Nhà sáng lập Teach For Vietnam Huỳnh Hạnh Phúc: “Tôi ước mơ mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi người”
Với mọi người, mong muốn của Huỳnh Hạnh Phúc có vẻ khá “vĩ mô” và trừu tượng. Nhưng chàng trai sinh năm 1986 này vẫn đang ngày đêm cần mẫn thực hiện, với nhiều ý tưởng đột phá, đem lại nhiều giá trị tích cực cho giới trẻ và cả những người nông dân trong thời đại 4.0.
Dự án Nông dân tí hon đang được nhiều em nhỏ hưởng ứng một cách tích cực.
Tốt nghiệp lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), năm 2004, Huỳnh Hạnh Phúc theo học khoa Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Quốc tế - thuộc hệ thống Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ra trường năm 2008, anh làm cho hãng Intel từ năm 2008 đến 2009. Sau đó nghỉ việc, tham gia một số công việc tình nguyện và tổ chức các lớp học tiếng Anh và GMAT, tài chính trong quá trình tìm kiếm học bổng du học. Được học bổng toàn phần Đại học Missouri (Mỹ), từ cuối năm 2011 đến 2013, Phúc hoàn thành chương trình thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA). Tiếp đó, anh được học bổng (tài trợ học phí) của Đại học Harvard (Mỹ) và hoàn thành năm 2015 (chương trình thạc sĩ về chính sách công, MPP). Từ tháng 10.2015, anh bắt đầu sáng lập Teach for Vietnam (Giảng dạy vì Việt Nam), trở thành một thành viên của mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach for All vào tháng 2.2017.
Tết cũng… làm dự án
- Chào anh, ăn tết ngay trên chính quê hương của mình có làm anh nhớ về những dịp còn “lưu lạc” ở xứ cờ hoa?
Khi còn học ở Mỹ, tôi có tham gia với Hội Sinh viên Việt Nam tại Mỹ. Nhờ đó, tôi cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn trong dịp tết. Tôi và mọi người cùng được ăn bánh chưng, được lì xì cho các cháu bé là con của các anh chị du học sinh; được chơi một số trò chơi dân gian Việt Nam, được giới thiệu tết và món ăn Việt với cộng đồng du học sinh quốc tế và họ rất thích. Với tôi, tết là dịp rất đặc biệt để nhớ lại một năm đã qua.
- Và tết năm nay anh đã chuẩn bị những điều đặc biệt gì?
Nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Teach for Vietnam khởi động chiến dịch Lì xì hạt giống củ cải đỏ nhằm mục đích gây quỹ cho dự án Nông dân tí hon để xây dựng vườn rau 4.0 cho trẻ em ở Tây Ninh. Chương trình cũng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tình yêu thiên nhiên thông qua hoạt động "Gieo hạt giống - dậy niềm tin - lan tỏa yêu thương".
10.000 bì hạt giống kèm với 90.000 bao lì xì đã được chúng tôi thực hiện, với sự tài trợ của Lãnh sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ExxonMobil, Avery Dennison, Lavifood và hai nhà tài trợ phi tài chính là GreenEdu (hỗ trợ về mặt tư vấn và định hướng triển khai dự án) và Intel (hỗ trợ chương trình STEM).
Sở thích đạp xe đem lại cho Huỳnh Hạnh Phúc nhiều trải nghiệm thú vị.
- Anh có sở thích đặc biệt là đạp xe, đó là vì muốn rèn luyện sức khỏe hay có ý nghĩa gì khác?
