Lãnh tụ và trí thức nhìn từ mối quan hệ Quang Trung - Ngô Thì Nhậm
Trong khoảng thời gian từ 1775 đến 1803, tức là từ khi Ngô Thì Nhậm đăng khoa tiến sĩ đến khi tạ thế, ông đã có dịp tiếp xúc với hầu hết vua chúa đương thời của nước ta. Họ là ai? Là Trịnh Sâm, Lê Chiêu Thống, Quang Trung Nguyễn Huệ, Cảnh Thịnh, Gia Long. Ngoài ra, Ngô Thì Nhậm còn được diện kiến Càn Long - vị hoàng đế nổi tiếng kiêu hùng của Trung Quốc. Trên những nẻo đường quanh co của số phận, ông đã cùng họ gặp gỡ, kẻ khoảnh khắc, người dài lâu. Thông qua mối quan hệ giữa họ và ông, dù mong manh hay khăng khít, những khía cạnh tinh vi của tính cách mỗi người đều đã bộc lộ dưới ánh sáng chói chang của lịch sử.
Vậy thì, nhìn từ cuộc đời của ông, các bậc vua chúa ấy thực chất là những nhân vật như thế nào?
Trước hết, xin hãy nói về những người có mối liên quan mật thiết đến lý tưởng và sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm.
Ngô Thì Nhậm bước vào con đường chính trị đúng thời gian Trịnh Sâm đang cầm quyền. Có thể nói ngay rằng, với sự trọng vọng mà Trịnh Sâm dành cho gia đình ông, Ngô Thì Nhậm có những thuận lợi nhất định. Bản thân ông được Trịnh Sâm đánh giá rất cao. Chúa đã từng khen ông “tài học không ở dưới người”, biết ông “đánh giặc giỏi”. Chỉ trong vòng năm năm, Ngô Thì Nhậm được liên tục thăng chức và sau đó được Chúa đặt vào hàng các gia thần.
Song mặt khác cũng cần biết rằng Trịnh Sâm là một người rất tự phụ, sách Việt sử thông giám cương mục chép: “Sâm tự cậy tài cán, cho rằng trong thiên hạ không việc gì là không thể làm được, trăm quan không người nào là không thể giá ngự được”(1) Việc tuyển chọn nhân tài ông ta cũng tự làm lấy không theo một thể lệ nào cả. Chính tay Trịnh Sâm đánh rớt Nguyễn Lượng, một sinh đồ tài hoa trong kỳ thi Hội 1774 với lời phê : “Quyển này học vấn thì đầy đủ, nhưng thời cục thì không am hiểu”. Những người văn hay giỏi võ, dù dược các quan bảo cử giới thiệu, đến khi vào trước chúa cũng chưa cầm chắc. Chúa chỉ chọn người “ hợp ý” còn “không bó buộc về tư cách”(2). Nếu không hợp ý Chúa, người ấy kể như bị rơi, đừng mong được thăng bổ gì.
Chân dung vua Quang Trung (Phạm Công Trị thế thân) do họa sĩ Trung Quốc vẽ theo lệnh Càn Long
Việc chọn và dùng người, Trịnh Sâm cốt để thỏa mãn quyền “giá ngự” của mình là chính. Nguyễn Khản vì khéo chiều Chúa bằng những cuộc chơi hào hoa phóng túng mà được Chúa yêu quý “có một không hai trong hàng các quan võ”(3), tội lỗi gì của Khản chúa cũng lơ cho. Quận Huy Hoàng Đình Bảo bị thiên hạ đồn là sắp làm phản, Trịnh Sâm rắp tâm giết ngay đi, may nhờ Đặng Thị Huệ che chở sau khi về triều ngoan ngoãn tỏ ra hết mình phụng sự Chúa, cuối cùng lại được chúa tin dùng.
