẫn là chủ lực, có giá 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chậu.
Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, trong những ngày tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, toàn huyện Hoài Nhơn có trên 720 tàu cá với trên 5.000 lao động hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản xa bờ; tập trung chủ yếu là nghề câu cá ngừ đại dương, số còn lại câu mực và đi lưới rút…
Người dân Hoài Nhơn mua sung với mong muốn một năm thêm sung túc.
Trong đó, có hơn 470 tàu cá với gần 3.400 lao động đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, giữa Hoàng Sa và Trường Sa; 75 tàu cá với 525 lao động đánh bắt tại ngư trường Quảng Ngãi - Đà Nẵng; ngư trường Phú Yên - Bình Thuận có 79 tàu cá khai thác với trên 550 lao động; ngư trường miền Nam có 95 tàu cá với 665 lao động… Riêng tại Cảng cá Tam Quan có khoảng 800 phương tiện của ngư dân về neo đậu.
Đặc biệt, trong dịp Tết này, rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ được huyện Hoài Nhơn tổ chức. Hội xổ Cổ Nhơn truyền thống diễn ra từ ngày 3.2 đến ngày 9.2.2019; điểm vui Xuân tại sân vận động thị trấn Bồng Sơn từ ngày 5.2 - đến ngày 14.2; Hội đánh bài chòi cổ dân gian tại Quảng trường huyện Hoài Nhơn; kỉ niệm 54 năm Chiến thắng Đồi 10 (1965 - 2019) vào ngày 8.2, nhằm mùng 4 tháng Giêng năm Kỷ Hợi tại Khu di tích Chiến thắng Đồi 10; biểu diễn hát Tuồng; Giải Việt dã Đồi 10; giải Bida; Giải đua thuyền 6 xã ven biển tại thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc vào ngày 17.2…
THÁI NGÂN
Phù Cát: Nhiều hoạt động đậm sắc Xuân
Xuân Kỷ Hợi 2019 đã về. Chào đón năm mới, Đảng bộ - chính quyền và nhân dân huyện Phù Cát có nhiều niềm hân hoan, phấn khởi vì trong năm 2018 vừa qua, nền kinh tế của huyện đã gặt hái được nhiều thành tựu vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,3 triệu đồng, quy mô sản xuất các ngành, lĩnh vực đều tăng, nổi bật nhất là thu ngân sách vượt 45,8% kế hoạch cả năm.
Hoa cúc được nhiều người dân Phù Cát lựa chọn để chưng Tết.
Ngày cuối cùng của năm cũ, dạo một vòng quanh các xã - thị trấn trong huyện, chúng tôi nhận thấy sắc xuân đã ngập tràn trên khắp mọi nẻo đường. Trên các trục đường chính từ huyện đến xã - thôn đều được trang trí cờ, hoa rực rỡ; mọi người đều tất bật dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa để đón chào năm mới. Tại chợ Phù Cát, các chợ ở địa phương và các cửa hàng tạp hóa, không khí mua bán tấp nập hơn hẳn mọi ngày và giá cả cũng tăng hơn. Các loại hàng hóa được bày bán nhiều và có sức mua lớn là thịt, hoa quả, bán kẹo, bia, nước giải khát, quần áo, giày dép...
Nơi thu hút nhiều người nhất là khu vực bán hoa tại khu sinh hoạt văn hóa huyện, dòng người đổ về đây mỗi lúc một đông, một phần là đi tìm mua cho mình cây hoa, chậu cây cảnh ưng ý, còn một phần là đi xem hoa, chụp ảnh và hưởng ứng không khí tết. Mặc dù năm nay hoa được bày bán nhiều hơn mọi năm nhưng do sức mua tăng nên càng về muộn giá hoa càng tăng cao hơn, nhất là hoa cúc, vạn thọ, quất. Do sức mua lớn nên đến hơn 22 giờ tất cả các loại hoa đã được bán hết.
Nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, huyện Phù Cát đã thành lập các đoàn tổ chức đến thăm, chúc tết và tặng 281 suất quà các gia đình chính sách tiêu biểu, các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện đã nghỉ hưu qua các thời kỳ, các cơ sở tôn giáo, các cơ quan làm nhiệm vụ trọng yếu trong dịp tết, các đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn huyện và bà con đồng bào dân tộc Bana ở 2 xã Cát Lâm, Cát Sơn.
Tưới nước cho vạn thọ thêm tươi tắn.
Để phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân trong dịp tết Tết Nguyên đán, huyện Phù Cát sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Theo kế hoạch, từ ngày 5 - 7.2/2019 (tức mùng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán), Trung tâm VH-TT&TT huyện sẽ tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian như: đập ấm, kéo co, múa lân, đua thuyền; vào buổi tối sẽ tổ chức hội bài chòi cổ. Từ ngày 8 đến ngày 10.2.2019 sẽ tổ chức giải võ cổ truyền truyền thống. Từ ngày 11 - 13.2.2019, Trung tâm VH-TT&TT huyện Phù Cát sẽ phối hợp với Đoàn Ca kịch bài chòi tỉnh biểu diễn phục vụ bà con.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, huyện Phù Cát sẽ tổ chức trưng bày báo xuân và triển lãm ảnh tại Thư viện huyện Phù Cát và mở cửa bảo tàng để phục vụ khách tham quan từ ngày 25.1 đến ngày 14.2.2019.