Đạp xe đạp giúp tôi rèn luyện sức khỏe, và hơn thế thấy cuộc sống hạnh phúc từ những điều đơn giản nhất. Tôi đạp xe đi học từ cấp 1, 2, 3, rồi đạp xe đi học ở Đại học (làng đại học Thủ Đức). Sau đó là đạp xe đến trường trong những ngày nắng và cả những ngày tuyết rơi lạnh lẽo âm độ ở Mỹ, đạp ở những cung đường hoa nở và suối chảy khi xuân về. Đi xe máy hay đi xe hơi không thể cảm nhận được vẻ đẹp ấy. Về Việt Nam thì tôi đạp xe đi làm và thỉnh thoảng đạp đi xa hơn (ví dụ cách đây vài năm là đạp từ TP Hồ Chí Minh về đến Khánh Hòa, khi mệt rồi thì lên xe khách về Quy Nhơn ăn tết). Đạp đường dài cũng thấm mệt, nhưng đạp với những người bạn, ăn những món đơn giản và được đặt lưng nằm xuống vào cuối ngày là một cảm giác rất “đã”.
Hào hứng hướng về cộng đồng
Trở về Việt Nam, Huỳnh Hạnh Phúc làm một thời gian ngắn cho một khởi nghiệp về ứng dụng đặt xe ở Đông Nam Á (với mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng). Nhưng không lâu sau đó anh lại chọn cho mình hướng đi khác. Phúc đang thực hiện nhiều dự án khác hướng về cộng đồng, nhất là với nông dân, nông thôn tại nhiều địa phương trên cả nước.
- Việc từ bỏ một công việc đáng mơ ước đối với nhiều người (ít nhất là về mặt thu nhập) để tham gia vào hoạt động hướng về cộng đồng có phải là một quyết định mạo hiểm?
Tôi không thích việc phải suy nghĩ ra những cách để “triệt hạ đối thủ”. Ban đầu, gia đình cũng khá lo lắng cho tôi, nhưng khi đã hiểu được công việc hiện tại thì mọi người rất ủng hộ.
Với tôi, chi phí sinh hoạt trong một tháng ví dụ 20 triệu đồng, mà mình có thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng là được rồi, có nhiều hơn cũng không để làm gì. Trước đây, có tháng tôi làm từ thiện, giúp đỡ người khác vài chục triệu đồng. Mỗi năm, vì lý do công việc hay dự các hội thảo, tôi đi nước ngoài đến gần chục lần. Vậy nên tôi không có nhu cầu du lịch nước ngoài. Ở môi trường mới, tôi được làm công việc mình yêu thích, vẫn được trả lương, dù có thấp hơn công việc cũ. Nhưng điều quan trọng nhất là khi mỗi tối tôi đi ngủ, cảm thấy nhẹ nhõm, hài lòng là tuyệt vời rồi.
Khác với những “tình nguyện viên”, hay những người làm các công việc mang tính cộng đồng khác, các thành viên trong nhóm của chúng tôi vẫn được trả lương theo năng lực. Dẫu có thấp hơn đôi chút so với vị trí tương đương ở các doanh nghiệp, nhưng bù lại, các bạn được học hỏi nhiều điều mới mẻ và hoàn thiện mình hơn qua các hoạt động. Còn với tôi, khi cho đi thì mình sẽ nhận lại được rất nhiều, điều đó luôn làm tôi hạnh phúc.
Huỳnh Hạnh Phúc trình bày ý tưởng về Teach for Vietnam tại tỉnh Bến Tre.
- Anh đang chuẩn bị vận hành Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam, khi chính thức hoạt động nó sẽ đem lại điều gì?
Doanh nghiệp xã hội là một xu hướng phát triển bền vững, giúp tác động bền vững đến cộng đồng, nhưng đồng thời có cơ chế tài chính bền vững để giúp đi được xa hơn. Doanh nghiệp xã hội hiện tại đang là một xu hướng mới nhưng rất được quan tâm trên thế giới. Nhưng việc “chạy” các doanh nghiệp xã hội cũng có nhiều vất vả và rủi ro, đó chính là việc vừa phải đảm bảo sứ mệnh xã hội, vừa phải “kiếm tiền” như những doanh nghiệp bình thường. Vậy để doanh nghiệp xã hội và các ý tưởng mới có cơ hội thử sai, thì việc thành lập nên các quỹ từ thiện, xã hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp xã hội rất quan trọng. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, số lượng doanh nghiệp xã hội còn rất ít vì rất khó khăn. Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam của tôi mong muốn đồng hành và tạo điều kiện giúp cho thật nhiều doanh nghiệp xã hội ra đời, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, và phát triển bền vững. Quỹ cũng tiếp cận với các doanh nghiệp lớn và các quỹ quốc tế để xin tài trợ. Từ đó, Quỹ sẽ tài trợ lại cho các doanh nghiệp xã hội và tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo giúp cho các doanh nghiệp xã hội này phát triển.
