Vận chuyển hành khách sau Tết Nguyên đán: Nỗ lực đáp ứng hết nhu cầu
Sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chuyện tàu xe đi lại luôn rất “nóng”. Tuy nhiên, năm nay nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, theo ghi nhận của chúng tôi, tại các nhà ga, bến xe, sân bay không xảy ra tình trạng lộn xộn, ùn ứ khách.
“Nóng” tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh
Từ ngày mùng 4 đến mùng 6 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ghi nhận tại Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn, có rất đông hành khách đến bến xe để đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày tại bến xe có khoảng 270 chuyến xe xuất bến đi các tỉnh, tăng nhiều lần so với ngày thường. Trong đó, riêng tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh tăng cao nhất, mỗi ngày có 60 chuyến xe xuất bến, vận chuyển trên 2.000 lượt hành khách, tăng 10% so với dịp Tết năm ngoái.
Hành khách lên tàu tại Ga Diêu Trì.
Hiện, giá vé xe khách tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh dao động ở mức từ 420 - 650 ngàn đồng/vé, tăng khoảng 60%. Dự kiến, những ngày sau Tết Nguyên đán, riêng tuyến Quy Nhơn đi TP Hồ Chí Minh, các DN vận tải tại Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn sẽ vận chuyển khoảng 16.000 lượt hành khách.
Ông Nguyễn Đức Nhân, Trưởng Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn, cho hay: “Sẽ khó xảy ra chuyện thiếu xe dịp này. Và, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, tránh tình trạng mất trật tự ATGT, Bến xe khách Trung tâm Quy Nhơn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra các thủ tục giấy tờ xe, lệnh xuất bến, lái xe và người phục vụ trên xe theo đúng các quy định. Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là vừa không để khách ứ đọng tại bến do thiếu phương tiện vừa đảm bảo các điều kiện an toàn, đúng quy định”.
Thông tin từ hãng xe An Phú (khai thác tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh), bắt đầu từ mùng 4 Tết, DN này đã đưa 4 xe giường nằm loại 36 - 46 chỗ vào hoạt động. “Do nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao nên vé xe đến mùng 9 Tết đã bán hết trước Tết. So với mọi năm thì lượng khách chọn đi xe giường nằm năm nay tăng hơn do đường sá đi lại khá tốt, xe được đầu tư hơn, nhà xe phục vụ ân cần. Tuy nhiên, do lượng hành khách đi vào các tỉnh phía Nam tăng cao nên phải qua rằm tháng Giêng thì việc vận chuyển hành khách mới ổn định trở lại”, ông Văn - chủ hãng xe An Phú cho hay.
Trong khi đó, với ngành đường sắt, ngoài các chặng đường ngắn từ Diêu Trì đi Nha Trang, Ninh Thuận là còn vé, thì chặng Diêu Trì đi TP Hồ Chí Minh đã “cháy” vé từ trước Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Phúc Tích, Đội trưởng Khách hóa vận, Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Diêu Trì cho hay, từ mùng 6 đến 12 tháng Giêng âm lịch là đợt cao điểm đi lại của hành khách chặng từ Bình Định đi TP Hồ Chí Minh. Hiện, mỗi ngày trên tuyến này có 15 đội tàu đi lại, vận chuyển hơn 2.000 lượt hành khách. “Tuy vé các ngày cao điểm sau Tết đã được bán hết, nhưng hành khách từ Diêu Trì đi TP Hồ Chí Minh có thể liên hệ với nhà ga trước giờ tàu chạy để mua những vé do hành khách ở ga và các ga trước đó trả lại”, ông Tích nói.
Đối với ngành hàng không, thời điểm sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines, Bamboo Airway cũng đã tăng số chuyến bay từ Quy Nhơn đi TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ông Trần Văn Triển, Giám đốc Cảng hàng không Phù Cát, cho biết: “Hiện mỗi ngày tại sân bay Phù Cát có 20 chuyến bay vận chuyển 4.000 hành khách từ Bình Định đi TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tăng 50% so với bình thường. Trong đó, các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific đã tăng từ 4 - 8 chuyến bay/ngày từ mùng 4 đến mùng 10 Tết”.
Vẫn còn tình trạng “chặt chém” khách
Nhìn chung, công tác vận tải hành khách sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được các DN, bến xe trong tỉnh thực hiện khá chu đáo, đảm bảo đủ phương tiện phục vụ. Tuy nhiên, qua phản ánh của một số hành khách đi lại bằng đường bộ trên tuyến Bình Định - TP Hồ Chí Minh, vẫn còn một số nhà xe nâng giá vé vượt quá quy định.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền, hành khách đi tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh sáng mùng 6 Tết, phản ánh: Để kịp vào TP Hồ Chí Minh đi làm, tôi đã liên lạc với một nhà xe đặt mua vé nhưng nhà xe thông báo là hết vé. Tuy nhiên, hành khách muốn đi thì phải đặt cọc trước 300 ngàn đồng, đến khi lên xe sẽ thông báo cụ thể giá vé. “Ngày thường tôi đi tuyến Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh chỉ có 230 ngàn đồng/chuyến, nhưng đợt Tết này tôi vào, nhà xe hô giá đến 750 ngàn đồng (bao luôn tiền ăn). Cũng sợ không có xe đi vào và vì công việc quá gấp nên họ hô bao nhiêu mình cũng đành chấp nhận!”, chị Hiền bức xúc.
Ngoài chuyện tăng giá vé, theo ghi nhận của PV, tình trạng “xe dù, bến cóc” cũng xuất hiện nhiều trên các tuyến QL 1A, QL 19 đoạn qua địa bàn tỉnh trong đợt cao điểm vận chuyển hành khách sau Tết. Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý cương quyết đối với các trường hợp vi phạm.
GIA NGUYỄN