TRƯỜNG GIANG
Phù Mỹ: Đầm ấm không khí ngày cuối năm
Không khí háo hức đón chào năm mới Kỷ Hợi 2019 đang lan tỏa khắp nơi nơi trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Từ trung tâm huyện đến các xã ven biển như Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Đức đến các vùng miền núi như Gia Vấn (Mỹ Hòa) hay xã Mỹ Châu… đều ngập tràn hương sắc mùa xuân.
Các tuyến đường ở trung tâm huyện Phù Mỹ được trang trí cờ hoa rực rỡ. ẢNH: THANH TRỌN
Khắp các nẻo đường từ thị trấn đến nông thôn đều được trang hoàng rực rỡ với cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu đón chào năm mới. Nhiều tuyến đường hoa được nhân dân chung tay xây dựng nên càng làm cho không khí chào đón năm mới thêm rộn rã hơn.
Tại chợ An Lương (xã Mỹ Chánh), không khí mua bán ngày cuối năm dường như tất bật hơn. Ai cũng tranh thủ mua nhanh, bán nhanh để kịp về nhà rước ông bà, sum họp với gia đình chờ đón giao thừa. Những ông bố, bà mẹ cũng không quên mua cho con cái bong bóng ngộ nghĩnh làm quà. Tại các xã ven đầm Trà Ổ, không khí tết càng rộn ràng hơn. Trưa 30, các vận động viên vẫn chắc tay chèo, dợt lại lần cuối, chuẩn bị cho hội đua thuyền truyền thống huyện Phù Mỹ được tổ chức vào mùng 6 Tết.
Nhưng hối hả, gấp gáp và rộn ràng hơn cả là không khí tại hội chợ hoa xuân Phù Mỹ vào chiều tối 30 muộn. Người bán cũng muốn bán nhanh, người xem cũng gắng chọn thêm chậu cúc, thọ xinh xinh trang trí cho nhà thêm đẹp. Không khí vì thế cũng sôi nổi, náo nhiệt hơn hẳn. Hội chợ hoa xuân Phù Mỹ năm nay, số lượng hoa nhiều nhưng vẫn tập trung chủ yếu là các loại hoa được nhân dân địa phương ưa chuộng như: cúc, vạn thọ nhỏ, tắc cảnh, mai… Đặc biệt, theo xu hướng chung của thị trường, chợ hoa năm nay còn bày bán một số trái cây mới với sức mua tương đối cao.
Tối giao thừa, khi hương xuân đã len đến rất gần, nhà nhà lại quây quần bên mâm cơm ngày cuối năm, cùng nâng ly rượu đặc sản Trung Thứ, rượu Sim Mỹ Trinh, nhấm miếng bánh tét và ít củ kiệu, hàn huyên, tâm sự...
Gia đình bà Hồ Thị Danh làm món chả ram tôm nhảy để cúng tổ tiên ông bà. ẢNH: VĂN TỐ
Càng gần đến thời khắc giao thừa, không khí đón Xuân của người dân Phù Mỹ lại “nóng” dần lên.
Tại các gia đình, không khí đón Tết đầm ấm, vui tươi hiện lên từng gương mặt của từng thành viên trong gia đình. Ông Nguyễn Tiến Triển (ở thị trấn Phù Mỹ, cán bộ hưu trí vừa nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng) đang nhâm nhi tách trà, chén rượu ngồi đón giao thừa cùng người thân, chia sẻ: “Nhìn thấy quê hướng đổi thay từng ngày, đời sống của người dân ngày càng phát triển và được đón Tết đầm ấm cùng gia đình, tôi thấy vô cùng phấn khởi, hạnh phúc”.
Hòa cùng niềm vui chung của mọi người, mọi nhà, gia đình bà Hồ Thị Danh - một đảng viên ở thị trấn Phù Mỹ, tranh thủ làm món ăn truyền thống nổi tiếng của quê hương Bình Định là món chả ram tôm đất để sáng mùng Một Tết dâng lên cúng tổ tiên ông bà.
Niềm vui càng lan tỏa khi Xuân này huyện Phù Mỹ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do huyện tổ chức như: Lễ dâng hương dâng hoa tượng đài chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, chung kết cuộc thi giọng hát hay, thi đấu võ đài liên tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, giải đua thuyền mừng Xuân trên đầm Trà Ổ và giải bóng đá, bóng chuyền của các xã, thị trấn…
THANH TRỌN - VĂN TỐ
Tây Sơn hân hoan bước vào năm mới
Bắt đầu từ sáng 30 Tết, từ thị trấn Phú Phong đến các xã nông thôn, đi đến đâu chúng tôi chúng tôi cũng bắt gặp những ánh điện sáng rực, rộn rã dòng người, nhà cửa được chỉnh trang, hoa Tết được trưng bày… rạng rỡ sắc xuân.
