Di chúc Hồ Chí Minh - văn kiện lịch sử vô giá đậm hơi thở đổi mới
Ngồi bên mâm cỗ, hưởng không khí của mùa xuân, đọc tờ báo Tết, chúng ta lại bồi hồi, xúc động nhớ về Bác Hồ muôn vàn kính yêu, người dành trọn cả cuộc đời vì nước, vì dân. Nửa thế kỷ trước, sau gần mười năm trăn trở về sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là hơn 4 năm từ năm 1965 đến năm 1969, với tinh thần trách nhiệm cao trước Tổ quốc, dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một văn kiện lịch sử vô giá, một tài liệu đặc biệt ý nghĩa, mang hơi thở đổi mới sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi.
Không coi là một văn bản của một người sắp đi xa, Người chọn dịp mừng sinh nhật từ 75 đến 79 tuổi (1965-1969) để viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, “mấy lời” như một “lá thư” phòng khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, không muốn cho đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng cảm thấy đột ngột.
Bản Di chúc vạch ra một lộ trình từ cuộc kháng chiến chống Mỹ đến kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa sau chiến tranh. Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh xâm lược ở cả hai miền Nam, Bắc, nhưng Bác vẫn có niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc chống Mỹ, cứu nước. Di chúc nhận định “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người, nhân dân dù phải kinh qua gian khổ nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bản Di chúc cho thấy một tầm nhìn xa trông rộng, một dự báo chiến lược thiên tài về niềm vinh dự của dân tộc Việt Nam “là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.
Bao trùm và xuyên suốt như là sợi chỉ đỏ của bản Di chúc là những tư tưởng lớn về xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới. Không bàn nhiều về quá khứ, Di chúc suy nghĩ về xây dựng đất nước, thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh theo tinh thần “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Đánh giá cao phẩm chất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù và lòng tuyệt đối trung thành với Đảng của nhân dân, Bác yêu cầu “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”... Để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, bản Di chúc nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng. Di chúc viết năm 1965 đặt vấn đề “trước hết nói về Đảng”, khẳng định bản chất của Đảng là đoàn kết và một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc nên đã thực hiện được vai trò to lớn của Đảng là đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Di chúc bổ sung tháng 5-1968 đề ra nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, coi đây là việc cần phải làm trước tiên.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh trăn trở với sứ mệnh cầm quyền của Đảng. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải sửa đổi lối làm việc và đề ra vấn đề chỉnh đốn Đảng. Từ những năm tháng đó, Người ý thức rất rõ về hai mặt tốt, xấu của quyền lực và mối quan hệ giữa quyền lực với đạo đức. Quyền lực có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối. Với nhận thức đó, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Cùng với sự vận động phong phú của thực tiễn cách mạng, suy nghĩ đó ngày càng chín muồi, được khẳng định và đọng lại trong Di chúc. Theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện đảng cầm quyền, nội dung chỉnh đốn Đảng hàng đầu và xuyên suốt là tu dưỡng đạo đức. Người dặn lại rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh, một đảng chân chính cách mạng vì nước, vì dân, đạo đức, văn minh, vấn đề không dừng lại ở thấm nhuần đạo đức cách mạng và thực hành các phẩm chất đạo đức, mà một điều cực kỳ quan trọng là phải thật, thật sự. Thật sự là thước đo bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản, phân biệt với giả dối là bản chất của giai cấp bóc lột. Thật sự thể hiện ở việc ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Thật sự là trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Thật sự là phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Bản Di chúc cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đất nước theo tinh thần đổi mới, đầu tiên là công việc đối với con người. Ngay sau cách mạng thành công, Hồ Chí Minh nêu ra thông điệp là cả đời Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh, có công ăn việc làm, nhà ở. Trước lúc đi xa, Người khẳng định lại điều này trong điều kiện sau khi chiến tranh kết thúc với biết bao số phận và gia đình cần phải được quan tâm. Chăm lo cho những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình không chỉ tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, mà một điều cực kỳ quan trọng là mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ dần dần có thể “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, cần phải xây dựng vườn hoa, bia tưởng niệm để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với gia đình thương binh, liệt sĩ thì phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Đánh giá cao phụ nữ đảm đang góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ. Di chúc quan tâm đến nạn nhân của chế độ xã hội cũ bằng cách kết hợp giáo dục và pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lương thiện. Đặc biệt Di chúc đưa ra kế hoạch xây dựng và chuẩn bị lực lượng cho việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Đó là các chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng và Chính phủ phải tạo điều kiện cho họ học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đoàn viên và thanh niên - Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Bản Di chúc cho thấy con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ đồng bào ta, nhân dân ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, nhất là đồng bào nông dân, đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Đảng và Chính phủ không những phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ, mà một điều cực kỳ quan trọng là phải luôn luôn phát hiện, khai thác ở họ một xung lực của công cuộc xây dựng đất nước. Bản Di chúc dặn rằng “để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”...
Bản Di chúc toát lên “chất người” Hồ Chí Minh, một nhân cách văn hóa lớn, một thái độ nhân văn, một tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện bổn phận với dân tộc, Tổ quốc và nhân loại. Vĩnh biệt chúng ta, Người không quên dặn Đảng ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào khôi phục lại khối đoàn kết quốc tế. Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng, bầu bạn khắp năm châu. Người quan tâm làm sao tiết kiệm nhiều nhất về thời gian, tiền bạc cho nhân dân. Người nghĩ đến vấn đề môi trường, dặn dò thi hài được hỏa táng, có kế hoạch trồng cây trên đồi, cây nhiều thành rừng, tốt cho phong cảnh, lợi cho nông nghiệp.
Cảm động biết bao khi ta đọc đoạn viết “Về việc riêng”: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người chẳng có gì riêng cho mình, cái riêng của Người hòa vào cái chung của dân tộc, của Tổ quốc, của cách mạng. Hồ Chí Minh, người cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc và nhân loại là cực đại, nhưng với bản thân lại không có gì, không có một tấm huân chương trên ngực áo.
Bản Di chúc bất hủ sáng ngời tính thời sự. Thông điệp của Hồ Chí Minh vẹn nguyên giá trị, bởi vì nó không chỉ chứa đựng tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, tinh thần lạc quan của một lãnh tụ cả cuộc đời vì nước, vì dân, không dính líu gì với vòng danh lợi, mà còn hướng tới tương lai, soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua thử thách, làm nên những thắng lợi huy hoàng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PGS.TS BÙI ĐÌNH PHONG
Theo HNM