- Anh đang thực hiện rất nhiều dự án, vậy mục đích chung nhất của các dự án là gì?
Mang lại một cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người là ước mơ của tôi. Do đó, tôi cùng những đồng sự thực hiện các lớp học tiếng Anh và GMAT cho các bạn không có điều kiện tài chính để có thể đi du học; triển khai chương trình giảng dạy cho mọi trẻ em ở vùng nông thôn Việt Nam có cơ hội tiếp cận với kiến thức hiện đại trên thế giới; hay chương trình đào tạo cho những người nông dân và xây dựng hệ sinh thái nông thôn, hướng đến chuỗi giá trị để họ có thể bán hàng ra thị trường, thoát khỏi cảnh được mùa mất giá.
- Đâu là những khó khăn anh gặp phải khi triển khai Teach for Việt Nam?
Teach for Vietnam là một dự án giáo dục phi lợi nhuận. Mục đích của dự án là thiết kế các chương trình giảng dạy vừa truyền tải kiến thức chuyên môn lẫn đào tạo các kỹ năng mềm, truyền cảm hứng cho người học. Giáo viên chương trình là những bạn trẻ tài năng, nhiệt huyết và giảng dạy các môn học theo khung của Bộ Giáo dục. Điểm quan trọng nhất là dự án hướng tới người học là trẻ em ở những vùng khó khăn nên chương trình hoàn toàn miễn phí cho người học.
Huỳnh Hạnh Phúc (giữa) cùng các bạn tại Đại học Harvard (Mỹ).
Chương trình gặp rất nhiều khó khăn ở giai đoạn khởi đầu như: tuyển dụng nguồn nhân lực, với đối tượng là các bạn trẻ giỏi về khu vực nông thôn dạy học và công tác ở cộng đồng, bản thân chương trình phải đủ mạnh và hấp dẫn với các bạn. Khó khăn ở khâu vận động các chính sách để mở cánh cửa đưa giáo dục STEM (STEM là viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Maths (toán học)) vào trong hệ thống giáo dục chính quy; khó khăn ở khâu gây quỹ và tìm kiếm thêm doanh thu để có thể bền vững về tài chính, hoạt động được lâu dài; khó khăn trong việc lan tỏa ra những nơi rất xa xôi, kể cả những vùng rất gần biên giới và cần phải có hệ thống hỗ trợ tốt để các bạn khỏi nản chí. Như tại Tây Ninh, chúng tôi mất gần một năm rưỡi để thiết lập, xây dựng hệ thống, tài chính và thuyết phục tỉnh Tây Ninh cho phép triển khai thí điểm. Nhưng đến nay, đã có hơn 5.000 học sinh cùng nhiều giáo viên tại đây được hưởng lợi từ chương trình. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục triển khai những công việc tiếp theo.
“Ở đâu cũng có cơ hội cho mình nắm bắt”
Ngay trong lần đầu tiếp xúc, tôi đã cảm nhận được nhiều ấn tượng tốt về Huỳnh Hạnh Phúc. Cách ăn mặc giản dị, lối nói chuyện thân thiện, cởi mở và tư duy mới mẻ. Đặc biệt, dường như nguồn năng lượng trong chàng trai 33 tuổi này không bao giờ cạn, khi anh luôn muốn hướng về phía trước với hàng loạt dự án mới.