Nói chung là những ai biết đón ý Chúa, gọt mình tròn trĩnh thì được quyền cao chức trọng. Vì vậy mà bọn sâu dân mọt nước nhiều lên. Những người thẳng thắn và hay can gián nếu không bị Chúa ghét bỏ thì cũng không còn được tin dùng. Đó là lý do tại sao những bản điều trần của Ngô Thì Nhậm dâng lên Chúa đều bị vô hiệu hóa.
Suốt thời gian làm quan với Chúa Trịnh, Ngô Thì Nhậm chỉ dừng lại ở mức một ông quan thanh liêm, biết lo cho dân. Mà đạt được những điều ấy hết sức dễ dàng so với khả năng của một người đầy túi kinh luân như Ngô Thì Nhậm. Điều ông mong ước không phải là tiếng tăm nhất thời mà là gánh vác việc lớn của thiên hạ. Song Trịnh Sâm tuy biết tài ông nhưng đã không dùng nổi ông. Với một vị chúa như Trịnh Sâm, tâm tư Ngô Thì Nhậm được vỗ về mơn trớn nhưng chí ông không thỏa, tài năng bị uổng phí. Do vậy mà sự nghiệp của ông dưới thời Trịnh Sâm chỉ thành đạt ở mức bình thường.
Trước sự hoang dâm vô độ và những hành vi bạo ngược khác của Trịnh Sâm, Ngô Thì Nhậm nghiệm ra cái chí Y Doãn của mình đã gửi nhầm chỗ – Trịnh Sâm không phải là Thành Thang của thời loạn như ông hằng tưởng. Vì thế mặc dù vẫn “Cố kết trung thành với chúa thượng”(4) do đạo lý cũ xưa ràng buộc, nhưng trong lòng Ngô Thì Nhậm thần tượng đã mất thiêng. Việc Ngô Thì Nhậm cố từ tạ chức Công bộ hữu thị làng do Trịnh Sâm ban cho sau vụ Canh Tý, ngoài lý do để tránh tiếng với đời (5) còn là hệ quả của sự đổ vỡ lý tưởng. Trước khi gặp nhau, mục đích vì dân, vì nước của Nguyễn Huệ được thể hiện ngay từ đầu qua các hoạt động của phong trào Tây Sơn, đã làm sống lại lý tưởng của Ngô Thì Nhậm. Hai lần ra bắc, Nguyễn Huệ có thừa cơ hội và sức mạnh để nắm lấy quyền thống trị đất nước. Song cả hai lần Nguyễn Huệ đều hành động rất cao thượng, không hề nhân chỗ yếu của người mà làm lợi riêng cho mình. Đã từng biết chúa Trịnh lấn bức vua Lê như thế nào, Ngô Thì Nhậm không thể không thấy việc làm của Nguyễn Huệ là đầy chính nghĩa: “Phượng hoàng tường ư thiên nhận hề, lãm đức huy nhi há chi”(6) (phượng hoàng bay cao nghìn tầm nhắm đức sáng mà đậu xuống). Suốt những năm tháng lỡ làng thân phận, Ngô Thì Nhậm đã lấy lời phú của Giả Nghị để dặn mình bền lòng. Ông giống như chim phượng hoàng đã nhìn thấy ánh sáng đức độ tỏa ra từ con người chính nhân của Nguyễn Huệ – vị minh quân mà ông hằng chờ đợi. Khác với Trịnh Sâm, Nguyễn Huệ chọn và dùng người tài không nhằm tỏ ra mình khống chế được thiên hạ, mà chủ yếu là để dẹp yên loan lạc. “dìu dắt dân vào đạo lớn”(7) Ông ý thức sâu sắc “sức một cây gỗ không chống nổi tòa nhà to, mưu lược một kẻ sĩ không dựng cuộc thái bình”(8) nên đã mở lòng tha thiết cầu hiền. Cùng với chính nghĩa, sự sáng suốt và chân thành của Nguyễn Huệ đã khiến Ngô Thì Nhậm mạnh dạn đến với Tây Sơn.
