Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019):
Vang vọng truyền thống lịch sử hào hùng
Tối mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019 (8.2), tại khu vực Bến Trường Trầu (di tích thời Tây Sơn) trước Bảo tàng Quang Trung, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019). Đến dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cùng đông đảo người dân và du khách.
Lãnh đạo trung ương và tỉnh dự lễ Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa. Ảnh Văn Lưu
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã đọc diễn văn trong buổi lễ, ca ngợi thân thế, sự nghiệp lừng lẫy, nhiều cống hiến rất to lớn của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử trên quê hương Tây Sơn tam kiệt hôm nay, chúng ta không chỉ ôn lại một chiến tích hết sức vẻ vang, mà còn làm sống dậy hùng khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của một thiên tài quân sự bách chiến bách thắng... Trong niềm tự hào chung của cả nước, tỉnh Bình Định còn có niềm tự hào của mảnh đất cội nguồn, nơi ba anh em Tây Sơn được sinh ra, được nuôi dưỡng với dòng sữa mẹ và khí thiêng sông núi quê nhà. Trong thời khắc thiêng liêng này, trước anh linh của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và bao nghĩa sĩ Tây Sơn, chúng ta nghiêng mình tưởng nhớ và tri ân bậc tiền nhân đã sớm xác lập một tư thế hiên ngang, thần tốc, một tinh thần đổi mới nhạy bén; càng thấm thía ý nghĩa thiêng liêng của độc lập tự do và trách nhiệm canh tân đất nước. Tinh thần của phong trào Tây Sơn, tinh thần chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa luôn tỏa sáng và lưu truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau một thông điệp đẹp đẽ của chủ nghĩa yêu nước vững bền, luôn cổ vũ chúng ta vươn lên mọi mặt...”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng phát biểu ôn lại khí thế chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 là một trong những chiến công vĩ đại và oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ảnh Văn Lưu
Không khí chờ đến chương trình lễ hội Đống Đa năm nay đã rạo rực trong đông đảo người dân Phú Phong từ mấy ngày qua, họ hẹn nhau đi sớm vào buổi tối để “xí chỗ” thuận lợi để theo dõi. 20 giờ chương trình mới diễn ra, nhưng trước đó dòng người đã đổ về đông nghẹt từ trên cầu mới dẫn qua sông Kôn đến khu vực bến Trường Trầu. Chúng tôi phải vất vả “luồn lách” qua cả “biển người” đứng, ngồi bao vây quanh khu vực tổ chức mới có thể vào đến nơi. Vợ chồng anh Trần Lê Duy (38 tuổi) đang sống ở Gia Lai, dẫn hai con về quê nội Tây Sơn từ mùng 3 Tết để chờ xem chương trình. “Năm nay người dân về vui Lễ hội Đống Đa đông hơn nhiều so với mọi năm, không khí vô cùng náo nhiệt. Từ đầu giờ tối vợ chồng tôi đã dẫn con đi coi, đồng thời kể, giảng giải dễ hiểu cho con nghe về vua Quang Trung và phong trào Tây Sơn để ngay từ nhỏ, con tôi phần nào biết được truyền thống lịch sử hào hùng mang đậm khí khách thượng võ của quê hương Tây Sơn - Bình Định”, anh Duy chia sẻ.
Đồng bào Ba na làng K8 (xã Vĩnh Sơn) và làng M2 (xã Vĩnh Thịnh) diễn tấu cồng chiêng mở màn lễ kỷ niệm. Ảnh Hoài Thu
Đứng sát cạnh sân khấu cùng đoàn cồng chiêng, múa chiêng của làng K8 (xã Vĩnh Sơn) và M2 (xã Vĩnh Thịnh) của huyện Vĩnh Thạnh, gương mặt của Nghệ nhân ưu tú Đinh Chương tràn đầy niềm vui. Ông bộc bạch: “Đồng bào Ba na ở làng K8 của mình, cũng như làng M2 khi nghe tin được tham gia diễn tấu cồng chiêng mở màn chương trình Lễ kỷ niệm, cái chân bèn muốn đi liền. Đồng bào vùng Tây Sơn thượng đạo ngày xưa đã tham gia góp sức cùng Tây Sơn tam kiệt dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm nên ngày nay chúng tôi được góp mặt trong hoạt động ý nghĩa này nên cái tay thêm dẻo, cái bụng thêm sung sướng khi đánh cồng chiêng...”
