Rực rỡ Dạ hội giao thừa
21 giờ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất (4.2), Chương trình Dạ hội giao thừa chào mừng năm mới Kỷ Hợi bắt đầu tại khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Sân khấu chương trình được dựng ở ngay khu vực phía dưới tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, đối diện khu vực có dựng biểu tượng linh vật Kỷ Hợi mang ý nghĩa sung túc, sum vầy, cùng trưng bày một số loài hoa đẹp, tiểu cảnh, triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đất nước, con người Bình Định”... nên đã thu hút đông hơn người dân và du khách tập trung tại khu vực này.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh tham dự dạ hội giao thừa. Ảnh Văn Lưu
Đến dự chương trình Dạ hội có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh...
Sau tiếng trống khai hội vang vọng của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, pháo hoa kỹ xảo kết hợp ánh sáng và âm nhạc đã tạo nên sự hứng khởi cho người xem bắt đầu thưởng thức chương trình. Chào xuân là tiết mục mở đầu rộn ràng chương trình Dạ hội giao thừa chủ đề “Xuân về trên quê hương Bình Định”, với gần 70 ca sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn. Phía trước sân khấu, đội lân - sư - rồng của Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh tạo thêm không khí hoạt náo, mang sắc xuân rực rỡ đến với người xem ngay từ giây phút đầu tiên.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đánh trống khai hội tại dạ hội giao thừa mừng năm mới. Ảnh Văn Lưu
Chương trình nghệ thuật Dạ hội giao có chủ đề “Xuân về trên quê hương Bình Định” gồm 3 phần: “Mừng Đảng mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới” (phần 1) được dàn dựng rực rỡ những sắc màu. Tiếp đó, “Sắc xuân trên quê hương Bình Định” (phần 2) cuốn hút người xem với những hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đầy tự hào của quê hương Bình Định, với nhiều di sản bài chòi, tuồng, võ cổ truyền, dân ca, đặc sản ẩm thực... Cùng với phần biểu diễn của ca sĩ, 2 màn hình led lớn trên sân khấu tái hiện hình ảnh, tư liệu liên quan đến tiết mục như hội đánh bài chòi dân gian Bình Định, Lễ nhận bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại... Đặc biệt, tiết mục “Hào khí Tây Sơn” đưa khán giả cùng hòa niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, tạo “điểm nhấn” ý nghĩa hướng về kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2019) sẽ được tổ chức trang trọng vào ngày mùng 4 - mùng 5 Tết Kỷ Hợi 2019 sắp tới tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). “Giai điệu mùa xuân” (phần 3) có nhiều tiết mục hát, múa vui tươi về mùa xuân, gieo vào lòng người sự háo hức chào đón năm mới khi chương trình khép lại...
Chương trình nghệ thuật tại dạ hội giao thừa. Ảnh Văn Lưu
Chương trình Dạ hội giao thừa vừa kết thúc, không khí lại rộn ràng niềm vui trên sân khấu với chương trình hoạt náo đón giao thừa do Trung tâm VH - TT - TT TP Quy Nhơn tổ chức. Các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc các tác phẩm về mùa xuân, chương trình ca múa nhạc, nhảy hiện đại, võ thuật, múa lân - sư - rồng... đã thu hút ngày càng đông người xem, nhất là các bạn trẻ. “Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà được nghe những giai điệu rộn ràng thì cảm thấy thêm phấn chấn. Rủ nhóm bạn cả chục người đến Quảng trường chơi, xem chương trình Dạ hội giao thừa, rồi hoạt náo, những người đi học xa như tôi cũng phần nào nắm bắt ca sĩ, nhóm nhảy của các bạn trẻ ở Quy Nhơn ngày càng năng động và thể hiện được “chất” trong phong cách biểu diễn...”, chàng trai Quy Nhơn đang học năm hai Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Chương trình hoạt náo sôi động do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức. Ảnh Hoài Thu
23 giờ đêm 30 tháng Chạp, dòng người đổ về Quảng trường Nguyễn Tất Thành rất đông, đứng hàng dài ra tận khu Công viên Thiếu nhi Quy Nhơn, hay phía bãi biển đường Xuân Diệu... cùng háo hức chờ đón xem pháo hoa. Đúng 24 giờ đêm giao thừa, mọi người cùng vỗ tay, hò reo phấn khích khi được thưởng thức những màn pháo hoa đẹp mắt rực rỡ trên bầu trời TP Quy Nhơn, gieo niềm hi vọng về những điều tốt đẹp trong năm mới Kỷ Hợi 2019...