Người dân tranh thủ mua hoa cúc về trước thời điểm giao thừa.
Trên các tuyến đường xuất hiện rất nhiều cờ trang trí, pa-nô nhỏ, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân và chào mừng kỷ niệm 230 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Cùng với đó, càng cận thời điểm giao thừa người dân càng đổ về hội Hoa xuân tại thị trấn Phú Phong càng đông. Đây cũng đã thành một thói quen của người dân nơi đây vào những đêm giao thừa nên đã làm cho không khí tại chợ hoa Tết thêm phần nhộn nhịp.
Anh Đoàn Văn Thiện (29 tuổi, xã Bình Thành), cho biết: “Biết là chờ đến giao thừa hoa sẽ rẻ hơn nữa, nhưng đến thời điểm đó sẽ không còn hoa đẹp nữa; với lại mình cũng phải thương người bán hoa, họ cũng lo toan vất vả để kiếm ít đồng tiêu tết, nên mình mua được thì mua cho sớm để họ còn về cúng giao thừa nữa”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm 22 giờ tối 30, lượng hoa còn lại trong hội Hoa xuân cũng không nhiều, do năm nay hoa Tết ít và đẹp hơn mọi năm, cùng với đó là những ngày cận Tết lượng người đến mua cũng đã nhiều. Anh Trần Văn Nam, một chủ bán hoa chia sẻ: “Năm nay lô của tôi có khoảng 300 chậu hoa cúc đại đóa, 200 cây quất cảnh; đến thời điểm này cũng đã bán được hết 95%. Từ giờ bắt đầu đến giao thừa số lượng người đến xem và hỏi mua sẽ đông hơn nên sẽ không có tình trạng bán đổ bán tháo như mọi năm”.
Tại các nơi có người đồng bào dân tộc thiểu số như: xã Vĩnh An, làng Cam (xã Tây Xuân), làng M6 (xã Bình Tân), nhờ được sự quan tâm của chính quyền và các hội đoàn thể trong huyện nên trước tết đã được hỗ trợ lương thực, thực phẩm để bà con yên tâm vui xuân đón Tết.
Làng M6 (xã Bình Tân) tổ chức giải bóng chuyền mừng Đảng mừng Xuân.
Theo Ban Quản lý Bảo tàng Quang Trung, đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị Lễ hội kỷ niệm 230 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã được hoàn tất. Đặc biệt, năm nay là năm chẵn nên UBND tỉnh sẽ long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 230 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật rất phong phú.
Trong đó, từ chiều mùng 4 Tết, đại biểu cùng nhân dân, du khách sẽ dâng hương tại Đài Kính Thiên, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc và Đền thờ Song thân Tây Sơn Tam Kiệt tại di tích Gò Lăng; dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung và dâng hương ở Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Sau khi dâng hoa, dâng hương, đại biểu cùng du khách sẽ tham quan Nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung, xem biểu diễn nhạc võ tại Nhà biểu diễn võ Bảo tàng Quang Trung.
Và để tạo không khí cho toàn tỉnh, UBND tỉnh sẽ tiến hành tổ chức chương trình nghệ thuật hoành tráng chào mừng kỷ niệm 230 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại quảng trường trước cổng Bảo tàng Quang Trung. Điểm thu hút đông đảo người dân Tây Sơn năm nay là sẽ được xem pháo ngay hoa ngay tại địa phương ở ven sông bến Trường Trầu (phía Bắc cầu Mới).
Sau ngày chính lễ (mùng 4 Tết), tại khuôn viên Bảo tàng Quang Trung cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian; chương trình biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn; chương trình biểu diễn của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định. Tại các địa điểm khác ở thị trấn Phú Phong, Trung tâm VH-TT&TT huyện Tây Sơn cũng tổ chức các hoạt động khác như: Hội thi đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh; các trò chơi dân gian; triển lãm mai xuân, sinh vật cảnh. Đặc biệt năm nay lần đầu tiên tổ chức trò chơi lớn với chủ đề “Hành binh thần tốc” tái hiện hình ảnh quân Tây Sơn hành binh ra Thăng Long theo hình thức 2 người khiêng võng, 1 người nằm với sự tham gia của 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
HỒNG PHÚC
Vĩnh Thạnh rộn ràng mùa Xuân mới
Mỗi năm đều có một mùa xuân, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc. Dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng, mùa Xuân Kỷ Hợi 2019 này đời sống vật chất, tinh thần của người dân Vĩnh Thạnh được nâng lên và cùng cả nước tiếp tục con đường đổi mới. Trên những nẻo đường, sức xuân đang lan tỏa niềm tin về cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.