Đại cảnh “Hào khí xuân đất võ” mở đầu chương trình nghệ thuật đặc sắc. Ảnh Hoài Thu
Sau phần lễ trang trọng, chương trình nghệ thuật kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa có chủ đề “Hào khí Quang Trung - Bản hùng ca bất tử” diễn ra hấp dẫn người xem nhờ dàn dựng hoành tráng, tạo được “điểm nhấn” cảm xúc, lồng ghép biểu diễn nhiều ca khúc hay được ca sĩ có tên tuổi thể hiện thành công. Trước khi hình thành kịch bản, tác giả, tổng đạo diễn - Thạc sĩ Đặng Minh Hải đã tham vấn ý kiến của các giáo sư sử học, các tư liệu lịch sử để tái hiện chân thật, sinh động lịch sử hào hùng thời Tây Sơn.
Trong chương trình nghệ thuật có nhiều cảnh đồng diễn, đối luyện thể hiện những nét đặc sắc của võ cổ truyền Bình Định. Ảnh Văn Lưu
Mở đầu chương trình là đại cảnh “Hào khí xuân đất võ” ấn tượng, sử dụng tổng hòa nhiều hình thức của nghệ thuật biểu diễn như trống trận kết hợp với âm nhạc, sử thi, võ thuật… tạo âm vang hào hùng ngay từ giây phút đầu tiên. Sau đó, ở 3 chương của chương trình nghệ thuật tái hiện tiến trình gầy dựng binh sĩ, chiến đấu, chiến thắng và niềm tự hào, tiếp bước của hậu thế. Chương 1 “Anh hùng áo vải” là khoảng thời gian để người xem “ngược dòng thời gian” hòa mình vào cảnh 3 anh em nhà Tây Sơn học tập, luyện võ dưới truyền dạy tận tâm của thầy giáo Hiến ở vùng đất An Thái - Bình Định. Đây cũng là chương thể hiện sự đồng lòng của các dân tộc anh em như: Kinh, Bana, H’rê, Chăm H’roi cùng nhau luyện binh, khởi nghĩa. Bên cạnh đó, hoạt cảnh do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn đưa người xem chứng kiến cảnh Nguyễn Nhạc dùng “khổ nhục kế” chiếm phủ thành Quy Nhơn và trận chiến thắng lừng lẫy Rạch Gầm - Xoài Mút.
Rất đông khán giả đã đến xem chương trình lễ kỷ niệm. Ảnh Hoài Thu
Ở chương 2 “Đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa” đem đến nhiều cảm xúc cho người xem, với những cảnh dàn dựng hoành tráng, cuốn hút như Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế; cảnh quân Tây Sơn hành binh thần tốc giải phóng Thăng Long; hay sau đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, trong chiến bào đỏ thắm, Hoàng đế Quang Trung cưỡi ngựa cùng các tướng sĩ Tây Sơn tiến vào thành Thăng Long trong niềm hân hoan của trăm họ được tái hiện sinh động, hào hùng. Song song với hào khí của sự nghiệp bảo vệ đất nước, người xem còn có những phút giây lắng đọng bởi tình yêu đôi lứa cũng ngọt ngào, tươi thắm qua hình ảnh Hoàng đế Quang Trung gởi tặng cành bích đào cho Ngọc Hân công chúa.
Tái hiện cảnh chiến đấu giữa quân Tây Sơn và quân Mãn Thanh trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dội lịch sử. Ảnh Văn Lưu.
Nối tiếp truyền thống hào hùng của cha ông, trên vùng đất “thượng võ, tôn văn”, tỉnh Bình Định cũng đã từng bước phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Điều này thể hiện rõ ràng qua Chương 3 (Tiếp bước truyền thống - Bình Định tự hào đi lên), được dàn dựng sinh động, tươi vui với 400 diễn viên, võ sĩ đồng diễn võ thuật, hợp ca, nhảy, múa. Đúng 22 giờ đêm mùng 4 Tết, khi chương trình nghệ thuật vừa kết thúc, pháo hoa đã rực rỡ trên bầu trời Tây Sơn trong sự hân hoan của cả “biển người” đang chờ thưởng thức, khép lại thành công một buổi lễ vang vọng truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ca sĩ Trọng Tấn đã thể hiện rất hay ca khúc tôn vinh Hoàng đế Quang Trung và phong trào Tây Sơn. Ảnh Hoài Thu
Tái hiện cảnh nghĩa quân Tây Sơn hành binh thần tốc tiến ra Thăng Long quét sạch giặc Mãn Thanh. Ảnh Văn Lưu
NSND Minh Ngọc (Nhà hát tuồng Đào Tấn) thể hiện nhân vật Hoàng đế Quang Trung lên ngôi Hoàng đế, lãnh đạo binh tướng tiến quân ra Thăng Long. Ảnh Hoài Thu
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Tây Sơn khép lại thành công buổi lễ vang vọng truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Ảnh Văn Lưu
HOÀI THU - THẢO KHUY