*
Khi chưa cộng tác với Nguyễn Huệ, danh tiếng của Ngô Thì Nhậm đã nổi tiếng khắp xa gần. Phan Huy Ích người đỗ đồng khoa tiến sĩ đã nói về ông : “ Hy Doãn công, kiến văn rộng, nhận thức cao, hơn hẳn các bạn bè khác”(9) Trần Văn Kỷ, một danh sĩ phương Nam cũng biết ông là “bậc kỳ tài, có thể dùng làm việc lớn”.
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già, con mắt tinh đời của Nguyễn Huệ đã nhận ra chân tài ngay cái nhìn đầu tiên, không hề câu nệ những lụy phiền thân thế của Ngô Thì Nhậm: “Đó là ý trời muốn để dành người tài cho ta dùng”(10).
Nguyễn Huệ biết tất cả, từ việc Ngô Thì Nhậm “không may bị gièm pha” đến chuyện bị “Chúa Trịnh không dung, phải một mình bỏ nước mà đi”(11) Chẳng những ông không thành kiến với những vết tích quá khứ của Ngô Thì Nhậm, mà còn tỏ ra hết sức thông cảm và trân trọng con người tài cao thất thế này. Ông ban ngay chức tước xứng đáng cho Ngô Thì Nhậm, lại cho đứng đầu tất thảy quan lại cựu triều. Với quyết định táo bạo và kịp thời đó, Nguyễn Huệ đã trả lại giá trị đích thực cho Ngô Thì Nhậm, dứt ông ra khỏi mặc cảm, cho ông cảm nhận hạnh phúc của một người được tin cậy và đắc dụng.
“Tùy tài mà bổ dụng”, đó là chủ trương hết sức sáng suốt của Nguyễn Huệ. Ông tỏ ra nắm chắc khả năng thuộc cấp và tìm ra chỗ bố trí hợp lý nhất để mỗi người có thể phát huy hết khả năng của mình. Trường hợp Ngô Thì Nhậm là một điển hình. Sau khi thu nhận Ngô Thì Nhậm, chỉ vài ngày, Nguyễn Huệ đã giao cho ông trông coi Bắc Hà, cùng với Ngô Văn Sở và một nhóm tướng lĩnh tâm phúc khác. Xuất phát về nhận định tình hình miền Bắc lúc ấy, Nguyễn Huệ thấy cần thiết phải có một người biết tùy cơ ứng phó với các biến cố chính trị tại chỗ mà các tướng lĩnh võ biền của ông không thể lường trước được. Ông đã chọn Ngô Thì Nhậm “ thuộc dòng văn học Bắc Hà thông thạo việc đời”. Quyết định của Nguyễn Huệ quả là ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Sau Nguyễn Huệ về Nam, Ngô Văn Sở có lần ướm hỏi Ngô Thì Nhậm : “Quan thị lang thật giỏi về văn học, còn về cung kiếm có thông thạo gì không?”(12) Chỉ mấy lời Ngô Văn Sở đã để lộ rằng ông không hiểu mấy về khả năng của Ngô Thì Nhậm. Cho đến khi vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh trên đất Bắc và trong việc định ra kế sách chống quân Thanh của Ngô Thì Nhậm được xác định qua thực tiễn, mọi người mới kinh ngạc vì tầm nhìn thấu suốt của Nguyễn Huệ: “Ta nghĩ các ngươi đều là hạng võ dũng, chỉ biết gặp giặc là đánh, đến như việc tùy cơ ứng biến thì không có tài. Cho nên, ta để Ngô Thì Nhậm ở lại đấy làm việc với các ngươi chính là lo về điều đó”. Vị vua thông minh đã nói với các tướng sĩ của mình như vậy trên đỉnh đèo Tam Điệp. Cũng trong lần đó, ông nói trước chỗ đại dụng dành cho Ngô Thì Nhậm trong tương lai, khi bình xong giặc Thanh : “Chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù… Đến lúc ấy, chỉ có ngươi khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao, không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được…”(13).