Vũ điệu Xuân vùng cao (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh).
Mùa Xuân mới đang về, sắc xuân ấm áp ùa về từ những ngọn núi gần. Cuộc sống của người dân Vĩnh Thạnh hôm nay đã có sự thay đổi đáng mừng. Trong những đổi thay của cuộc sống hôm nay, người dân Vĩnh Thạnh đã có sự thích nghi nhanh chóng để vươn lên. Những tiềm năng về đất đai, khí hậu, thời tiết ngày càng được khơi dậy. Đời sống của người dân, bộ mặt của xã hội đã có bước phát triển nhanh chóng. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện… khang trang bề thế đã mọc lên.
Năm nay nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đón Tết trong không khí tưng bừng phấn khởi. Lễ hội 60 năm Ngày Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh vừa được tổ chức tiếp thêm cho mùa Xuân Vĩnh Thạnh tinh thần đoàn kết, quyết tâm trong dịp đầu xuân mới. Đồng bào các dân tộc huyện Vĩnh Thạnh đón Xuân vui vẻ, lành mạnh và phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền dân tộc, thực hiện tiết kiệm theo đúng chủ trương chính sách của Đảng, đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn xã hội.
Ngoài 1.194 suất quà trị giá 241 triệu đồng của Chủ tịch nước gửi tặng cho các đối tượng chính sách, người có công; hàng nghìn suất quà Tết của các tổ chức, cá nhân đã được trao tặng đến tận tay người nghèo, hộ gia đình chính sách. Đặc biệt, Tết năm nay, 100% hộ nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đều được nhận quà Tết của Chính phủ với mức 400 nghìn đồng/hộ, tổng kinh phí thực hiện hơn 1,7 tỉ đồng. Cùng với đó, hơn 100 tấn gạo đỏ lửa cũng được huyện tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời cho người dân trước Tết.
Dạo quanh thị trường hàng hóa, nhìn vào cuộc sống với sức mua, cách mua hàng đồng bào các dân tộc vùng cao mới thấy hết thành tựu trong thời kỳ đất nước sau hơn 30 năm đổi mới. Nhìn chung giá cả hàng hóa trong dịp tết ở Vĩnh Thạnh cơ bản ổn định, không có tình trạng “cháy” hàng, sốt giá. Ở chợ huyện, các loại thịt, cá, giò chả và rau xanh được bày bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Người dân đang hướng vào thưởng thức nghệ thuật ẩm thực, từng bước ăn ngon thay cho ăn no, không mua hàng quá nhiều, ăn đến đâu, mua đến đó và thị trường luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Trung tâm thị trấn Vĩnh Thạnh rộn ràng sắc xuân.
Ngược lên vùng cao mùa xuân này mới thấy, cái khó khăn, nghèo đói đã dần được thay bằng cuộc sống mới no đủ và văn minh hơn. Bà con nhân dân nơi đây đã thể hiện sự phấn đấu vươn lên trong xây dựng cuộc sống mới, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư thông qua việc thực hiện các phong trào xóa đói giảm nghèo, làm đường giao thông nông thôn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình...
Chiều 30 Tết, đến các xã vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh, dễ dàng nghe được tiếng chiêng, tiếng trống vang lên trong những ngôi nhà sàn, nhà văn hóa và điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển, siết chặt những bàn tay đoàn kết. Mọi người quây quần bên đống lửa hồng, lan tỏa men rượu say nồng và những món ăn dân tộc, cùng chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, cầu mong cho đất nước thanh bình, gia đình hạnh phúc. Những cánh hoa mai vàng rực lại báo hiệu một mùa xuân ấm áp trên khắp các bản làng. “Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới” là khẩu hiệu được nhiều nơi dùng trong ngày hội đón Xuân mới.
Nắng vàng trải dài trên nương rẫy Vĩnh Sơn, lúa xuân xanh biếc trải rộng trên đồng Vĩnh Thịnh. Không khí ngày xuân đầy ắp trong mỗi gia đình. Hy vọng rằng, trên con đường đổi mới hiện nay, Vĩnh Thạnh sẽ tiếp tục gặt hái những thành công trên tất cả các lĩnh vực.
XUÂN DŨNG
Người dân Vân Canh đón xuân với nhiều niềm vui mới
Chào đón năm mới, khắp các tuyến đường trên địa bàn huyện Vân Canh đều được trang hoàng rực rỡ, ngập tràn cờ hoa; các điểm bán hoa mai, cúc, vạn thọ, quất… có nhiều chủng loại hoa hơn năm ngoái. Đặc biệt, năm nay còn có 2 điểm bán hoa lan, nhiều người có thêm sự lựa chọn hoa để trang trí đón Tết.
Những con đường rạng ngời sắc xuân ở Vân Canh.
