Giữ Tết Việt ở xứ người
Dù không thể về ăn Tết cổ truyền cùng gia đình ở Bình Ðịnh, nhiều chị em xứ Nẫu ở nước ngoài vẫn làm mâm cơm cúng, mặc áo dài, trang trí nhà đón tết như ở Việt Nam. Họ dành tình yêu cho quê hương và nhắc nhở con cháu nhớ về truyền thống văn hóa quê nhà.
Giữ nét cổ truyền
Theo gia đình định cư ở Warszawa (Ba Lan) gần 10 năm, chị Nguyễn Thị Lan, 38 tuổi, ít khi được về thăm quê vào dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng, Tết đến, chị vẫn thu xếp công việc, lịch học tập của hai con trai để cùng gia đình trang trí cây mai vàng, mâm cỗ với bánh chưng, bánh tét ngày Tết. Các vật dụng trang trí đều là đồ giả đem từ Việt Nam sang nhưng đủ làm chị ấm lòng. Cứ đến 30 tháng chạp, chị lại nấu mâm cơm với món thịt kho tàu, chả lụa, chả ram để cúng tưởng nhớ ông bà và quây quần với chồng con. Thời điểm Tết Kỷ Hợi, ở Ba Lan nhiệt độ -11 độ c, tuyết trắng xóa, chị Lan vẫn ấm lòng vì được cùng chồng con chúc Tết, lì xì đầu năm... Chị Lan kể: “10 năm trôi qua, Tết mà không về được là nhớ quê quay quắt. Chồng tôi người Ba Lan nhưng cũng tâm lý và hiểu nỗi buồn của vợ nên luôn ở nhà cùng tôi lo mọi việc đón Tết. Hai con trai cũng biết phụ mẹ trang trí cây mai, học những câu chúc Tết qua internet. Chồng còn hẹn gia đình tôi ở TP Quy Nhơn cùng lên mạng nói chuyện, chào hỏi, động viên nhau”.
Do phải đi làm xa nhà, anh Pieere Bronsard (41 tuổi) chồng chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (33 tuổi, quê thị trấn Đập Đá, TX An Nhơn) đang sống ở Pháp đã điện thoại cho ba mẹ ruột qua đón ba mẹ con chị về nhà trong suốt những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Nhờ đó, chị Phượng có dịp trổ tài nội trợ như gói bánh tét, làm củ kiệu muối chua, bánh hỏi, thịt luộc, canh khổ qua... đãi gia đình nhà chồng. Hai con của chị Phượng (bé Lin 3 tuổi và bé Leo 1 tuổi) cũng xúng xính áo dài, hát bài chúc tết mừng xuân bằng tiếng Việt. Với chị Phượng, dù về quê ăn tết hay không chị cũng cố gắng cho các con và gia đình chồng cảm nhận về truyền thống Tết của người Việt như thế nào. Chị Phượng kể: “Các con còn khá nhỏ nên chưa hiểu hết được những giá trị văn hóa của quê ngoại. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ lơ là việc truyền dạy cho con những giá trị đó. Ngoài nấu các món ăn Việt, mình hay cùng gia đình xem video về Tết ở Việt Nam như thế nào”.
Cùng cộng đồng người Việt đón Tết
Có nhiều chị em quê Bình Định đang sinh sống ở San Jose (Bắc California) và quận Cam (Nam California) được vui vẻ đón tết cùng cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chị Nguyễn Đoàn Bảo Trâm, hiện ở Pacific Ave, Santa Ana, CA (Mỹ) vẫn chuẩn bị mâm cơm cúng trong 3 ngày Tết với đầy đủ các món ăn truyền thống và quây quần bên ba mẹ, anh chị em cùng chúc Tết nhau như tại Việt Nam. Còn chị Nguyễn Thị Riêng (quê ở Tây Sơn) hiện ở San Jose (Mỹ) cùng gia đình mặc áo dài và nấu ăn đón Tết. Vì cộng đồng người Việt ở bang California khá đông, chợ Châu Á khá sầm uất nên việc mua sắm chuẩn bị cho Tết cổ truyền của người Việt thuận lợi, dễ dàng. Họ còn tổ chức hội chợ, lễ hội Tết với múa lân, đốt pháo... Vì Tết cổ truyền Việt Nam trùng với ngày làm việc nên nhiều chị em tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần trước lo trang trí nhà cửa, chụp ảnh gia đình. Chủ nhật tuần kế tiếp mới mời bạn bè, họ hàng cùng sang nhà chúc Tết, lì xì, ăn uống ôn lại những câu chuyện vui khi được thưởng thức Tết ở quê hương...
Tết đến, gia đình chị Trâm ở Mỹ, lại chuẩn bị áo dài cho các con.
Đối với những người định cư ở nước ngoài, năm đầu tiên đón Tết ở khu vực có nhiều người Việt sinh sống cũng rất buồn vì nhớ Tết quê. Chị Nguyễn Như Hồng (42 tuổi, ở TP Quy Nhơn) hiện theo chồng định cư từ tháng 9.2018 ở CH Séc, kể: “Tết đầu tiên xa nhà, tôi nhớ quê hương vô cùng nên cũng muốn làm món gì đó mang hương vị Tết. Ngặt nỗi mới sang nên tôi không biết nhiều về các nguồn đặt mua thực phẩm từ châu Á”. Tuy vậy, chị Hồng được an ủi rất nhiều khi được chồng là anh Lê Văn Tân (50 tuổi, ở Phù Cát) định cư ở CH Séc đã lâu, rủ bạn bè, người thân cùng quê ở CH Séc tập trung nấu ăn, vui đón Tết tại nhà cho vợ đỡ buồn. Mỗi người đã trổ tài nấu một món ngon, đậm đà truyền thống cùng nhau ôn lại không khí Tết cổ truyền của quê hương.
Những phụ nữ sống xa quê hương, dù không có điều kiện về Việt Nam đón Tết Nguyên đán 2019 nhưng bằng cách này hay cách khác, họ luôn có những cách thức khơi gợi cho người thân bên cạnh biết và nhớ về cội nguồn.
HẢI YẾN