Cũng nên nhớ lại rằng, chính trong những ngày này, khi vua Quang Trung đang bàn định về việc đuổi quân Thanh xâm lược ra khỏi đất nước thì tại kinh thành Thăng Long vua Lê Chiêu Thống đang khuất thân chờ giặc: “Vua Lê chỉ lấy Nghị làm chỗ dựa vững chắc nhất, còn các quan thì không ai nói năng gì đến việc xuất quân phục thù nữa”(14).
Đã thế Lê Chiêu Thống còn nghe lời Lê Quýnh, chuyên tâm báo ơn, báo oán. Những người có liên quan đến Tây Sơn đều trở thành đối tượng để trả thù “Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích đem thân theo giặc, lại nhận chức tước của chúng, đều truất làm dân, về làng gánh vác sai dịch… Nguyễn Quý Nha, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn viết thư mạo xưng là giám quốc Sùng Nhượng Công để mong xin hoãn binh cho địch, đều bị hạ ngục… Ngoài ra còn có ba người chú vua liên lạc với Tây Sơn, lại gả con gái cho họ, đều bị vua ngầm sau người bắt đem chặt chân, rồi vất xuống cái giếng ở trong cung”(15). Những việc làm vô nhân đạo của Lê Chiêu Thống khiến lòng người lìa tan. Mẹ của vua khi thấy con chỉ thích làm những điều trái với phép thường, đã nổi giận nói : “Phỏng chừng nhà nước còn chịu được mấy phen ơn, thù phá hại như thế ? Gái già này lại đến làm đứa lưu vong mất thôi”(16).
Ngô Thì Nhậm sẽ không bao giờ phải hối hận, vì đã sớm từ bỏ một ông vua bất minh hèn nhát và nhỏ nhen như Lê Chiêu Thống. “Sao tất phải chầu về Bắc thần. Người hiền tất phải do thiên tử sử dụng”(17). Ngô Thì Nhậm đã viết như thế để mở đầu bài Chiếu cầu hiền ông phụng thảo cho Quang Trung. Trong thâm tâm, Ngô Thì Nhậm đã coi Quang Trung là một vị vua xứng mặt thiên tử, hơn nữa, thiên tử của người hiền. Những tháng năm làm việc với Quang Trung là những tháng năm hạnh phúc nhất trong đời Ngô Thì Nhậm. Ưu phiền rũ sạch, chí trai được thỏa. Sự nghiệp của ông, dưới sự lãnh đạo của Quang Trung Nguyễn Huệ, là một sự nghiệp vẻ vang, cả về mức thành đạt và ý nghĩa của nó.
Song giữa hai người còn có một cái gì đó cao hơn sự ràng buộc của nghĩa vua tôi theo lễ giáo cương thường. Điều này thuộc về tâm linh, được truyền thẳng từ trái tim Nguyễn Huệ qua trái tim Ngô Thì Nhậm, và ông đón nhận không phải bằng trí tuệ sắc bén mà bằng cõi tâm hồn thâm trầm linh diệu.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí khi chép đến đoạn Tôn Sĩ Nghị kéo binh sang nước ta, đã thuật lại việc Nguyễn Huệ bố trí tướng sĩ ở lại Bắc Hà trước lúc về Nam. Những người được ký thác chuyện Bắc Hà đều là cận thần thân tín của Nguyễn Huệ, chỉ có Ngô Thì Nhậm là người mới. Có lẽ Bắc Bình Vương đã nghĩ đến khả năng Ngô Thì Nhậm sẽ lạc lõng giữa một nhóm người chưa hiểu mình, không loại trường hợp những kẻ cậy là tâm phúc của chủ tướng sẽ lên mặt lấn lướt. Cho nên trong lời dặn dò chung, ông đã nói với những người cộng sự cũ rằng ngô Thì Nhậm “vừa là bề tôi, vừa là khách” của ông, lại khen Ngô Thì Nhậm “là dòng văn học Bắc Hà thông thạo việc đời” để ngầm nhắc họ phải biết tôn trọng Ngô Thì Nhậm. Rồi dường như cho rằng nói khéo chưa đủ, ông lại dặn thêm một cách tha thiết : “ Mọi việc phải cùng nhau họp bàn ổn thỏa, chớ vì kẻ cũ người mới mà xa cách nhau”(18).