Chào đón năm Kỷ Hợi, đồng bào các dân tộc huyện Vân Canh vô cùng phấn khởi, bởi năm nay đồng bào có thu nhập cao từ cây mì, cây keo, các loại nông, lâm sản và tiền công, tiền lương làm thuê cho các doanh nghệp, công ty đóng trên địa bàn huyện.
Cuộc sống đã khá hơn nhiều, một số hộ đạt thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, nên hầu như nhà nào cũng sắm tết khá tươm tất, trang trí trong nhà một vài chậu phong lan, hoa cúc, cây mai, cây quất… làm cho tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện miền núi Vân Canh thêm phần đầm ấm, yên vui.
Ông Trần Kim Vũ - Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, vui vẻ chia sẻ: “Những năm gần đây kinh tế của huyện phát triển năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt năm nay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 72 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 170% chỉ tiêu tỉnh giao và đạt hơn 164% kế hoạch đề ra. Đời sống người dân được cải thiện nhiều, lệ hộ nghèo giảm hơn 7,4% so với năm ngoái. UBND huyện hỗ trợ mỗi thôn, làng 1 triệu đồng để tổ chức các hoạt động vui tết, đón xuân vui vẻ, sang năm mới làm ăn phát đạt hơn”.
Năm nay, được sự hỗ trợ của Ban Dân tộc tỉnh, mỗi làng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp 1 bộ cồng chiêng. Tết này tất cả các làng đều có chiêng để đánh chào năm mới, đồng thời thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.
Nồi bánh tét mang hơi ấm chiều ba mươi Tết.
Nhiều con đường, ngôi nhà, công trình dân sinh được xây dựng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và sự tham gia của người dân trên địa bàn huyện đã đưa vào sử dụng, làm cho bộ mặt nông thôn miền núi khởi sắc nhiều.
Tết ở Vân Canh càng ấm áp hơn, bởi những tình cảm yêu thương, sẻ chia của các đoàn công tác, các nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà Tết các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn trên địa bàn.
Thời khắc giao thừa càng đến gần, không khí tất bật chào đón năm mới của đồng bào các dân tộc huyện Vân Canh càng khiến cho nhịp sống cuối năm nơi đây trở nên gấp gáp hơn. Các mẹ, các chị hối hả nấu cho xong nồi bánh tét để kịp đón giao thừa và chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống để đi chơi tết.
Tiếng nhạc vui tươi phát ra từ những ngôi nhà sàn xinh xắn, nhà tầng khang trang càng làm cho không khí của mùa xuân tràn ngập khắp xóm, khắp làng và trên từng gương mặt rạng rỡ của đồng bào các dân tộc huyện Vân Canh, báo hiệu một mùa xuân yên bình, hạnh phúc nữa lại về.
HẠNH PHÚC
Tuy Phước: Mộc mạc nét quê, ấm lòng người trồng hoa Tết
Không khí Xuân đã tràn về khắp mọi nơi, trên các nẻo đường quê ở Tuy Phước.
Ngay từ sáng 30 tháng Chạp, dạo quanh một số chợ vùng quê ở Tuy Phước như chợ Cầu Gành, chợ Huyện (xã Phước Lộc), chợ Bồ Đề (thị trấn Tuy Phước), chợ Quán Cẩm (xã Phước An)… dễ nhận ra không khí nhộn nhịp của những phiên chợ cuối năm. Từ hàng rau, hàng thịt cho đến hàng tạp hóa, hàng vải, hàng giày dép, hàng bánh kẹo… nơi nào cũng đông nghịt người mua, kẻ bán.
Vận chuyển hoa từ vườn ra đường cái lớn để xe ô tô chở đi tiêu thụ. Ảnh: XUÂN THỨC
Càng về trưa, nhà nhà tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Không khí chào đón năm mới tràn ngập nơi nơi. Đến cuối chiều, việc dọn dẹp, sửa sang nhà cửa đã hoàn tất. Mọi người đều hướng tới một năm mới ấm no, sung túc và an lành.
Càng về tối 30, trên các tuyến phố từ tỉnh lộ 640 đến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 qua địa bàn Tuy Phước, dòng người đổ ra đường, hòa vào không khí đón năm mới thêm đông đúc. Các chợ hoa ở thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước nằm dọc các quốc lộ thêm phần nhộn nhịp.
Lễ hội chợ Gò đã hoàn tất khâu khuẩn bị. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại các làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa), Biểu Chánh - An Cửu - Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng), Xuân Mỹ, Tuân Lễ - Tú Thủy (xã Phước Hiệp)… thuộc huyện Tuy Phước, những người trồng hoa vô cùng phấn khởi vì vụ hoa Tết năm nay vừa được mùa, được giá, thương lái đến tận nhà vườn mua hết với giá tăng hơn 10 - 15 % so với năm ngoái.
