Gác nỗi buồn khi đón Tết xa nhà
Với nhiều lao động ở làng biển xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đang xuất khẩu lao động tại nước ngoài thì họ phải nén lại nỗi lòng, ngậm ngùi đón tết nơi xứ người trong mỗi độ Tết đến, xuân về.
Anh Phạm Minh Đường, hiện đang làm việc tại Đài Loan, tự tập trung bạn bè rồi tổ chức chế biến, liên hoan với những món ăn theo phong cách ẩm thực của quê nhà. (ảnh nhân vật cung cấp).
Thời khắc giao thừa đã đến, khắp nơi trên đất nước rộn ràng không khí đón Tết. Song, với nhiều lao động ở Nhơn Hải hiện đang làm việc tại các quốc gia, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… họ vẫn đang miệt mài làm việc trong các nhà máy, công xưởng nơi xứ người. Anh Phạm Minh Tây, ở thôn Hải Bắc, hiện đang làm việc tại tỉnh Osaka (Nhật Bản), chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi xa nhà và phải đón Tết ở xứ người. Buồn lắm chứ! Nhưng cũng phải cố kìm nén để tập trung làm việc”. Anh Tây cho hay, ở Nhật Bản người dân đón tết cổ truyền theo Tết dương lịch, Tết cổ truyền ở Việt Nam không phải ngày nghỉ nên tôi vẫn làm việc bình thường. “Công ty cũng cấp cho mỗi phòng (gồm 2 người Việt) một cái bánh chưng làm quà Tết theo phong tục của người Việt. Nhìn cái bánh chưng mà anh em ai cũng không cầm được nước mắt vì nhớ Tết Việt quá chừng!”, anh Tây bộc bạch.
Cũng đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, anh Nguyễn Văn Tôn, ở thôn Hải Nam, làm việc tại tỉnh Chiba, cho hay: “Do không phải ngày nghỉ, anh em đồng hương Nhơn Hải đã tổ chức nấu nướng, liên hoan đón Tết sớm vào mấy ngày trước theo lịch nghỉ của công ty. Tối qua là giao thừa bên mình rồi, mọi người đi làm về thì gọi điện nói chuyện với người thân nơi quê nhà!”.
Anh Nguyễn Văn Tôn, đang làm việc tại Nhật Bản tự tổ chức liên hoan, vui chơi đón Tết sớm. (ảnh nhân vật cung cấp).
Còn anh Nguyễn Thành Trung, ở thôn Hải Đông, hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, cho hay: “Người dân Hàn Quốc cũng đón Tết cổ truyền theo phong tục riêng trong dịp này, nhưng Tết của họ thấy bình thường lắm, không mang đậm bản sắc như người Việt chúng ta. Tôi chỉ được nghỉ 1 ngày, nên cũng tranh thủ tập trung bạn bè để có dịp ngồi lại với nhau tâm sự cho đỡ nhớ nhà trong dịp Tết đến, xuân về”.
Cũng như nhiều lao động khác, anh Phạm Minh Đường, ở thôn Hải Nam, hiện đang làm việc tại Đài Loan, không giấu được niềm xúc động khi được chúng tôi hỏi thăm về không khí đón Tết của những lao động tại đây. “Lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Cảm giác khó diễn tả vô cùng, mặc dù bên đây cũng đón Tết cổ truyền như bên mình, nhưng anh em vẫn “thèm” cái Tết ở quê nhà hơn. Lao động người Việt được cho nghỉ 3 ngày để đón Tết. Chúng tôi tập trung lại rồi tự tổ chức bữa tiệc nhỏ được chế biến theo ẩm thực của quê mình”.
Tranh thủ được nghỉ 1 ngày Tết ở Hàn Quốc, anh Nguyễn Thành Trung cùng bạn bè đồng hương tổ chức bữa tiệc nhỏ để có dịp gặp gỡ tâm sự cho vơi nỗi nhớ nhà khi Tết đến. (ảnh nhân vật cung cấp).
Theo ông Ngô Đức Tình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, 10 năm trước, ở xã chỉ có vài trường hợp đi xuất khẩu lao động. Những lao động này sau khi về đã có cuộc sống ổn định hơn, từ đó “kéo theo” nhiều người khác tham gia xuất khẩu lao động. Vài năm trở lại đây, phong trào xuất khẩu lao động ở địa phương phát triển mạnh, các gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động đều có cuộc sống khá giả, có người về rồi đăng ký đi tiếp, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống của người dân địa phương.
“Nói vậy chứ, ở Việt Nam mà cho dù có đi làm ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... gì đi nữa thì Tết đến ai cũng muốn được trở về nhà để đón Tết bên gia đình, huống hồ gì những con em ở địa phương đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình, họ phải tạm gác lại nỗi buồn để được đón những cái Tết sung túc hơn, đầm ấm hơn trong tương lai”, ông Tình chia sẻ.
Ngọc Nhuận