Hướng đến dự án điện siêu cao thế vượt đầm đầu tiên của miền Trung
“Quy Nhơn – Bình Định đang triển khai xúc tiến xây dựng dự án điện siêu cao thế vượt đầm đầu tiên của miền Trung”, đó là thông tin chia sẻ “độc quyền” về Dự án rất lớn với PV Báo Bình Định của ông Trần Tuấn Tú, Phó Phòng thiết kế 3D Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (TP Hồ Chí Minh) vào trưa mùng 3 Tết Kỷ Hợi 2019.
Ông Trần Tuấn Tú (bên trái) tại một Dự án của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 ở tỉnh Gia Lai.
- Xin ông cho biết sơ lược về Dự án ?
- Hiện nay Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang đầu tư Dự án điện 220 KV Phước An – Nhơn Hội, từ vị trí trạm 220 KV Phước An đến trạm biến áp 220 KV Nhơn Hội, nằm trong khu kinh tế Nhơn Hội.
Đơn vị tư vấn Dự án này là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (TP Hồ Chí Minh), đại diện Dự án là Ban Quản lí các công trình điện miền Trung, chủ đầu tư Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Mục đích của Dự án là nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế Nhơn Hội, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, theo kịp sự phát triển của TP Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung.
- Thưa ông, được biết đây là dự án điện siêu cao thế quy mô lớn ?
- Hiện nói đến mức độ đường dây đi xuyên đầm, thì đường dây đi xuyên đầm Thị Nại cũng có thể gọi là đường dây siêu cao thế vượt đầm đầu tiên của miền Trung. Bởi đường dây đi xuyên đầm trong cả nước đều dừng lại ở đường dây trung thế 22 KV như công ty đã tư vấn đường dây cấp điện cho đảo Hòn Tre (Nha Trang) trước đó ở Quy Nhơn – Bình Định đã có đường dây xuyên đầm đang vận hành mấy năm qua là đường dây Phước Sơn – Nhơn Hội cấp điện áp 110 KV.
- Đường dây sẽ đi xuyên qua đầm Thị Nại, ông cho biết có phải sẽ đi cáp ngầm dưới nước ?
- Hiện với công nghệ phát triển, đường dây xuyên đầm thì Công ty đã phối hợp triển khai thành công nhiều dự án, đang thi công dự án cấp điện cho đảo Phú Quốc mạch 2 dài đến 55 km. Lần đầu tiên khi công nghệ chưa có, thì đã cấp điện mạch 1 cáp ngầm với số tiền đầu tư rất lớn cho đảo Phú Quốc.
Càng ngày công nghệ càng phát triển thì đơn vị tư vấn đã mày mò tìm cách cấp điện bằng đường dây trên không, cố gắng giảm đến mức tối thiểu nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và cũng là tiền của dân. Đơn vị tư vấn đã có kinh nghiệm làm dự án trên biển, nên việc thực hiện dự án đầm Thị Nại không phải là quá khó khăn với chiều dài chỉ khoảng 2 km là vấn đề nằm trong tầm kiểm soát của các đơn vị tư vấn trong nước.
- Hiện là Phó Phòng thiết kế 3D Công ty cổ phấn tư vấn xây dựng điện 2, ông có thể chia sẻ sơ lược công việc của phòng ?
- Công nghệ thiết kế 3D cũng là công nghệ mới. Tất cả công trình xây dựng trên thế giới ở các thành phố lớn người ta dùng công nghệ 3D rất là nhiều. Vấn đề ở chỗ là người thiết kế xong trên máy tính sẽ xuất ra nhiều bản giấy, người thi công ở công trường mở rất nhiều giấy, khó hiểu hết được ý tưởng, tâm huyết của người kĩ sư thiết kế thể hiện trên giấy. Việc ứng dụng công nghệ 3D gần như là giống một công trình thật sự, ngành xây dựng đang áp dụng nhiều. Đối với ngành điện thì Công ty chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện công nghệ này để mô phỏng toàn bộ thiết kế trên khảo sát thực tế đảm bảo việc thi công và vận hành đường dây điện phù hợp với thiết kế.
- Tiến độ Dự án hiện nay đến đâu thưa ông ?
- Dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đơn vị tư vấn đang trong giai đoạn hướng tuyến, thỏa thuận các sở, ngành, địa phương để tiến tới xây dựng đường dây có chiều dài 16 km, chủ yếu là đi qua huyện Tuy Phước và một phần của thị xã An Nhơn.
- Cảm ơn ông. Chúc Dự án triển khai thành công.
Hoài Thu