Đầu xuân trẩy hội Chợ Gò
Đã thành điểm hẹn, đến mùng Một Tết Nguyên đán, người dân khắp nơi lại nô nức sắm sửa, chuẩn bị vui xuân ở Hội Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước). Đến Chợ Gò, điều mà mọi người có thể dễ dàng cảm nhận được là nét vui tươi, nhẹ nhàng của người mua bán lẫn người dự hội. Dần dần, nét đẹp này trở thành điểm riêng cuốn hút cho phiên Chợ.
Mua bán trầu cau tại Chợ Gò. Ảnh: THẢO KHUY.
Lời hẹn Chợ Gò
Là một trong 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam, Chợ Gò đã trở thành “niềm thương nỗi nhớ” đầu xuân của người dân huyện Tuy Phước và khách thập phương. Vậy nên dân gian mới có câu ca dao: “Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò/ Chợ Gò là Chợ hẹn hò...”.
Ở Chợ Gò, trầu, cau, muối, rau muống, quả sung là những sản phẩm được bày bán nhiều nhất với ý nghĩa cầu may, cầu lộc. Không ít người tham gia buôn bán đã gắn bó với phiên Chợ này gần cả quãng đời. Cô Nguyễn Thị Ý (65 tuổi, người thị trấn Diêu Trì), người bán trầu cau tại Chợ Gò gần 20 năm chia sẻ: “Chợ Gò là phiên chợ truyền thống của quê hương, năm ngoái vì bị đau chân nên tôi không tham gia được, tôi nhớ lắm. Năm nay trời cho sức khỏe mạnh giỏi, tôi lại đi hội Chợ Gò, biết rất đông người nên từ chiều hôm trước tôi đã chọn chỗ ngồi bán ở đây, sáng nay dễ dàng vui hội cùng mọi người”.
Tò he được em nhỏ và phụ huynh rất quan tâm. Ảnh: THẢO KHUY.
Tiết trời đầu năm nắng ươm vàng dễ chịu, du khách xúng xính áo hoa, má phấn cùng nhau trẩy hội vui xuân, trên môi ai cũng tươi thắm nụ cười. Đến Chợ từ khá sớm, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Mơ (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) cùng nhau tham quan các gian hàng và dừng chân tại hàng bán trầu cau của một cụ bà để mua lộc đầu năm. Chị Mơ cho biết: “Chợ Gò là lễ hội truyền thống của huyện Tuy Phước và trẩy hội Chợ Gò đầu năm là truyền thống của gia đình tôi. Dù đang sinh sống làm việc ở Quy Nhơn nhưng Tuy Phước là quê gốc của chúng tôi, cứ sáng mùng Một Tết, gia đình 3 thế hệ cùng nhau xin lộc đầu năm ở Chợ Gò, đồng thời đây cũng là cách để con cháu biết đến và giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương mình”.
Khu vui chơi của các em nhỏ. Ảnh: THẢO KHUY.
Tại Chợ Gò, nếu chịu khó dạo, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều người ở xa như TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắk Lắk... với nhiều câu chuyện rất thú vị. Cùng con dâu đi dạo Chợ Gò, cô Nguyễn Lệ Thúy (ở Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, quê gốc ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) vui vẻ giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của phiên Chợ Gò. Theo cô Thúy, Chợ Gò là phiên chợ đặc biệt, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, trách nhiệm của cô là phải dạy dỗ con mình biết về nét đặc sắc của quê hương. Ngoài xin lộc đầu năm, Chợ Gò còn có hội đánh bài chòi, đánh cờ người rất đặc sắc. Tiếp lời mẹ, chị Nguyễn Trần Nguyên Ly (quê Đắk Lắk, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) cảm thấy rất hào hứng với phiên Chợ, chị cho biết chưa từng thấy phiên chợ nào đặc biệt như thế bao giờ.
Sôi nổi hội thi đánh cờ người tại Chợ Gò. Ảnh: VĂN LƯU.
Đâu chỉ là xin lộc
Theo thời gian, Chợ Gò không chỉ có trầu, cau... mà tại đây những sản vật của địa phương như rau, tôm, cá, thịt... cũng được bày bán rất nhiều. Đặc biệt, khác với những phiên chợ thường, sản phẩm được bày bán tại Chợ Gò luôn tươi ngon nhằm vui lòng người bán, được lòng người mua. Cùng với đó, để phù hợp với cuộc sống hiện đại, Chợ cũng tự thay đổi để thu hút nhiều độ tuổi tham gia. Góp mặt trong phiên Chợ Gò năm nay là những gian hàng vui chơi như tô tượng, xếp hình, nhảy ngựa và tò he... làm nên khoảng trời trẻ thơ cho các em.
Chương trình văn nghệ đầy màu sắc tại Chợ Gò. Ảnh: VĂN LƯU.
Tiếng trống dồn dập của chương trình biểu diễn võ thuật do Trung tâm VH - TT - TT huyện Tuy Phước tổ chức đưa người dự hội miên man nhớ về nguồn cội. Ngày ấy, dưới chân núi Hàm Long, bên bờ sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại, Chợ Gò nơi quân sĩ Tây Sơn và nhân dân vui chơi những ngày Tết cho vơi nỗi nhớ nhà. Và ngày nay, nối tiếp niềm tự hào, Chợ Gò trở thành nơi giới thiệu nhiều di sản, nét đẹp văn hóa truyền thống cho người dân và du khách như: Hội đánh bài chòi cổ, biểu diễn võ cổ truyền, hội thi đánh cờ...
Hội thi đánh bài chòi dân gian. Ảnh: VĂN LƯU.
Theo ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH - TT - TT huyện Tuy Phước, Lễ hội được hình thành dưới thời Hoàng đế Quang Trung, huyện cố gắng khôi phục, giữ gìn. năm 2018, được sự đồng ý của UBND tỉnh, huyện phối hợp với Sở VH - TT làm hồ sơ trình xét duyệt Chợ Gò là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nếu được công nhận, lễ hội Chợ Gò sẽ có điều kiện được đầu tư, du khách biết đến nhiều hơn.
THẢO KHUY