Hoa cúc đại đóa và pha lê truyền thống được các nhà vườn ở huyện Tuy Phước trồng với số lượng lớn và cung ứng ra thị trường đúng dịp Tết hàng năm. Năm nay lượng hoa cúc được trồng lên gần 200.000 chậu, tăng khoảng 50.000 chậu so với năm ngoái. Tết này, 300 hộ trồng hoa ở Bình Lâm vô cùng phấn khởi vì chưa năm nào họ ăn Tết to và vui, bởi nghề trồng hoa đã mang lại cho họ một vụ hoa bội thu. Nhiều hộ thu lãi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, nghề trồng hoa đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều nông hộ ở vùng quê thuần nông mà trước đây vốn là vùng đất khó.
Ông Phan Đình Muộn, một người trồng hoa kỳ cựu, chia sẻ: “Năm nay tôi trồng trên dưới 1 ngàn chậu. Hồi trước làm ruộng sạ lúa chỉ đắp đổi đủ ăn, có khi còn thiếu ăn. Từ khi chuyển sang trồng hoa nên đời sống cải thiện hơn, nhà cửa khang trang hơn, tường rào, cổng ngõ đổi mới. Về mặt xây dựng nông thôn mới có tiến triển bà con cũng góp phần, mỗi gia đình đều cho con em đến trường, các cháu lớn học tới nơi tới chốn ra trường đều có việc làm, cũng nhờ trồng hoa khá giả dần lên”.
Còn ở xã Phước Hưng, theo ông Lê Anh Duy - Phó Chủ tịch UBND xã, toàn xã có hơn 200 hộ dân các thôn Biểu Chánh, Quảng Nghiệp và An Cửu trồng 60.000 chậu cúc đại đóa và cúc pha lê (bình quân 1 hộ trồng 300 chậu), tương đương số lượng chậu hoa cúc đã trồng ở vụ hoa Tết năm ngoái. Tuy nguồn giống năm nay không ổn định, nhưng nhờ các hộ tăng cường chăm sóc, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng đèn điện thắp sáng ban đêm để điều khiển sự sinh trưởng của cây hoa, nên hoa nở đúng thời điểm Tết. Nhờ đó, giá bán cao hơn. Anh Trần Đình Chu, một người trồng hoa ở thôn An Cửu, thổ lộ: “Mình trồng cỡ 300 chậu, bán quân bình 400 ngàn đồng/ chậu, chi phí 200 ngàn đồng, còn lãi 200 ngàn đồng, ổn định việc làm, mình khỏi phải đi làm thuê các nơi”.
TRỌNG LỢI - XUÂN THỨC
TX An Nhơn: Chộn rộn nét Xuân, ấm tình chính sách
Chiều 30 tháng Chạp, trên địa bàn TX An Nhơn, không khí “Mừng Đảng mừng Xuân”, đón Tết Kỷ Hợi - năm 2019 tưng bừng nhộn nhịp. Trên khắp các nẻo đường từ trung tâm thị xã đến các làng quê như khoác trên mình chiếc áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của cờ hoa, từ những băng rôn, cổng chào đến những chậu mai, vạn thọ, cúc…
Người dân đi Siêu thị Co.opmart An Nhơn mua sắm Tết.
Từ 16 giờ ngày 30 tháng Chạp, người dân nô nức kéo nhau đi chợ hoa, mua sắm nhộn nhịp. Không khí mua bán, trao đổi hoa tại điểm bán hoa ở khu dân cư mới Bắc Ngô Gia Tự (phường Bình Định) càng về tối thêm phần sôi động. Sức mua hoa Tết của người dân năm nay khá cao. Nhờ vậy, lượng hoa Tết như cúc Đà Lạt, cúc mâm xôi, quất, hoa ly ly… tiêu thụ khá mạnh.
Năm nay, chính quyền các địa phương trên địa bàn TX An Nhơn quan tâm nhiều đến công tác chỉnh trang đô thị, góp phần tạo nên nét đẹp trong những ngày Tết. Đơn cử, tại phường Bình Định, chính quyền đã vận động nhân dân mua hơn 1.000 chậu hoa cúc các loại để trang trí dọc hai bên vỉa hè ở 7 tuyến phố huyết mạch của trung tâm thị xã như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Quang Trung… góp phần làm cho từng con đường rực rỡ sắc màu.
Đưa hoa về nhà đón Xuân.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch UBND phường Bình Định, hồ hởi cho biết: “Năm nay, các mặt hàng tiêu dùng như điện máy, hàng tiêu dùng, hoa Tết tiêu thụ rất mạnh. Điều đó khẳng định đời sống vật chất của nhân dân ở địa phương đã cải thiện nhiều. Thời điểm cuối năm, tôi đi đến đâu cũng nhận thấy không khí sôi động với dòng người đổ về mua sắm, du xuân diễn ra chộn rộn”.
