Nô nức đi lễ chùa đầu năm
Sáng 5.2 (tức mồng 1 Tết), hàng ngàn người dân trong tỉnh nô nức đi chùa đầu năm cầu mong may mắn, bình an trong năm mới.
Đi lễ chùa đầu năm mới đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Những ngày này, nhiều gia đình cùng nhau đi lễ chùa để xin lộc, thắp hương theo phong tục truyền thống trong dịp Tết đến, xuân về. Tại chùa Thiên Hưng, (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) và chùa Linh Phong (còn gọi là chùa Ông Núi) với tượng Phật ngồi (Khu quần thể Phật pháp Linh Phong) ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), hàng ngàn người dân nô nức kéo đến tham quan, đi lễ chùa.
Từ sáng sớm mùng 1 Tết, tại chùa Thiên Hưng có rất đông người dân tập trung đến dâng hương, viếng lễ Phật và cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất trong năm mới Kỷ Hợi 2019. Trong trang phục chỉnh tề, tất cả mọi người, từ người lớn đến trẻ thành tâm thắp nén hương thơm cầu nguyện thần, Phật độ trì cho bản thân, gia đình được bình yên, an lành trong năm mới. Dù có rất đông người, nhưng khu vực chánh điện của chùa vẫn rất trật tự, luôn im lặng nơi chốn thanh tịnh, thành kính dâng hương. Bên ngoài sân chùa, người người nô nức du xuân, vãn cảnh, chụp ảnh lưu niệm, ai nấy cũng vui cười rạng rỡ trong tiết trời ấm áp của ngày xuân.
Dù đã trưa nắng, nhưng tại tượng Phật ngồi (Khu quần thể Phật pháp Linh Phong) dòng người nườm nượp kéo về đây đông nghịt, chen chúc nhau bước từng bậc tam cấp để lên tới chân tượng Phật tham quan, chụp ảnh. Dưới cổng Khu quần thể Phật pháp Linh Phong, tuyến đường ĐT 639 luôn tấp nập người, xe qua lại. Cách đó khoảng 100m là chùa Ông Núi cũng thu hút hàng ngàn lượt người đến cúng, xin xăm trong ngày đầu năm mới theo phong tục.
Nhiều ngôi chùa nhỏ ở nông thôn cũng đông đảo người đến viếng. Tại chùa Thiên Sanh Thạch tự (hay còn gọi là chùa Hang - Thạch Cốc) ở xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ), trong sáng nay, người dân trong xã và các vùng lân cận kéo nhau về chùa để thắp hương, lễ Phật. Theo Đại đức Thích Nhuận Tín, Trụ trì chùa Thiên Sanh, sở dĩ chùa còn có tên chùa Hang là theo những lưu truyền kể lại vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, có người đến hang đá ở thôn Hội Khánh kiến tạo thành chùa để tu hành, gọi là chùa Hang. Ban đầu chùa còn hoang sơ, bày biện đơn giản, mãi đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và về sau thì chùa mới được tu chỉnh quy mô. Còn có truyền thuyết cho rằng, tại chùa có hai lối đi “lên trời” và xuống “âm phủ”. Phía trên bàn thờ của chùa Hang, chệch về phía tay phải có một lỗ thông hơi chính là đường “lên trời”. Phía dưới mái che của chùa có một đường hầm chạy xuống chính là đường xuống “âm phủ”. Tương truyền khi còn sống, một trụ trì của chùa là sư Nguyên Lượng có đi thử, càng đi càng thấy sâu thăm thẳm, rất khó đi nên đành quay trở lại.
Lại có lời kể, một người nọ, vì muốn kiểm chứng độ sâu của đường xuống “âm phủ”, nên gánh theo hai thúng nến để đốt lần soi đường. Nến đốt gần hết mà hang vẫn còn sâu thẳm nên đành trở về. Có người thả một quả bưởi được khắc dấu xuống hang, một thời gian sau thì có người tận cửa biển Đề Gi cách chùa hơn 20 km nhặt được quả bưởi ấy. Từ đó, người dân cho rằng cái hang này ăn thông với biển. Trải qua chiến tranh, đường xuống “âm phủ” đã bị vùi lấp.
Ngày nay, chùa Hang được biết đến bởi nơi đây là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng, vào các dịp lễ, tết đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến để tham quan.
Dưới đây là chùm ảnh Phóng viên, CTV Báo Bình Định ghi nhận không khí đi lễ chùa vào sáng mùng 1 Tết tại chùa Thiên Hưng, tượng Phật ngồi - chùa Ông Núi và chùa Hang:
Dòng người nô nức đi lễ chùa đầu năm tại chùa Thiên Hưng. Ảnh Ngọc Nhuận
Thiếu nữ viếng chùa Thiên Hưng, thành kính dâng hương lễ Phật. Ảnh Ngọc Nhuận
Nhiều gia đình đi lễ, tham quan, chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên chùa Thiên Hưng. Ảnh Ngọc Nhuận
Sân chùa Thiên Hưng tấp nập xe, người bởi dòng người đi lễ chùa mỗi lúc mỗi đông. Ảnh Ngọc Nhuận
Khu quần thể tâm linh Phật pháp Linh Phong - một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách về tham quan. Ảnh Ngọc Nhuận
Nhiều du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh khi đến tham quan tượng Phật ngồi trong ngày đầu năm mới. Ảnh Ngọc Nhuận
Các quầy bán hàng lưu niệm dưới chân tượng Phật ngồi thu hút nhiều người hành hương ghé mua. Ảnh Ngọc Nhuận
Cách tượng Phật ngồi khoảng 100m là chùa Ông Núi nổi tiếng cũng thu hút rất đông người đi lễ, xin xăm, cầu mong may mắn và bình an trong năm Kỷ Hợi 2019. Ảnh Ngọc Nhuận
Rất nhiều đôi bạn trẻ đổ về chùa Ông Núi cầu duyên. Ảnh Ngọc Nhuận
Thắng cảnh chùa Hang - nơi mang nhiều truyền thuyết huyền bí. Ảnh Văn Tố.
Theo truyền thuyết Hang đá chùa Hang có một đường lên trời và một đường xuống âm phủ. Ảnh Văn Tố.
Ngọc Nhuận - Văn Tố