Đã ra ơn cứu vớt, rồi tin tưởng phó thác đại sự, lại chăm sóc lo lắng cả những chuyện tế nhị. Trước một tấm lòng chí tình như vậy, sao Ngô Thì Nhậm không tận tâm báo đáp.
“Nhạn thần vạn lý triều thiên khuyết”(19), Ngô Thì Nhậm tự coi mình là một bầy tôi nhạn của Quang Trung, vì công việc ông phải ở cách xa vua. Thế nhưng những thời gian ngắn ngủi được về gần Quang Trung, bao giờ ông cũng được nhà vua rót đầy một bầu ân tình ấm áp: Khi thì Quang Trung mời ông ăn yến, khi thì cho cùng uống trà trước ngự, khi thì cho vào ngự doanh để bình thơ. Có một lần ông được vua Quang Trung triệu vào trướng, bảo đọc thơ ứng chế. Ngô Thì Nhậm lúc này gần năm mươi tuổi, mắt yếu phải đeo kính. Vua nhấc lấy kính ở mắt ông để xem, rồi ngoảnh lại chuyện với ông hồi lâu. Chuyện đơn giản vậy thôi mà qua ngòi bút của Ngô Thì Nhậm lại rất xúc động :
Kính mắt đã từng được quân vương xem tới
Ý thánh thượng ân cần thương kẻ lão thần
Rất vui mừng được tuyên trùng lấy để nhìn tỏ
Càng vinh quang khi mắt bốn cõi dùng để xem văn…
Thấy chuộng văn chương lòng càng luyến mến
Nỗi buồn đất khách giảm bớt vài phần
(Vào hầu ở ngự doanh, vua xem kính đeo mắt, kính ghi)(20)
Bài thơ trên được viết vào thời kỳ Ngô Thì Nhậm vào làm việc ở Phú Xuân, gần vua Quang Trung nhưng xa quê thăm thẳm.
Quang Trung chừng như soi thấu tâm trạng ấy, cụ thể là vào năm 1890, nhà vua phong Ngô Thì Nhậm làm Binh bộ thượng thư cho cai quản binh dân bảo quán. Vừa được thăng chức vừa được gần gia đình, thật là một ân điển đặc biệt. Qua việc này nữa, Quang Trung tỏ ra hiểu Ngô Thì Nhậm biết bao “ Đại để vua tôi chủ ở nghĩa, cha con chủ ở ơn, cái luân lý lớn của đạo làm người chỉ là một. Nhưng vua biết tôi, cha biết con, đối với sự cảm kích cái ơn cái nghĩa lại phải thế nào ?”(21). Sau khi Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm đã ngẫm lại và thấy rằng đó là một ông vua hiếm có. Đêm đêm lòng quặn đau, ông đã khóc Quang Trung với tấm lòng tri kỷ, ly rượu trên tay ngậm giọt nước mắt của bậc cô thần rơi xuống: “Lệ lạc hàm bôi dạ dạ tâm”(22).
Lần đi sứ sang Thanh, Ngô Thì Nhậm mới thấy hết tầm vóc lớn lao của Quang Trung. Vua Càn Long gửi chiếu thư chia buồn khi sứ bộ còn ở rất xa Yên Kinh. Nhà vua hạ chỉ cho các địa phương phải giữ yên lặng để tỏ rõ sự nghiêm trang trước chuyện tang tóc trọng đại “Cống thần ngậm đau thương mà đến, các tỉnh hội mà sứ bộ đi qua đều đình chỉ yến tiệc vui chơi”. Tiếp được chiếu thư của Càn Long, lại được đọc chỉ dụ của ông gửi cho các địa phương, Ngô Thì Nhậm nghĩ đến vua Quang Trung với tấm lòng thương nhớ lẫn tự hào: “ Ngửa thấy đại hoàng đế thương xót chí tình. Vì Tiên hoàng ta, các vị thân vương nhà Thanh tăng thêm điển lễ. Đó là lấy văn hiến tế nghĩa mà đối đãi với nước ta, không phải như các nước tầm thường khác. cầm đọc chỉ thị cảm kích gấp bội… cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên Hoàng ta, quan san cách xa lâu ngày không được trông coi – trông vời viên lăng khôn ngăn được tấm lòng: Một ngày bằng ba thu”(23).
