Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn
Ông Nguyễn Kim Phương
Công nghiệp (CN) phục vụ nông nghiệp, nông thôn (NN, NT) là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Phương,Giám đốc Sở Công Thương, về vấn đề này.
- Ông có thể cho biết về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành CN phục vụ NN, NT ở tỉnh ta?
Những năm qua, tỉnh ta rất quan tâm phát triển các ngành CN phục vụ NN, NT. Bằng nhiều nguồn kinh phí, tỉnh đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào khu vực nông thôn. Các địa phương cũng đã tích cực xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, cụm CN, làng nghề, tạo điều kiện cho các ngành CN phục vụ NN, NT phát triển... Nhờ đó, nhiều ngành CN phục vụ NN, NT phát triển khá, như chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đường... Giai đoạn 2006 - 2010, CN phục vụ NN, NT ở tỉnh ta tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn đạt 21,9%/năm (tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành đạt 16%/năm). Riêng năm 2012, giá trị sản xuất CN phục vụ NN, NT trên địa bàn tỉnh đạt 2.450 tỉ đồng, chiếm 30,4% giá trị toàn ngành CN tỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển CN phục vụ NN, NT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Cụ thể, các ngành CN chế biến thủy sản, mía, mì vẫn tiếp tục thiếu nguyên liệu. Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn chậm, chưa phổ cập rộng rãi trong sản xuất; khả năng cơ giới hóa trong sản xuất còn thấp. DN tư nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, nhưng quy mô DN vẫn còn nhỏ, chủ yếu làm dịch vụ (chỉ khoảng 5-10% liên quan đến sản xuất) và chỉ phát triển mạnh ở ven đô thị, hoặc nơi có kết cấu hạ tầng tương đối phát triển. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở các vùng sản xuất, chế biến ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa đầu tư hệ thống lọc bụi, nhiều cơ sở sản xuất chưa có hệ thống thoát nước chung, việc thoát nước mang tính cục bộ, nước thải chảy tràn ra các khu vực lân cận, thải ra vườn hoặc đổ xuống sông, hồ, gây ô nhiễm môi trường.
Công nhân Công ty CP Đường Bình Định đang vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất đường. Ảnh: V.L
- Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém?
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém của ngành CN phục vụ NN, NT là do việc phát triển vùng nguyên liệu còn manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành CN chế biến, dẫn đến thiếu nguyên liệu sản xuất. Chủ trương tiêu thụ nông sản theo hợp đồng được Thủ tướng Chính phủ thông qua hơn 10 năm (Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24.6.2002), nhưng đến nay cả DN chế biến lẫn người có nguyên liệu đều không mấy mặn mà, vì quá trình thực hiện chưa có những cơ chế chia sẻ khó khăn và lợi ích một cách hợp lý, khi có lợi bên này có thể bỏ rơi bên kia. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa hiệu quả. DN, cơ sở sản xuất chưa tiếp cận đầy đủ các chính sách khuyến khích phát triển CN phục vụ NN, NT của Nhà nước.
Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai các chương trình liên ngành có một số mặt chưa đồng bộ (công tác thẩm định các đề án khuyến công, bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác xác định mặt bằng cho thuê đất). Bộ máy chuyên trách quản lý CN ở địa phương vẫn còn yếu và thiếu, chưa đủ sức tham mưu phát triển. Chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các DN trong cùng một ngành nghề, hợp tác sản xuất giữa các DN còn mờ nhạt, chưa phát huy được lợi thế trong việc tổ chức sản xuất và cung ứng nguyên liệu. Các DN có quy mô nhỏ, thiếu vốn, công nghệ, khó tạo nên hạt nhân có sức lan tỏa mạnh. Chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn thấp, thiếu tác phong CN, năng suất lao động thấp...
- Trong thời gian đến, tỉnh ta có những giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển CN phục vụ NN, NT, thưa ông?
Mục tiêu của tỉnh ta là phấn đấu đến năm 2015, tỉ trọng CN phục vụ NN, NT trong cơ cấu CN cả tỉnh đạt 34-35%; tốc độ tăng trưởng đạt 18,8%/năm. Đến năm 2020, tỉ trọng CN phục vụ NN, NT trong cơ cấu CN cả tỉnh đạt 32%; tỉ lệ lao động trong CN phục vụ NN, NT đạt trên 35%, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 70%.
Để thực hiện đạt mục tiêu này, trong thời gian đến, tỉnh ta sẽ chuyển đổi mạnh chính sách đầu tư theo hướng tập trung ưu đãi hơn nữa cho phát triển CN phục vụ NN, NT. Thu hút nguồn vốn đầu tư của các DN trong và ngoài nước, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án. Phát huy hiệu quả các quỹ hỗ trợ đã và sẽ hoạt động như: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác xã, Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư phát triển địa phương; phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại… Tăng cường thu hút đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các cụm CN theo quy hoạch, tổ chức hệ thống dịch vụ phù hợp để thu hút các DN đầu tư vào khu vực nông thôn.
Tập trung đầu tư thích hợp nhằm nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến giao thông quan trọng từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bao gồm các tuyến đường kết nối, đường giao thông tới các cụm CN. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, vận động và hỗ trợ kinh phí cho DN tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất mía, mì... tập trung trên cơ sở thực hiện phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất, đồng thời phải tiêu chuẩn hóa các loại nguyên liệu đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm sản xuất. Bên cạnh đó, việc phát triển CN phục vụ NN, NT phải đảm bảo mục tiêu bền vững môi trường, trong đó phải đạt các tiêu chí: 70% khu, cụm CN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 90% chất thải ở các cơ sở sản xuất được thu gom; 90% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để.
- Xin cảm ơn ông!
NGỌC THÁI (Thực hiện)