Tết yên vui hơn, nhưng...
Không khí đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - năm 2019 diễn ra tưng bừng khắp nơi trong tỉnh với nhiều chương trình lễ, hội đặc sắc được chính quyền các địa phương tổ chức. Tuy nhiên, trong thời gian đón tết, vui xuân tại nhiều nơi cũng như những điểm tổ chức lễ hội vẫn còn xuất hiện những “hạt sạn”.
Pháo nổ nhiều nơi
Theo ghi nhận của PV, trong những ngày Tết, hiện tượng đốt pháo nổ xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt tại TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, Vân Canh, TX An Nhơn… bất chấp lệnh cấm đốt pháo nổ; nhiều nhất là trong thời khắc đón năm mới Kỷ Hợi 2019.
Pháo nổ xuất hiện từ khu dân cư trong thôn, xóm ra đến quốc lộ, tỉnh lộ. Nhiều người còn quay video cảnh đốt pháo phát trực tiếp trên mạng xã hội. Những mâu thuẫn xuất phát từ việc đốt pháo hay những vụ TNGT bắt nguồn từ nguyên nhân đốt pháo cũng đã xảy ra. Đó là chưa kể, nhiều thanh thiếu niên thiếu ý thức bỏ pháo nổ vào các lon bia, chai lọ đốt lên và ném vào nhà người dân tạo ra những tiếng nổ chát chúa, khiến nhiều gia đình, người đi đường hoảng hốt, gây mất an toàn đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trong mỗi dịp Tết, CA các địa phương trong tỉnh thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân không tiếp tay, tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ trái phép. Tuy nhiên thực tế việc mua bán, vận chuyển, đốt pháo nổ vẫn diễn ra. Pháo nổ nói chung và pháo hoa nổ nói riêng được các đối tượng sử dụng chủ yếu mua, vận chuyển từ Trung Quốc về.
Chưa trật tự và vệ sinh
Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều địa phương trong tỉnh lại tổ chức lễ, hội đón chào năm mới, tạo cơ hội vui chơi cho bà con nhân dân. Bên cạnh những mặt tích cực, năm nay một số lễ, hội vẫn còn xuất hiện những “hạt sạn”, khiến không ít người phiền lòng.
Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã cắm biển cấm bán hàng rong trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, song cảnh người dân buôn bán vẫn diễn ra.
Đơn cử, Lễ hội Chợ Gò (huyện Tuy Phước) diễn ra vào mùng 1 và mùng 2 Tết kết thúc thì rác thải vương vãi ở khắp nơi, khiến môi trường và mỹ quan khá nhếch nhác. Chưa kể, trong những ngày diễn ra lễ hội, một số hộ gia đình có nhà ở ven đường tranh thủ kinh doanh dịch vụ giữ xe, tràn ra đường tranh giành, lôi kéo khách, góp phần không nhỏ vào tình trạng kẹt xe, lộn xộn.
Tại Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra mùng 4, mùng 5 Tết, khâu quản lý về ANTT khu vực diễn ra lễ hội tuy được thắt chặt, không có tình trạng người ăn xin hay xem bói như mọi năm. Song, hiện tượng mua bán hàng rong trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung diễn ra tràn lan, nhất là các dịch vụ ăn uống, thậm chí còn có tình trạng đốt lửa nướng đồ ăn ngay trong khu vực vườn cây xanh, dù Ban tổ chức đã cắm biển cấm bán hàng rong, làm mất đi sự tôn nghiêm của nơi tổ chức lễ. Chưa hết, nạn buôn bán hàng rong tràn lan hai bên đường, chèo kéo khách gây cản trở giao thông. Đặc biệt, khu vực sân vận động trước Bảo tàng sau khi tổ chức lễ kỷ niệm vào tối mùng 4 Tết thì đến sáng mùng 5 Tết không khác gì một bãi rác, gây khó chịu cho nhiều du khách đến tham quan.
Khu vực sân vận động trước Bảo tàng Quang Trung sau khi tổ chức lễ kỷ niệm vào tối mùng 4 Tết tràn ngập rác.
Bên cạnh đó, tranh thủ những dịp lễ hội, các dịch vụ “ăn theo” như trông giữ xe, ăn uống, giải khát mọc tràn lan; đẩy giá cao nhiều lần so với ngày thường. Tại một số lễ hội, còn diễn ra các trò chơi mang tính cờ bạc, ăn thua như bầu, cua, tôm, cá...
Những hình ảnh chưa đẹp
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) được tổ chức hàng năm vào chiều mùng 2 Tết. Năm nay, Lễ hội được chính quyền địa phương tổ chức bài bản hơn. Tham gia tranh tài có hơn 70 VĐV đội đua thuyền của ngư dân 4 xã ven đầm Thị Nại: Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng. Các VĐV thi đấu các nội dung: đua sõng câu bơi dầm nam, nữ cự li 500 m; đua thuyền rồng tập thể nữ cự li 1.000 m; đua thuyền rồng tập thể nam cự li 2.000 m. Các cuộc đua diễn ra sôi động với sự cổ vũ của hàng vạn khán giả đứng dọc hai bên bờ sông.
Một nhóm thanh niên đứng trên ghe máy uống bia hò hét trong Lễ hội đua thuyền trên sông Gò Bồi.
Tuy nhiên, quá trình diễn ra Lễ hội, một số thanh niên, mình mẩy xăm trổ đã thiếu văn hóa trong cổ vũ, đứng trên ghe máy cởi áo, uống bia rượu, xả rác xuống sông, hò hét zô…zô… 1, 2, 3 … uống. Thậm chí, các đối tượng còn nô đùa đẩy nhau trên ghe máy, có đối tượng rơi xuống sông suýt đuối nước nếu không có lực lượng cứu hộ cứu giúp. Quá trình diễn ra cuộc đua, có những chiếc ghe máy “không mời” vẫn chạy băng băng vào đường đua làm cho cuộc đua bị gián đoạn. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, nhận xét: Lần đầu về quê được xem Lễ hội đua thuyền tôi rất thích. Tuy nhiên, tôi thấy một số khán giả đến cổ vũ còn có những hành vi phản cảm, khiến nhiều người khó chịu. Mong rằng, Ban tổ chức lễ hội đua thuyền năm sau rút kinh nghiệm không để xảy ra những hiện tượng này.
ĐẠI NAM - NAM KHÁNH - LÊ THỤC