Mãi đến năm 1797 tức là 5 năm sau khi vua Quang Trung từ trần, Ngô Thì Nhậm còn mơ thấy nhà vua về gọi mình bàn việc nước. Ông kính cẩn chép: “Mùa xuân năm Đinh Tỵ, tôi bị ốm nằm mộng thấy Tiên đế ngự ra Bắc thành, tôi hầu thảo chiếu thư. Câu cuối cùng ngự bút chữa là “Trẫm lạc nhân hoàn lưu chính trị” (trẫm xuống cõi đời lưu chính trị), rồi ngoảnh lại bảo tôi: Trẫm thêm bảy chữ, ngươi thấy thế nào? Tôi khấu đầu khen hay”(24). Chết cũng như sống, tình vua tôi vẫn nồng nàn tương đắc. Lòng thương nhớ của Ngô Thì Nhậm đối với Quang Trung thật là mãnh liệt. Song câu chuyện này không chỉ để gửi lòng thương nhớ, cái chính là Ngô Thì Nhậm qua đó ngầm khuyên Cảnh Thịnh đừng để xói mòn nền chính trị mà vua cha đã xây dựng trên cơ sở “chí nhân đại nghĩa”, “hậu trạch thâm ân”. Với vị vua non trẻ này, Ngô Thì Nhậm chỉ có thể nói những đều xa xôi như thế. Bởi vì xung quanh vua, bọn ngoại thích chuyên quyền sẽ không để yên cho bất cứ ai dám chỉ trích việc làm xấu xa của chúng. Cho đến lúc ấy, tuy vẫn đăm đăm trải lòng phò tá Cảnh Thịnh với tâm niệm đáp đền ân đức Quang Trung, nhưng Ngô Thì Nhậm không có điều kiện tham gia nội chính. Ông chỉ còn được dùng vào việc viết chiếu và những từ chương nghi lễ. Những trọng thần khác của Tiên đế đều bị đẩy vào tình trạng hữu danh vô quyền. Võ Văn Dũng ra Thăng Long làm biên thần phương Bắc. Trần Quang Diệu được thăng chức Thiếu phó nhưng bị vua khống chế binh quyền. Trần Văn Kỷ sau khi được cất án lưu đày, về phục chức cũng bị vô hiệu hóa… Những đôi cánh phượng hoàng đã xếp lại, bầu trời cao rộng chỉ còn trong hoài niệm: “Việc đã qua như giấc mơ, chúng ta chỉ để làm đám người tế lễ. Tưởng đến ơn tri ngộ năm xưa thật khó có thể trở lại lần nữa”(25). Ngô Thì Nhậm vô hạn cô đơn khi vị vua chân chính hiểu ông và trọng dụng ông đã mất.Trước Cảnh Thịnh, ông cảm thấy mình là thuyền côi giữa sóng (cô chu), là núi bên trời quạnh quẽ (cô sơn), là thông đứng một mình (cô tùng). Ông quyết định rút khỏi quan trường, đi vào nghiên cứu những huyền bí của cõi thiền. Người đương thời đã tôn ông làm vị tổ thứ tư của phái Thiền tông Trúc Lâm ở nước ta.
Ngô Thì Nhậm đã quên đời rồi chăng?
