Giới trẻ với lễ hội cổ truyền
Mấy năm gần đây, ở những lễ hội truyền thống, đặc biệt những lễ hội trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, những người trẻ tham gia khá nhiều. Không chỉ là người trẩy hội, họ còn tham gia trực tiếp từ khâu lên kế hoạch, chuẩn bị đến triển khai thực hiện, biểu diễn...
Chuyển biến này cho thấy người trẻ đã biết cách tìm về với văn hóa truyền thống và văn hóa truyền thống thông qua hành vi của cộng đồng - cụ thể ở đây là những lễ hội - đã dung nạp, điều chỉnh để tiếp nhận người trẻ.
Các bạn trẻ tham gia Hội đánh bài chòi ở Lễ hội Đống Đa.
Người trẻ tại lễ hội
Có thể nói Chợ Gò (huyện Tuy Phước) là lễ hội sớm nhất của tỉnh Bình Định, tờ mờ sáng mùng 1 Tết đã tấp nập. Phiên chợ rộn rã ngay khi giao thừa vừa điểm. Tại Chợ Gò, trầu cau, đu đủ, muối, rau xanh... được bày bán rất nhiều. Nét mới là năm nay có khá nhiều người bán hàng trẻ, lại bán hẳn một món đặc trưng là trầu cau. Khác với những vật phẩm còn lại, trầu cau tại Chợ Gò mang nét văn hóa. Người Bình Định có câu: Đầu xuân đón lộc cầu duyên/ Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò. Và trong tầm lắng nghe của tôi, những người trẻ bán trầu cau tại Chợ Gò đều có lời dạ thưa với khách.
Có lẽ người bán trầu cau trẻ nhất tại Lễ hội Chợ Gò năm nay là bạn Nguyễn Thị Phúc (17 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước). Phúc mỉm cười: “Trước khi bán em có tìm hiểu ý nghĩa của việc mua bán trầu cau đầu năm, ý nghĩa từng lá trầu, quả cau, vôi và rễ. Em đi bán hàng không xúng xính quần áo là lượt như các bạn đi chơi, nhưng em tin sẽ nhận được niềm vui của người mua, đó là cái lộc. Đầu năm vừa có lộc vừa được trẩy hội truyền thống của quê mình, còn gì vui bằng”.
Hội Chợ Gò còn là nơi nhiều người muốn gieo tin vui. Trẩy hội Chợ Gò, chị Nguyễn Trần Nguyên Ly (30 tuổi, quê Đắk Lắk) cho biết: Mẹ chồng dắt tôi đi chợ mua rau muống, trầu cau... Mẹ nói rằng đi Chợ Gò như thế sang năm mới vợ chồng tôi sẽ có tin vui....
Cùng với Chợ Gò, Lễ hội Đua thuyền trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), Lễ hội Đống Đa (Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn) cũng dập dìu người trẻ. Tham gia Hội đánh bài chòi dân gian ở Lễ hội Đống Đa và may mắn trúng thưởng, em Trần Khánh Linh (học sinh lớp 9, Trường THCS Võ Xán, huyện Tây Sơn) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tụi em tham gia Hội đánh bài chòi, đặc biệt là Hội bài chòi ở lễ hội của quê hương mình. Lễ hội năm nay đông vui và có nhiều hoạt động khiến em và bạn bè cảm thấy rất thích thú”.
Hội thi tìm hiểu triều đại Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung diễn ra sôi nổi.
Để nhiều bạn trẻ đến với lễ hội
Lễ hội là sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng, và có sự thay đổi để phù hợp sự phát triển của xã hội. Ở Lễ hội Chợ Gò, ngoài phần mua bán, xin lộc, huyện Tuy Phước tổ chức ca hát, múa lân, biểu diễn võ thuật, đánh cờ người, thu hút nhiều người trẩy hội và xem biểu diễn. Nếu trước kia, Chợ Gò chỉ có tò he, gà cồ chút chít là đồ chơi cho trẻ con thì nay còn có cả khu trò chơi kiểu mới như: tàu điện, đu ngựa, tô tượng… - một cách để trẻ có ký ức và quen với lễ hội cổ truyền.
Cùng với đó, ở Lễ hội Đống Đa, ngoài viếng, thắp hương Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, du khách còn được đắm mình trong nhiều không gian văn hóa như tham quan, xem phim tư liệu ở Bảo tàng, xem biểu diễn nhạc võ, tham gia Hội đánh bài chòi dân gian, các trò chơi dân gian và các chương trình biểu diễn nghệ thuật thu hút đông đảo người xem.
Ở Lễ hội Đống Đa năm nay, ngoài các hoạt động truyền thống, Thư viện tỉnh tổ chức trưng bày, triển lãm sách chuyên đề “Tây Sơn - Nguyễn Huệ”, mô hình xếp sách nghệ thuật Cổng thành Thăng Long. Đặc biệt, Thư viện tỉnh phối hợp Trung tâm VH-TT&TT huyện Tây Sơn tổ chức Hội thi tìm hiểu triều đại Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ với sự tham gia của học sinh 4 Trường: THPT Nguyễn Huệ, THPT Quang Trung, THCS Võ Xán, THCS Bùi Thị Xuân.
Theo ông Võ Văn Nhiếng, Giám đốc Thư viện tỉnh, Hội thi tìm hiểu triều đại Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ dành cho học sinh của huyện Tây Sơn được tổ chức ngay khuôn viên Bảo tàng vào ngày Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa nhằm khơi dậy niềm tự hào về bậc anh hùng ở quê hương, để sau này nếu có đi học hành, làm ăn nơi xa các em sẽ có những kỷ niệm đẹp để nhớ và trở về. Đồng thời đây cũng là dịp để các em học sinh ôn lại, học hỏi lẫn nhau kiến thức lịch sử về triều đại Tây Sơn và góp phần định hướng thói quen đọc, văn hóa đọc cho lớp trẻ.
THẢO KHUY