Cát Nhơn xây dựng nông thôn mới:
Phấn đấu về đích sớm
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát) đã phát huy nội lực, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo của địa phương ngày càng đổi mới.
Là xã có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, với 918 ha đất sản xuất, trong đó trên 600 ha chỉ độc canh cây lúa, nhưng không được thiên nhiên ưu đãi, đồng ruộng mới nắng đã hạn, mới mưa đã úng, diện tích còn lại là gò đồi, người dân Cát Nhơn luôn phải đối mặt với khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Vì vậy, Cát Nhơn đã nỗ lực vượt khó, chú trọng chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Minh Sự, Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn, cho biết: Đảng ủy và chính quyền xã quan tâm nhất là vấn đề giao thông, thủy lợi để bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh. Bên cạnh đó, xã cũng nỗ lực đầu tư cho y tế, giáo dục, văn hóa… Toàn xã có trên 95% diện tích sản xuất lúa bằng giống cấp 1; toàn bộ diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm đã chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa/năm có hiệu quả cao hơn; đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân thông qua các mô hình trình diễn giống mới, nuôi cá trong ruộng lúa...
Về thủy lợi, ngoài hệ thống đê sông Côn chạy qua xã được kiên cố hóa toàn bộ, xã đã bê tông hóa được 1 km kênh mương và bảo đảm tưới tiêu cho toàn bộ diện tích sản xuất nhờ vào 2 hồ chứa nước Đại Ân và Mương Chuông cùng các trạm bơm, góp phần tăng năng suất lúa trên 61,7 tạ/ha, vượt 4,64 tạ/ha so với kế hoạch, tăng 3,94 tạ/ha so với năm trước. Diện tích cây trồng cạn đạt 164 ha, tăng 58 ha so với năm 2012. Xã cũng đã hướng dẫn và vận động bà con cải tạo 227 ha điều theo hướng thâm canh, chăm sóc 1.357 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai và bạch đàn. Đàn trâu bò của xã hiện có 1.967 con, có 65% là bò lai; đàn heo có 2.154 con, heo lai hướng nạc chiếm 96,5%, đàn gia cầm gần 40.000 con.
Hệ thống giao thông của xã đến nay đã có 100% đường trục được trải nhựa hoặc bê tông xi măng, 16 km đường trục thôn xóm được cứng hóa theo cấp kỹ thuật, đạt 94,1%, phần lớn đường làng ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu hàng hóa của nhân dân.
Nét nổi bật trong thực hiện XDNTM ở Cát Nhơn là xã đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ. Cụm công nghiệp Cát Nhơn rộng hơn 60 ha, được quy hoạch thu hút các ngành nghề: chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, kinh doanh kho bãi…, bước đầu thu hút được 7 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ của xã trong 9 tháng đầu năm 2013 lên gần 29,4 tỉ đồng, tăng gần 3,9 tỉ đồng so với năm 2012.
Gần 3 năm qua, tuy nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ XDNTM ở Cát Nhơn không nhiều, nhưng địa phương đã tranh thủ các nguồn vốn bên ngoài, từ các doanh nghiệp trên địa bàn xã… đầu tư trên 10 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM ở địa phương. Hiện nay Cát Nhơn đã đạt 11/19 tiêu chí NTM.
Những kết quả nêu trên là cơ sở để Cát Nhơn vươn lên hơn nữa trong thời gian tới, để từ một xã thuần nông lột xác trở thành địa phương có cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm chủ yếu. Trước mắt, từ nay đến năm 2015, Cát Nhơn tập trung phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng và lợi thế của địa phương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng ngành nghề, kinh doanh dịch vụ, phấn đấu đến năm 2015 đạt thêm 4 tiêu chí NTM, và phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí trước năm 2020.
HOÀI TRUNG