Bên cạnh đó, năm nay, UBND TX An Nhơn đã triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng yếu thế, gia đình chính sách trên địa bàn hết sức chu đáo. Cụ thể, TX An Nhơn đã thăm, tặng 700 suất quà cho gia đình chính sách (300 ngàn đồng/suất), 200 suất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (200 ngàn đồng/suất), gần 100 suất cho người dân An Nhơn đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị bảo trợ xã hội; 25 suất cho TTYT An Nhơn chia sẻ với người bệnh phải điều trị trong những ngày Tết, 2 suất cho gia đình chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa...
ĐẠI NAM
Hoài Ân: Kết đoàn đón Tết
Ân Sơn là xã vùng cao ở huyện Hoài Ân với hơn 168 hộ, trên 550 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc thiểu số H’re. Hòa chung không khí đón Tết cổ truyền dân tộc, chiều 30 Tết người dân trong xã đã dừng lại hầu hết mọi chuyện, tập trung chuẩn bị cho ngày Tết.
Ông Đinh Văn Nát “làm phép” đón năm mới
Ông Đinh Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Theo truyền thống của người He’re nơi đây, việc đón Tết có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với người Kinh. Đó là việc chuẩn bị mâm cỗ “làm phép”, giống như người Kinh cúng trước ông bà song khác biệt là mâm cỗ để mừng năm mới tập thể. Theo đó, sáng mùng Một, tất cả người dân tập trung đến nhà Văn hóa xã để cùng đón năm mới. Chương trình đón năm mới gồm đọc thư chúc Tết của lãnh đạo huyện, phát biểu chúc mừng năm mới của lãnh đạo xã, chương trình văn nghệ chào mừng năm mới với những tiết mục được dàn dựng công phu do cán bộ Văn hóa xã cùng các em học sinh chuẩn bị. Sau đó là giao lưu văn nghệ, hết chương trình thì đến từng nhà chúc Tết”.
Tôi có mặt tại nhà anh Đinh Văn Chẩm (37 tuổi, thôn 1, xã Ân Sơn), trong lúc anh cùng gia đình chuẩn bị mâm cỗ để “làm phép”. Mâm cỗ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng gồm tất cả những bộ phận của con heo gia đình làm trước đó, một con gà luộc, một chén cơm trắng, một ché rượu cần. Sau khi ông Đinh Văn Nát (một người hiểu phong tục trong làng) đọc những câu khấn thì tất cả những thức ăn được đãi khách và con cháu trong nhà dùng, coi như bữa cơm cuối năm.
Anh Trương Minh Tân chở chậu quất về chưng Tết.
Điều đặc biệt của người H’re ở Ân Sơn là mâm cỗ để cùng dân làng mừng năm mới. Tùy theo điều kiện của từng gia đình, mâm cỗ được chuẩn bị với những thức khác nhau. Có mâm một con gà, ít rau rừng, miếng thịt heo; những người thường xuyên đi rẫy thì có qué nướng, cá niên, cá nhong, cá sóc (là những đặc sản của vùng); và đương nhiên, không thể thiếu chai rượu gạo hoặc ché rượu cần. Sáng mùng Một, sau khi các chương trình văn nghệ kết thúc, người Ân Sơn cùng ăn cùng uống vui chơi đón Tết.
Bên cạnh phong tục đón Tết đặc sắc, năm nay, chợ hoa Xuân ở Hoài Ân cũng có nhiều nét đặc biệt. Chiều 30 tháng Chạp, tại Quảng trường 19.4 (thị trấn Tăng Bạt Hổ), người dân ở các xã lân cận đổ về ngày càng một đông với mục đích mua cho mình một chậu hoa ưng ý nhất để chưng ngày Tết.
Chợ hoa Xuân năm nay ở Hoài Ân có nhiều điểm khác lạ hơn năm trước. Đáng chú ý nhất là gian hàng Thanh niên gây quỹ từ thiện cho người nghèo với đá mỹ nghệ và dừa kiểng. Anh Nguyễn Văn Rốt - chủ nhân của các tác phẩm, chia sẻ: “Tất những mặt hàng này do chính tay mình làm. Với đá thì mình lên các ngọn đồi, con suối trong huyện tìm rồi về chế tác ra những hình khối khác nhau. Với dừa thì tự tay ươm lấy rồi qua các công đoạn khắc lên đấy các chữ Phúc - Lộc - Thọ. Với những cái mới lạ đã thu hút được nhiều người đến tham quan và mua về làm cảnh”.
Anh Nguyễn Văn Rốt (người mặc áo carô) gói dừa kiểng cho khách.
Hòa chung với dòng người tại chợ hoa Xuân, anh Trương Minh Tân (xã Ân Đức) cho biết: “Sắm Tết, không những các nhu yếu phẩm thường ngày mà còn có cái cây, cái hoa để trong nhà cho có màu sắc”.
Theo nhận định của một số người kinh doanh hoa và cây kiểng năm nay ở chợ hoa Xuân thì sức mua của người dân cao hơn năm trước. Điều đáng mừng là hầu hết người dân không còn tâm lý để đến gần giao thừa mới mua với giá rẻ. Chị Phan Thị Hiền có gian bán hoa ly ly tại chợ, chia sẻ: “Từ 3 hôm trước nhiều người đã bắt đầu đi mua. Với người mua sớm thì có nhiều hoa chất lượng để lựa chọn. Còn bản thân mình bán cũng mong nhanh hết để về nhà lo cho gia đình đón Giao thừa”.
