Vui hội Đống Đa trong những sắc màu truyền thống
Sáng mùng 5 Tết Kỷ Hợi 2019, hàng vạn người dân và du khách từ khắp nơi đã hội tụ về Bảo tàng Quang Trung để cùng vui hội Đống Đa. Năm nay, tại Bảo tàng có những hoạt động mới không chỉ tạo thêm không khí náo nức, rộn ràng đông vui, mà còn đưa mọi người được đắm chìm trong những sắc màu văn hóa, lịch sử hào hùng.
Hội thi “Hành binh thần tốc” lần đầu tiên được tổ chức. Ảnh Hoài Thu
Hội thi “Hành binh thần tốc” lần đầu tiên
Sáng sớm mùng 5 Tết Kỷ Hợi 2019 (9.2), nhiều người dân tò mò khi thấy có hàng trăm “nghĩa quân Tây Sơn” đang tụ họp ở khu vực Bến Trường Trầu (di tích thời Tây Sơn) cạnh Sông Kôn. Tìm đến gần xem họ mới biết đó là lực lượng VĐV của 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện chuẩn bị tranh tài cự li chạy đồng đội theo hình thức như cách tiến quân “thần tốc” của nghĩa quân Tây Sơn ra Thăng Long đại phá quân Mãn Thanh xâm lược.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn cho biết: “Nhằm có hoạt động thi đấu thể thao vui xuân mang ý nghĩa kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Trung tâm đã phối hợp với Phòng VH-TT huyện, Bảo tàng Quang Trung lần đầu tiên tổ chức Hội thi “Hành binh thần tốc”. Qua đó, nhằm giúp cho lực lượng VĐV trẻ tham gia tìm về nguồn cội truyền thống lịch sử hào hùng, cảm nhận được tinh thần quyết tâm cao nhất, cùng thể lực sung mãn của nghĩa quân Tây Sơn thể hiện qua cách hành quân sáng tạo, thần tốc, bất ngờ khiến quân Tây Sơn không kịp trở tay...”.
Khách vào tham quan đông kín nhà lưu niệm Bảo tàng Quang Trung vào sáng mùng 5 Tết. Ảnh Hoài Thu
Hội thi đã diễn ra hào hứng khi các VĐV mặc trang phục “không đụng hàng” ở những cuộc thi thể thao khác, đó là trang phục áo vải, thường được sử dụng khi nói về nghĩa quân Tây Sơn. Mỗi đội đại diện cho xã, thị trấn gồm có 5 “nghĩa quân”, trong đó có 2 người khiêng võng và 1 người nằm trên chạy cự li khoảng 150 m, cùng 2 người khác chạy theo cạnh bên để sẵn sàng tiếp sức. Căn cứ vào thời gian chạy của mỗi đội để chọn ra 4 đội trao giải. Kết quả khá sít sao: đội thị trấn Phú Phong đoạt giải nhất với thời gian 21 giây 62; đội xã Bình Hòa giải nhì với thời gian 22 giây 86; xã Bình Thành giải ba với thời gian 23 giây 78; xã Tây Thuận giải tư với thời gian 23 giây 94.
Hàng vạn du khách trẩy hội Đống Đa. Ảnh: Văn Lưu
Tìm về cội nguồn truyền thống lịch sử hào hùng
Nhà trưng bày mới được đầu tư nâng cấp của Bảo tàng Quang Trung đã góp phần thu hút đông đảo hơn người dân và du khách đến tham quan vào sáng mùng 5 Tết. Nhiều gia đình, nhóm bạn bè đã đứng chụp hình lưu niệm dưới chân tượng Tây Sơn tam kiệt vừa mới được tôn tạo lại đẹp và hoành tráng hơn, đặt ở vị trí trang trọng đầu nhà trưng bày, phía trên tượng là những lời hiểu dụ tướng sĩ bất hủ của vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”.
Phòng chiếu phim 3D trong nhà lưu niệm Bảo tàng Quang Trung luôn thu hút khách. Ảnh Hoài Thu
Nhiều người đã ghé tham quan Bảo tàng Quang Trung trước đây, bày tỏ nhiều sự ngạc nhiên trước thiết kế, cách bố trí khoa học, đẹp mắt, hiện đại hơn rất nhiều của nhà trưng bày hiện nay. Cụ Nguyễn Hiệu (70 tuổi), một cán bộ hưu trí ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đi cùng con cháu viếng Bảo tàng Quang Trung trong dịp vui hội Đống Đa. Đã nghe nói trước nhưng quả thật bất ngờ và tự hào khi nhà trưng bày đẹp và hiện đại hơn nhiều so với tôi nghĩ, sẽ góp phần tạo sự hấp dẫn lực lượng trẻ đến tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương Tây Sơn Bình Định....”. Phòng chiếu phim 3D trong nhà lưu niệm luôn đông nghẹt khách, thích thú khi được trải nghiệm xem phim với cách thể hiện sống động, hiện đại về các chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Ngọc Hồi - Đống Đa của thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ và binh hùng tướng mạnh nhà Tây Sơn.