Không, Ngô Thì Nhậm trước sau không phải là một kẻ lánh đời, ông đi vào Thiền học để kiến giải mối quan hệ giữa đạo và đời, giữa siêu phàm và trần tục. Lối thoát mà ông đi tìm trong thiền học không hướng về hư vô, mà hướng về sự lý giải và cứu vớt. Do đó, những vần thơ ông sáng tác trong thời gian này vẫn ăm ắp nỗi niềm thân thế:
Thiền viện dục thiền, thiền vị ổn
Khấu môn tiêm thủ náo đá phương (26)
(Trong thiền viện muốn thiền, thiền chẳng ổn, tiếng tay người gõ cửa rộn khắp nơi)
Biến cố lịch sử năm 1802 dẫn tới sự cáo chung của triều đại Tây Sơn. Giữa lúc chiến sự diễn ra khốc liệt, Nguyễn Ánh đã dâng biểu xin nhà Thanh sớm phong vương hiệu. Giữ nguyên sự nôn nóng như thế, vừa chiếm được Thăng Long ông ta đã tính ngay chuyện đích thân lên Nam Quan chờ tiếp sứ Thanh và nhận sắc phong để rút ngắn thời gian. Nghe nói Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đang có mặt ở Bắc thành Gia Long bèn cho gọi đến nơi “hành tại” để hỏi ý kiến.
Ngô Thì Nhậm biết rằng cơ nghiệp Tây Sơn không có khả năng khôi phục lại. Gia Long tuy hồ đồ, nhưng lại có đủ sức mạnh nắm giữ chiến thắng. Về mặt tình cảm, ông có thể không chấp nhận Gia Long, nhưng lý trí tỉnh táo buộc ông nhìn nhận rằng Gia Long hiện thời là nhà cầm quyền cao nhất của đất nước. Mỗi hành động lệ thuộc của Gia Long trước ngoại bang đều làm tổn hại đến thanh danh dân tộc. Vì thế, ông thật lấy làm lạ trước ý định của Gia Long. Thay vì trả lời, ông buông một câu : “Đó là việc xưa nay chưa từng nghe nói”(27).
Mấy lời vắn tắt của Ngô Thì Nhậm là sự huy động tầng tầng quá khứ. Trong lịch sử nước ta, chưa từng có vị vua nào làm cái việc mà Gia Long định làm. Đớn hèn đến như Lê Chiêu Thống còn được phong vương tại Thăng Long. Gia Long không biết điều đó chăng?
Qua mấy lời thôi, Ngô Thì Nhậm đã bày tỏ một thái độ rõ ràng, đó là sự khinh khi không cần giấu giếm của ông đối với một vị vua không biết tự trọng như Gia Long. Chắc chắn ông không thể không nhớ tới Quang Trung trong những ngày đấu tranh đòi Thanh sứ vào Phú Xuân tuyên phong. Vua Quang Trung đã bảo vệ đến cùng tư thế chiến thắng của dân tộc trước “Thiên triều”. Bằng chứng là Quang Trung đã không chịu rời kinh đô Phú Xuân và đối phó với sự ngoan cố của Thanh sứ bằng màn kịch giả vương thụ sắc tại Thăng Long năm 1789.
Những lời Ngô Thì Nhậm thốt ra trước Gia Long hoàn toàn không phải là cách nói của một kẻ buông trôi thế sự. Ông đã nói những lời ấy với tư cách của một nhà ngoại giao cự phách thời Tây Sơn, của một người dân An Nam biết đề cao chủ quyền dân tộc mình.
Nếu ông quên đời thật, thì đã không đến nỗi bị Gia Long hạ ngục và sau đó nhận cái chết bi thảm vì trận đòn thù tàn khốc năm 1803.
