Làng Kà Bưng rộn vang cồng chiêng vui Tết
(BĐ) - Chiều mùng 1 Tết Kỷ Hợi 2019, chúng tôi “xuất hành” về huyện miền núi Vân Canh để lần đầu tìm hiểu về không khí vui Tết của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Không hẹn trước và cũng không thông qua sự giới thiệu của ngành văn hóa địa phương, chúng tôi chọn đi “lặng lẽ” và ngẫu nhiên đến xã Canh Thuận, nơi có 7 làng đồng bào Ba na. Trong khi các làng khác không khí ít sôi động, thì làng văn hóa Kà Bưng là nơi vui xuân tưng bừng nhất, nhờ “linh hồn” cồng chiêng vang vọng.
Trưởng làng Kà Bưng La O Tiến (bên phải) tiếp khách đến nhà chúc Tết Kỷ Hợi.
Trưởng làng Kà Bưng La O Tiến cho biết: “Làng có 56 hộ với 195 nhân khẩu đều là người Ba na. Đời sống làng mình còn khó khăn nhưng vẫn luôn giữ gìn tốt bản sắc văn hóa truyền thống. Không khí năm nay càng vui hơn khi ngay trước Tết thì dân làng đã cùng đóng góp sắm một bộ cồng chiêng mới, rồi được Ban Dân tộc tỉnh tặng thêm một bộ cồng chiêng mới. Từ ngày 28 tháng Chạp đến nay, chiều tối nào mọi người cũng tập trung ở nhà văn hóa, góp ghè rượu cần, đánh cồng chiêng múa xoang rất vui...”.
17 giờ chiều mùng 1 Tết, làng bắt đầu tổ chức diễn tấu cồng chiêng, múa xoang từ ngoài sân đến vào trong nhà văn hóa, cuộc vui trong men rượu cần nồng nàn kéo dài đến tận đêm khuya.....
Tôi đã “kiểm chứng” sau đó lời của Trưởng làng Kà Bưng, khi biết có nhà báo đến chụp hình, phụ nữ trong làng vui vẻ bảo “chờ chút” để vào mặc áo thổ cẩm. Trong đó, có nhiều bộ thổ cẩm còn mới, chứng tỏ người dân có ý thức giữ gìn một trong những “phần hồn” mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng nhất của người Ba na...
Vui cồng chiêng, uống rượu cần trong nhà văn hóa làng Kà Bưng.
Người dân Ba na làng Kà Bưng từ lâu đã hòa nhập chung vui với Tết cổ truyền của người Kinh. Các nhà cũng nấu bánh chưng, mua thêm bánh kẹo, bia rượu đãi khách, đến từng nhà trong làng chúc Tết và lì xì cho trẻ em...
HOÀI THU