Biểu diễn nhạc võ Tây Sơn vào sáng mùng 5 Tết. Ảnh Hoài Thu
Nằm sát gần bên cạnh nhà trưng bày là nhà diễn võ cũng mới vừa được đầu tư nâng cấp mới rất đẹp, phục vụ tốt hơn cho khách thưởng thức nhạc võ Tây Sơn. Ngay suất diễn đầu tiên vào 9 giờ 30 sáng mùng 5 Tết, các hàng ghế ngồi đều kín khán giả. Mọi người say sưa theo dõi, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh để lưu lại những ấn tượng đẹp về trống trận Tây Sơn độc đáo và hào hùng, những bài võ cổ truyền Bình Định đặc sắc, lợi hại...“Đội nhạc võ đã huy động thêm lực lượng cộng tác viên là những VĐV ở các võ đường của huyện đã từng đoạt giải cao nội dung hội thi ở các giải võ cổ truyền tỉnh, cùng tham gia biểu diễn những tiết mục mới mang đậm đặc trưng của võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định. Nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu xem nhạc võ tăng cao của khách trong dịp lễ hội Đống Đa, ngoài 4 suất diễn chính thức, chúng tôi cũng sẵn sàng phục vụ thêm theo yêu cầu...”, võ sư Lê Xuân Nam, Đội trưởng Đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung, cho biết.
Thư viện tỉnh phối hợp Trung tâm VH - TT - TT huyện Tây Sơn tổ chức Hội thi tìm hiểu triều đại Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ảnh Thảo Khuy
Cũng trong sáng mùng 5 Tết tại Bảo tàng Quang Trung, Thư viện tỉnh phối hợp Trung tâm VH - TT - TT huyện Tây Sơn tổ chức Hội thi tìm hiểu triều đại Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tham gia Hội thi có các Trường: THPT Nguyễn Huệ, THPT Quang Trung, THCS Võ Xán, THCS Bùi Thị Xuân. Hội thi có 2 thể thức: trắc nghiệm và tự luận đan xen nhau. Nhờ chuẩn bị kỹ càng, có những câu hỏi, người dẫn chương trình chỉ nêu câu hỏi và không nói theo thể thức nào, nhiều em vẫn tự tin giơ tay. Em Mai Huy Hoàng (học sinh lớp 7A6, Trường THCS Võ Xán) bình tĩnh trả lời câu hỏi khó “Quang Trung chia quân thành mấy đạo quân và nhiệm vụ của từng đạo quân” nhận được tràn vỗ tay giòn giã của các bạn. Bên cạnh đó, xuyên suốt hội thi, các câu hỏi luôn được các em học sinh trông đợi được trả lời, tạo không khí vui tươi, sôi nổi...
Vui hội bài chòi cổ Bình Định
Một món ăn tinh thần “đậm đà” quyến rũ người dân và du khách về vui hội Đống Đa ở Bảo tàng Quang Trung là Hội đánh bài chòi cổ Bình Định. Năm nay, hội bài chòi bắt đầu phục vụ người chơi từ chiều mùng 4 Tết, với nhiều hiệu là những nghệ nhân giỏi được nhiều người biết đến như Nghệ nhân ưu tú Minh Đức, Hữu Phước, Nguyễn Phú, Quý Nhất...
Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bảo tàng Quang Trung vào sáng mùng 5 Tết. Ảnh Thảo Khuy
Không ít cụ già, dáng người lọm khọm, ốm yếu vẫn nhờ con cháu chở đến tham gia hội, liên tục mua thẻ bài ủng hộ. Cụ Nguyễn Thị Châu (80 tuổi, ở thị trấn Phú Phong) chia sẻ: “Khi có hội đánh bài chòi càng thêm vui hơn ở hội Đống Đa những năm gần đây, năm nào tôi cũng đến chơi. Lúc nãy bà vừa thắng cuộc, giờ mua thẻ bài chơi tiếp, dù chân đau yếu nên không lên chòi được, ngồi ở dưới cũng không sao. Hiệu hô hay, năm nay có nhiều câu thai mới rất vui...”.
Không chỉ người chơi mong đợi tổ chức Hội đánh bài chòi để tham gia, các nghệ nhân cũng mong chờ không kém. Trong dịp Tết cổ truyền, Nghệ nhân ưu tú Minh Đức nhận được rất nhiều lời mời làm hiệu hô bài chòi cổ, nhưng với bà thì hô bài chòi ở Bảo tàng Quang Trung dịp Lễ hội Đống Đa là mang nhiều ý nghĩa nhất. “Lễ hội Đống Đa hằng năm luôn thu hút rất đông người dân và du khách, nên nghệ nhân chúng tôi tích cực phục vụ để giới thiệu, quảng bá rộng rãi về loại hình di sản phi vật thể độc đáo của quê hương Bình Định...”, nghệ nhân ưu tú Minh Đức bộc bạch.
HOÀI THU - THẢO KHUY