Ngô Thì Nhậm là một trí thức chân chính, một tài năng lớn về nhiều mặt, một số phận độc đáo. Những cống hiến của ông gắn liền với triều đại Tây Sơn – Nguyễn Huệ, một triều đại vinh quang mà để đến được với nó, ông đã dũng cảm đương đầu với những dư luận nghiệt ngã, kể cả cái chết. Những long đong thân thế mà Ngô Thì Nhậm phải gánh chịu lúc sống kể cả sự xuyên tạc và bôi xóa của chính quyền Gia Long sau khi ông chết đã không làm suy suyển hay lu mờ uy tín của ông trong lịch sử, ngược lại nó chỉ là những mảng tối tôn thêm phẩm giá sáng ngời của Ngô Thì Nhậm, làm sáng tỏ tầm vĩ đại của vị chân chúa đã biết sử dụng ông với tấm lòng trân trọng và tin cậy.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
__________________
(1) Việt Sử thông giám cương mục, quyển 55 tờ 13
(2) Việt sử thông giám cương mục, quyển 45 tờ 13
(3) Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tập II, trang 63
(4) Ý trong bài “ Xuân tế Thập Lệ Từ” của Ngô Thì Nhậm (trong tập Kim Mã Hành Dư)
(5) Việt Sử thông giám cương mục , chép rằng chính Ngô Thì Nhậm hợp mưu với Nguyễn Huy Bá tố cáo việc làm của Tông khiến cho Khắc Tuân, Xuân hán phải chết. Do đó mà cha Nhậm là Ngô Thì Sĩ uống thuốc độc tự tử, đương thời có câu: “sát tứ phụ nhi thị lang”, giết 4 cha để làm thị lang. Song theo Hoàng Lê nhất thống chí và Gia phả thì Ngô Thì Sĩ chết vì cảm mạo trên đường từ Lạng Sơn về động Nhị Thanh. Ngô Thì Nhậm định gỡ tội cho Khắc Tuân, Xuân Hán nhưng vì tang cha nên phải bỏ về. Việc tra án chuyển sang cho Lê Quý Đôn. Chức thị lang là do Quận Huy muốn Ngô Thì Nhậm mang tiếng bèn xui chúa Trịnh ban cho Nhậm.
(6) 2 câu trong bài phú Viếng Khuất Nguyên của Giả Nghị một nhân sĩ Trung Quốc đời Tây Hán.
(7) Chiếu lên ngôi của vua Quang Trung – Văn học Tây Sơn,trang 93
(8) Chiếu cầu hiền của vua Quang Trung – Văn học Tây Sơn, trang 97
(9) Dẫn theo Cao Xuân Huy. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm , sđd, trang 29
(10) Hoàng Lê Nhất Thống Chí, sđd, tập II, trang 107
(11) Chiếu cầu hiền của vua Quang Trung – Văn học Tây Sơn, sđd, trang 97
(12) Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tập II, trang 156
(13) Hoàng Lê nhất thống chí, sđd,tập II, trang 181
(14) ,(15), (16) Hoàng Lê nhất thống chí, sđd,tập II, trang 170 - 171
(17) Chiếu cầu hiền của vua Quang Trung, do Ngô Thì Nhậm thảo, Văn học Tây Sơn, sđd, trang 96
(18) Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tập II, trang 155
(19) Một câu thơ của ngô Thì Nhậm
(20) In trong Tuyển thập thơ văn Ngô Thì Nhậm, sđd tập 1
(21) Lời dẫn của Ngô Thì Nhậm trước bài thơ Khâm vãn Đan Dương lăng
(22) Thơ Ngô Thì Nhậm, trong bài Sóc vọng thị tấu nhạc Thái Tổ miếu cung ký
(23) Lời chú của Ngô Thì Nhậm ở bài thơ Cảm hoài (trong tập Hoàng Hoa Đồ Phả)
(24) Lời chú của Ngô Thì Nhậm ở bài thơ Tòng giá bái tảo Đan lăng, cung ký
(25) Lời dẫn của Ngô Thì Nhậm trước bài thơ Đạo ý
(26) Thơ Ngô Thì Nhậm trong bài Họa thơ Trùng dương tiểu chước
(27) Đại Nam thực lục, NXB Sử học, 1963,tập III, trang 51
Bài hay của Huyền Trang