Trò chuyện đầu năm cùng họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên, tác giả biểu tượng linh vật Kỷ Hợi năm 2019:
Chú trọng tạo ra không gian đầm ấm, sum vầy
Sau Lễ khánh thành biểu tượng linh vật Kỷ Hợi năm 2019 vào chiều 30.1, Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) luôn tấp nập những đoàn người đến chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm với linh vật. Chia sẻ về những nét riêng của linh vật phố biển năm nay, tác giả Phan Vĩnh Nguyên cho biết, ngay từ lúc khởi phác ý tưởng, anh đã không chủ trương bám quá nhiều vào những hình tượng đã có mà chú trọng tạo ra một gia đình Heo dễ thương, gần gũi, vui vẻ, đầm ấm đúng với chủ đề hướng đến là Tết sum vầy.
Họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên.
* So với năm 2017 khi anh cùng ê kíp thực hiện cặp Gà "khủng" trong năm Đinh Dậu, thì lần làm gia đình Heo này anh có thấy hài lòng hơn không?
Đúng là lần làm cặp Gà "khủng" tạo được âm hưởng tốt quá nên lần này, tôi và ê kíp đã gặp không ít áp lực; trong khi đó, thời gian thực hiện lại không thong thả lắm - chỉ khoảng 1 tháng. Tạo hình chú gà trống có bộ lông nhiều màu sắc sặc sỡ dễ thu hút hơn những chú heo chỉ có thuần một màu hồng hoặc vàng. Một số đồng nghiệp của tôi ở những tỉnh, thành khác đã chọn cách làm phỏng theo một mô hình nào đó; riêng tôi và ê kíp lại chú trọng tính mới, sáng tạo nhiều hơn. Trong quá trình tạo hình con vật, chúng tôi lồng một ít họa tiết của tranh Đông hồ kết hợp một số họa tiết nhỏ của tuồng Bình Định với mong muốn những chú heo của Bình Định vừa giống như thật nhưng cũng dễ thương, duyên dáng và đáng yêu.
Sau khi linh vật được trưng bày, cá nhân tôi cảm thấy khá hài lòng. Tôi nói "khá" là bởi còn có "tham vọng" làm cho quần thể linh vật này hoành tráng hơn nữa với nhiều mô hình xung quanh thể hiện đặc trưng của miền đất Võ trời Văn như cụm mô hình về bài chòi, các thế võ, mặt nạ tuồng, rượu bầu đá…
Bên cạnh việc chăm chút phần tạo hình, họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên và ê kíp còn tạo ra không khí gia đình Heo vui vẻ, đầm ấm.
* Rất nhiều du khách đến Bình Định đều ấn tượng với không gian tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn). Dù vậy, theo giới chuyên môn, chính vì Quảng trường có không gian đẹp nên việc thực hiện nghệ thuật sắp đặt tại đây không hề dễ dàng. Anh và ê kíp chắc hẳn đã gặp không ít khó khăn…
Có nhiều chớ chị. Khi làm linh vật ở mức độ nhỏ, chẳng hạn làm theo tỷ lệ 1:1 hay kích cỡ giống như thật, chúng tôi kiểm soát không gian dễ hơn nhiều. Còn khi chị phải phóng to ra gấp 10 thậm chí là 20 lần so với kích thước thật rồi lại mang đặt vào một không gian mở, những chú Heo ấy không còn được nhìn theo một hướng nữa. Tôi từng tham gia vào ê kíp thực hiện một số linh vật ở Đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) trong những năm qua và nhận thấy, ngay cả đường hoa nổi tiếng này cũng chỉ là một trục đường dài 720 mét nằm giữa hai tuyến phố, họa sĩ chỉ cần bố trí những cụm mô hình nho nhỏ thì sẽ đảm bảo bao quát được toàn bộ không gian. Còn không gian ở đây thì tất cả các hướng đều dồn vào trung tâm hết; nếu xử lý không khéo, sẽ dễ lộ ra những "góc chết". Chẳng hạn, phía sau linh vật tôi bố trí những chiếc thẻ bài chòi hình quạt vì muốn hạn chế góc chụp hình không đẹp (phần mông của Heo). Đó là một cách lấp đi những phần khuyết điểm của không gian lớn.
Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) luôn tấp nập những đoàn người đến chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm với linh vật.
* Được biết, biểu tượng linh vật Kỷ Hợi năm 2019 của Bình Định đang đạt "kỷ lục" về chiều cao và số lượng thành viên trong gia đình Heo…
Họa sĩ Phan Vĩnh Nguyên hiện là Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Đức Nhân (TP Quy Nhơn). Theo khảo sát sơ bộ những ngày qua, đa số người dân và du khách đều cảm tình với biểu tượng linh vật Kỷ Hợi. Sáng 3.2 (29 Tết), ông Đặng Thành Tâm ở Quy Nhơn đã đưa cả gia đình 13 người ra Quảng trường Nguyễn Tất Thành chụp hình dưới biểu tượng linh vật Kỷ Hợi. Ông Tâm tỏ ra tâm đắc với chủ đề Tết sum vầy cùng biểu tượng đầy ý nghĩa, bởi theo ông chia sẻ thì Tết Nguyên đán hàng năm là dịp gia đình ông tập hợp đông đủ nhất con cháu, dâu rể ở xa về.
Với chị Lê Thị Kiều ở Hà Nội thì những chú Heo rực rỡ mùa xuân tại cụm linh vật rất ấn tượng. Tết đến, tỉnh Bình Định có một linh vật đẹp để người dân và du khách đến chụp hình kỷ niệm là rất cần thiết, ý nghĩa. Chị Kiều cho biết, mình và gia đình đã đi du lịch nhiều nơi trong nước nhưng chưa thấy nơi nào có quảng trường với không gian rộng, sáng, xanh, địa thế gần biển, núi, ở ngay trung tâm như tại thành phố biển Quy Nhơn…
Theo thăm dò của tôi qua các phương tiện thông tin đại chúng và từ đồng nghiệp quen biết thì đúng như vậy. Tổng chiều cao của linh vật Bình Định (từ dưới đất lên điểm cao nhất) là hơn 6 mét và cũng chưa thấy có cụm gia đình Heo nào đông đến 11 con trong tết này. Tất cả thành viên gia đình Heo đều được làm bằng xốp, sân khấu được gia cố bằng hệ thống khung sắt đảm bảo độ chịu lực và tác động của gió biển giữa không gian rộng lớn của quảng trường.
Tôi cùng các anh em trong ê kíp đã chủ ý tạo hình Heo bố nghếch mặt lên cao - hình tượng này có chút dáng dấp của một con heo rừng vì muốn hình tượng ấy tỏ rõ sự oai vệ trong hành động bao quát xung quanh, bảo vệ đàn con của mình; trong khi đó, Heo mẹ đứng bên khép nép hơn một chút. Chúng tôi cũng chủ ý tạo ra một gia đình Heo với nhiều biểu cảm như chỗ này có chú Heo con bị té sấp mặt, chỗ kia hai anh em Heo đang tám chuyện…
Thật ra, bên cạnh việc chăm chút phần tạo hình, quyết định chú trọng đến không khí gia đình Heo được nhiều đồng nghiệp đánh giá là một "sự mạo hiểm" vì chưa biết hiệu ứng sau khi đưa ra trưng bày sẽ như thế nào. Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện ý đồ ban đầu bởi vì nếu làm được vậy thì gia đình Heo ở Bình Định mới có nét riêng, độc đáo, không trùng, lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Tôi và ê kíp hy vọng, mọi người yêu thích gia đình Heo tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn. Cũng nhân đây, vì trong phong thủy thì Heo là biểu tượng cho sự may mắn, thịnh vượng, khả năng sinh sản tốt, chúng tôi cầu chúc tất cả mọi người một năm mới an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc vạn sự như ý.
Xin cảm ơn anh!
NGỌC TÚ