Dòng người đổ về Quảng trường Nguyễn Tất Thành rất đông chờ xem pháo hoa. Ảnh Văn Lưu
Những màn pháo hoa đẹp mắt rực rỡ trên bầu trời. Ảnh Văn Lưu
Quy Nhơn vui hội ngộ đêm 30
Quy Nhơn đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất (4.2) rực rỡ cờ hoa, đèn trang trí nghệ thuật trên những tuyến đường lớn đón chào năm mới. Nhiều nhà hàng, quán ăn, cà phê đều đông khách gần xa nâng li hội ngộ. Tập trung dòng người nhộn nhịp đông vui nhất là tuyến đường Nguyễn Tất Thành, được trang trí rực rỡ hơn để đón chào năm mới. Đến 20 giờ 30, cảnh mua bán ở chợ hoa trên tuyến đường vẫn còn nhộn nhịp. So với năm trước, lượng hoa, cây cảnh năm nay nhiều và phong phú hơn và tiêu thụ cũng được hơn, nên một số lô đã bán hết hàng từ chiều 30 hoặc chỉ còn một số lượng ít vẫn còn người đến hỏi mua khi chỉ còn vài tiếng nữa là đến giao thừa. “Năm ngoái tận 23 giờ đêm 30 vẫn còn khá nhiều hoa chưa bán được... nên rất sung sướng khi năm nay đến 8 giờ tối thì tôi đã bán hết nhờ lựa được hoa đẹp, giá phải chăng nên khách thương ủng hộ. Hai vợ chồng sẽ đi mua thêm ít đồ Tết ở Quy Nhơn để kịp về đón giao thừa cùng các con ở nhà xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước”, anh Trương Văn Tiến (40 tuổi), hồ hởi chia sẻ.
Rất đông người dân và du khách chụp hình khu linh vật Kỷ Hợi 2019 vào lúc 23 giờ 30 đêm 30 tháng Chạp. Ảnh Hoài Thu
Khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành năm nay đã được giải tỏa thông thoáng hơn về phía biển, gần đó lại có thêm những khách sạn, quán cà phê mới có quy mô lớn, đầu tư đèn chiếu sáng và trang trí, càng làm cho khu vực xung quanh quảng trường thêm đẹp và sôi động. Tại Quảng trường năm nay có dựng biểu tượng linh vật Kỷ Hợi mang ý nghĩa sung túc, sum vầy, cùng trưng bày một số loài hoa đẹp, tiểu cảnh, triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đất nước, con người Bình Định”... nên thu hút đông hơn người dân và du khách tập trung tại khu vực này.
Lượng người đổ xô về tham quan, du xuân, chụp ảnh mỗi lúc một đông. Ảnh Ngọc Nhuận
Khá nhiều người nước ngoài tham gia trẩy hội, một số người là dâu, là rể, người thân tại Bình Định và tỉnh lân cận, cũng không ít người là khách du lịch. Anh Lê Tân (quê gốc Sông Cầu - Phú Yên, hiện định cư ở Mỹ) quyết định đón năm mới tại Quy Nhơn cùng vài người bạn, trong đó có bạn gái người Anh lần đầu tiên đón Tết cổ truyền Việt Nam, cô tỏ ra hào hứng khi được đặt chân đến khám phá TP Quy Nhơn - Bình Định trong những ngày sôi động này. Còn chị Anna (24 tuổi, người Nga) cùng chồng và cậu con trai 2 tuổi đã chọn ghé chơi Quy Nhơn đúng vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Trong không khí Quy Nhơn tưng bừng tổ chức Dạ hội giao thừa, Anna vui vẻ cho biết: “Tôi thích không khí Tết cổ truyền Việt Nam ở Quy Nhơn. Mọi người ở đây rất hòa đồng, vui vẻ, họ cùng nhau chào đón năm mới thật thân thiện, sum vầy”.
Du khách nước ngoài vui vẻ ở Quảng trường Nguyễn Tất Thành chờ xem pháo hoa vào lúc gần 24 giờ đêm giao thừa. Ảnh Hoài Thu
Cùng với đó, trên những tuyến đường vào thành phố, người dân các huyện cũng nô nức về đón giao thừa tại Quy Nhơn. Rất dễ dàng để có thể nhận ra nhiều người đến từ Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, đa số họ đi cùng gia đình, bạn bè và có nhiều cặp yêu nhau chọn Dạ hội đón giao thừa là nơi hò hẹn. Bạn Nguyễn Anh Nhật (23 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) chia sẻ: “Nhiều năm gần đây tôi thường cùng bạn bè đến tham gia lễ hội đón giao thừa tại Quy Nhơn, nhiều đứa đi học xa, làm xa muốn đón giao thừa cùng đông đảo mọi người. Tôi cũng vậy vì ở Quy Nhơn không chỉ có chương trình nghệ thuật mà còn nhiều hoạt động khác như bắn pháo hoa, xem triển lãm”.
Cầu Thị Nại lung linh về đêm trong những ngày cận Tết. Ảnh Ngọc Nhuận
Hòa cùng niềm vui, chị Lê Thị Bích Hòa (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) vừa có nhà mới ở Quy Nhơn, nên năm nay vợ chồng chị quyết định đón năm mới tại đây. Chị Hòa vui vẻ cho biết: “Đón Tết ở Quy Nhơn chắc chắn là khác ở quê rồi, ở đây không khí vui tươi, náo nhiệt và có nhiều hoạt động hơn. Gia đình tôi cùng nhau đón giao thừa tại Quy Nhơn rồi mai (mùng 1 Tết) sẽ về quê ăn Tết cùng ông bà.”.
Chợ hoa xuân luôn tấp nập người mua trong ngày 30 Tết. Ảnh Ngọc Nhuận
THẢO KHUY - HOÀI THU