Xuân của niềm vui và hy vọng…
Có những niềm vui như se lại trong ngôi nhà ấm cúng, có niềm vui xuân lại như tỏa lan trong từng câu ca, điệu hát của người nghệ sĩ lặng lẽ góp thêm sắc xuân cho đời, có niềm vui xuân như len lén cháy theo bao ước vọng về những ấp ủ, dự định, chấp chới hy vọng phía trước.
Thắp hương ông bà đầu năm là một nét đẹp truyền thống của gia đình Việt.
Khi cành mai hiên trước đã khoe sắc, cánh én đưa thoi mang mùa xuân hé nụ thì cũng là lúc tiếng cười ròn rã ngày sum vầy làm lòng người thêm nao nức. Những ngày Tết Kỷ Hợi này, gia đình nhà văn Lưu Thị Mười chọn đón Tết, du xuân khác mọi năm. Ấy là sau khi dành thời gian cho ông bà những ngày cuối Chạp, mùng Một cả nhà đưa nhau từ Phù Mỹ đi chợ Gò ở Tuy Phước để cảm nhận cái nét Tết quê trong phiên chợ sớm đầu năm với cảnh bán mua khe khẽ như trao gửi nhau chút lộc đầu năm. Và rồi, gia đình nhà văn quyết định du xuân, ở một nơi xa.
Chị Mười chia sẻ: “Đi du xuân ở một số nơi để dành trọn vẹn thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi và nạp năng lượng cho hành trình tiếp theo với mong ước một năm trọn vẹn hơn cả trong công việc lẫn sáng tác”. Chị tiết lộ, đã lên khung ý tưởng một truyện ngắn, sau chuyến du xuân trở về, chị sẽ bắt tay ngay vào khai bút.
Hái lộc đầu xuân.
Cũng một chuyến đi xa, nhưng với gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Cần thì đây là chuyến đi để trở về. Chọn Quy Nhơn lập nghiệp nhiều năm, nhưng mỗi khi Tết đến, anh vẫn cố gắng thu xếp đưa gia đình về cố xứ Quảng Nam. Anh kể nhiều về quê hương với niềm tự hào, về bao ký ức gắn bó gia đình, có đoàn nhạc "Sắc bùa" vào hát chúc tết đêm ba mươi bằng những làn điệu dân ca có một bản sắc riêng của vùng Duy Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam) mà chắc ít nơi còn giữ.
“Nó đưa mình về với ký ức tuổi thơ cứ đêm 30 là thức chờ đội nhạc này. Họ hát những bài chúc tết gần như hô bài chòi mà tôi thường nghe ở xứ Nẫu”, họa sĩ Cần tâm sự. Gia đình đưa nhau đi Hội An, tìm về nét đẹp cổ kính và ký ức một thời anh từng gắn bó với nơi này vẽ, bán tranh. “Tại đây, thả tầm nhìn ngút ngát con phố cổ nghe miên man mùa xuân về mà lòng trỗi dậy nhiều cảm xúc”, anh chia sẻ. Người họa sĩ chọn Bình Định làm nơi lập nghiệp này sau mỗi chuyến trở về là có thêm những gom nhặt thú vị như một cách nạp năng lượng. Từ xứ Quảng - một khoảnh không gian địa lý đủ xa để anh hình dung về nơi chốn mình định cư, về những dòng, những luồng văn hóa mà chịu ảnh hưởng và chúng bắt đầu kết tinh nơi anh dự định vẽ tranh đề tài văn hóa cổ truyền, mà ở đó có sự hòa ca cả nét văn hóa xứ Quảng và xứ Nẫu.
Các nghệ sĩ Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định chuẩn bị cho mùa diễn tháng Giêng.
Khác với nhiều người, nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng - ở xứ trung du Hoài Ân - dành phần nhiều thời gian cho gia đình. Với Tưởng, Tết là dịp để nhìn lại và hy vọng vào tương lai, để soi mình trong truyền thống và giữ gìn nền tảng văn hóa từ trong mỗi nếp nhà. Tưởng tâm sự: “Nấu bánh chưng ngày giáp Tết, thắp hương ông bà, lên chùa hái lộc đầu năm, cầu bình an cho gia đình… là những việc mà gia đình tôi hay làm, rồi dần dần với tôi đó thành một thứ nghi thức mà khi dự phần vào đó tâm hồn mình rung trên một cung bậc khác hẳn so với bình nhật. Đặc biệt, những ngày này, mấy anh em đi làm xa nhà mới có dịp sum vầy nên bữa cơm gia đình được chúng tôi rất trân trọng”. Năm 2018, Tưởng ra mắt khá ấn tượng với tập thơ Ngồi gỡ tơ trời. Anh tiết lộ rằng vừa hoàn thành xong bản thảo tập tản văn, một thể nghiệm mới trong sáng tác, hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ. Mùa xuân trên vùng trung du dường như đã phả vào Tưởng nhiều chia sẻ mà có lẽ ngày thường sẽ không có.
Đôi khi, niềm vui ngày xuân là cả gia đình ngồi bên nhau cùng ly cà phê bên vỉa hè. Ảnh: NGUYỄN VĂN CẦN
Trong những ngày này, khi nhiều người đang vui vầy bên gia đình thì thầm lặng đâu đó vẫn có những người nghệ sĩ phải tạm xa mái ấm để góp thêm sắc xuân cho đời bằng những miệt mài lao động nghệ thuật. Từ xứ biển Quy Nhơn, biên đạo múa Hoàng Việt cho hay những ngày Tết, những nghệ sĩ như anh phải làm việc liên tục. Với vai trò biên đạo anh chịu trách nhiệm biên đạo nhiều tiết mục lớn phục vụ trong Tết Nguyên đán. Tối đến, anh lại ra sân hô Bài chòi. Với anh, niềm vui ngày xuân như chan hòa vào lòng người rộn ràng khi họ trao tặng cho người nghệ sĩ những lời khen tặng, những lời chúc sẻ chia. Nghệ sĩ Thùy Dung, Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định chia sẻ: “Những ngày này tôi và nhiều nghệ sĩ luyện tập liên tục để chuẩn bị diễn trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Sau đó, tiếp tục đi diễn ròng rã ở nhiều địa phương để phục vụ bà con. Tuy diễn cực, nhưng nhìn thấy tình cảm bà con với mình và các nghệ sĩ, thấy niềm vui nhen lên từ phía đối diện sân khấu, mình cũng thấy ấm áp”.
VÂN PHI