TỐNG BÌNH
An Lão: Giữ mãi vị Tết truyền thống
Hòa chung trong không khí đón mừng Tết cổ truyền của dân tộc, từ người Kinh đến người H’re, Bana ở huyện miền núi An Lão đang rộn ràng đón Tết. Tuy việc đón Tết có những thay đổi so với trước đây; song họ vẫn gìn giữ và lưu truyền những phong tục ngày Tết mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình
Ông Đinh Văn Viêu chuẩn bị cúng trả ơn.
Trong những ngày giáp Tết, người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi An Lão đã tạm gác hết mọi công việc nương rẫy để quét dọn và vệ sinh nhà cửa. Thôn trưởng của các thôn sẽ kêu gọi thanh niên, phụ nữ trong làng mỗi người mỗi việc cùng nhau dọn vệ sinh sạch sẽ ở khu dân cư, làm cổng chào ở các đầu thôn, nhà văn hóa thôn để chuẩn bị chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Vật dụng để trang trí rất đơn giản chỉ là những lá dừa, cây tre hay những bông hoa dại ven đường. Tuy không đẹp bằng các huyện miền xuôi nhưng thể hiện được tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng của người đồng bào dân tộc. Trong những ngày Tết, Nhà văn hóa sẽ là nơi sinh hoạt cộng đồng để người đồng bào tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ.
Tại xã An Hòa, khung cảnh chợ ngày 30 Tết nhộn nhịp khác hẳn với ngày thường; luôn thật đặc biệt, bởi đây là phiên chợ cuối cùng của năm. Từ mờ sáng đã có đông đảo người dân từ các xã trong huyện tập trung về chợ An Hòa để mua sắm Tết. Hoa cắm bàn thờ gia tiên và trang trí trong nhà là mặt hàng nhộn nhịp nhất trong chợ quê ngày 30 Tết. Bởi theo người dân, hoa mua vào ngày này về chưng sẽ được lâu hơn trong những ngày Tết, hoa giữ tươi được lâu hơn. Người mua, người bán ai cũng vui vẻ mời chào nhau, đúng thật là “Vui như ngày 30 Tết”.
Gia đình chị Đinh Thị Đi gói bánh đón Tết.
Trong khi các xã đồng bằng nhộn nhịp thì trong ngày cuối năm ở các xã miền núi huyện An Lão có phần lặng lẽ hơn. Trong khoảnh khắc chỉ còn một ít thời gian nữa là hết ngày năm cũ, chuẩn bị đón năm mới Kỷ Hợi 2019, người dân đồng bào dân tộc H’re, Bana tùy thộc vào từng nhà mà thường tổ chức các lễ cúng như: cúng trả ơn, đáp báo; cúng vô lá; cúng Tết trâu...
Trong ngày tết của người H’re, không thể thiếu thức uống là rượu cần. Bởi rượu cần là một nét đặc trưng riêng trong đời sống của cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão. Để rượu thơm ngon, ngoài nguyên liệu là sắn, nếp, ngô ra thì người chế biến phải có bàn tay khéo léo, biết cách ủ men và ủ kỹ trước trước đó khoảng 15-20 ngày…
Ngoài rượu cần, Tết của người H’re không thể thiếu thịt heo và bánh lá dong; mỗi gia đình tùy theo mức độ giàu nghèo mà thịt từ một đến hai con heo; bánh được gói bên ngoài là lá dong, bên trong là gạo nếp. Tục “vô lá” vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Trước đêm “Giao thừa” người H’re rộn ràng chuẩn bị gạo nếp và các vật liệu cần thiết để gói bánh. Bánh gói xong người ta nấu qua đêm cho đến sáng ngày mồng một.
Tâm sự với chúng tôi vào thời khắc chuẩn bị bước sang năm mới của người dân xã An Dũng - nơi đang thi công Dự án Hồ chứa nước Đồng Mít, ông Đinh Văn Lam chia sẻ: “Mặc dù còn băn khoăn trăn trở vì sắp rời bỏ mảnh đất mình đã sinh ra, lớn lên và bao đời nay đã gắn bó, nhưng vì lợi ích chung của cả nước, chúng tôi sẵn sàng di dời sang nơi ở mới”.
Có thể Tết Kỷ Hợi 2019 là cái Tết cuối cùng của người dân An Dũng tại nơi làng cũ. Thế nhưng, họ vẫn vui tươi, lạc quan như lâu nay. Họ chuẩn bị đón Tết đầy đủ nhất theo điều kiện có thể của mình, để có một cái Tết ấm cúng, hạnh phúc cùng gia đình, vui tươi cùng dân làng.
HỮU BÁ