- Anh đã thực hiện Teach for Vietnam tại Tây Ninh, đang tiếp tục triển khai dự án này tại Bến Tre và một số tỉnh thành khác nữa. Vậy có dự án nào được thực hiện tại quê hương mình trong thời gian tới không?
Tôi muốn xây dựng một trung tâm khoa học công nghệ STEM để thúc đẩy tinh thần học tập sáng tạo, tích hợp liên môn, học qua thực tiễn. Từ đó, mọi học sinh đều có thể hiểu rõ được 4.0 không phải là thứ cao siêu mà rất gần gũi. Mọi giáo viên trong hệ thống trường công sẽ được đào tạo về tinh thần 4.0 và mọi học sinh phải được học để chuẩn bị cho tương lai.
Để làm được điều này, cần có một thư viện với một số máy móc thiết bị, sách và các công cụ. Ví dụ ở Singapore có Trung tâm khoa học thu hút rất nhiều học sinh, cha mẹ và giáo viên vào tham quan, nghiên cứu. Tỉnh Bình Định nên có một không gian như vậy ở trung tâm TP Quy Nhơn. Tổ chức Teach for Vietnam sẵn sàng kêu gọi đầu tư sắm sửa một số trang thiết bị như vậy cho trung tâm.
Huỳnh Hạnh Phúc vui vẻ chia sẻ về dự án Nông dân tí hon.
- Nhiều bạn trẻ khi đã được học tập, làm việc tại nước ngoài thì thường không thích về Việt Nam vì ngại không có chỗ để ứng dụng kiến thức của mình. Bên cạnh đó, một số bạn cho rằng cơ chế ở Việt Nam chưa thông thoáng, kìm hãm sự phát triển của cá nhân. Vậy lý do gì anh cùng các bạn lại trở về và thực hiện ngày càng nhiều dự án vì cộng đồng?
Tôi tin rằng ở đâu cũng có nhiều cơ hội để mình nắm bắt. Tôi chọn quay về Việt Nam vì nghĩ mình sinh ra và lớn lên ở đây, hiểu được văn hóa “nước mắm” của người Việt Nam mình, nên rất thuận lợi để có thể áp dụng những điều mà mình học được và tinh chỉnh nó sát với thực tế. Đúng là nhiều cơ chế còn chưa thông thoáng và tâm lý ngại thay đổi, nhưng tôi thấy được tín hiệu rất lạc quan từ những lãnh đạo cao nhất. Dự án vì cộng đồng thì ở Việt Nam cũng đã có nhiều, nhưng dự án vì cộng đồng bền vững ở tầm vóc lớn kết hợp để xây dựng hệ sinh thái thì còn rất ít, tủn mủn, ngắn hạn. Tôi muốn khắc phục nhược điểm này.
- Có điều gì anh muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ để họ có thể thành công hơn trong bước đường tương lai?
Tôi thấy các bạn trẻ thông minh và nhiều nhiệt huyết. Đối với tôi, khi nhìn lại, tôi thấy mình “tò mò” để làm tốt hơn, tò mò để bước tiếp lên những nấc thang tiếp theo chứ không thỏa mãn với những thứ mình đang làm hay đã có. Mỗi một ngày luôn có nhiều thử thách khi bắt đầu thức dậy. Ta hãy làm gì để thế giới này tốt đẹp hơn ngày hôm qua? Ta đã có đủ điều kiện để làm việc này chưa? Ta cần phải xây dựng và vận động những nguồn lực nào? Ta cần phải học thêm gì để bắt kịp với thế giới đang thay đổi quá nhanh. Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn là hãy tìm một điều gì đó mới để học mỗi ngày, và lấy cảm hứng từ cuộc sống làm la bàn cho sứ mệnh của cuộc đời.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh thật nhiều sức khỏe để thực hiện tốt những dự án của mình!
LÊ CƯỜNG (thực hiện)