Niềm vui trên những vườn dừa
Do mang lại hiệu quả kinh tế cao, mấy năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã phát triển nghề trồng dừa. Cây dừa đã dần trở thành cây trồng chủ lực của nhiều nông hộ.
Vườn dừa của anh Nguyễn Văn Tài, ở thôn Phú Khương, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) mang lại thu nhập cao trong mỗi dịp tết đến.
Giáp Tết tôi về xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, trên khắp nẻo đường trong xã, đâu đâu cũng thấy vườn dừa. Theo ông Võ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, toàn xã có khoảng 140 ha dừa ta và dừa xiêm, tập trung nhiều ở thôn Hà Tây, Tân Thịnh. Dừa được bà con trồng và thu hoạch quanh năm, bán chạy nhất là mùa hè và dịp tết.
Đưa chúng tôi tham quan vườn dừa của gia đình với hơn 300 cây dừa xiêm ta, xiêm Thái chỉ cao tầm 1 - 3 m chi chít trái, anh Nguyễn Văn Tài, ở thôn Phú Khương, cho biết, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 80 triệu đồng từ vườn dừa. Theo anh Tài, cây dừa phù hợp trồng trên mọi chân đất, lại dễ chăm sóc. Với giống dừa xiêm Bình Định, đến tuổi thứ 5 sẽ cho trái mỗi năm 1 mùa, nhưng đến tuổi thứ 10 thì mỗi năm cho tới 2 mùa trái.
Còn ông Hoàng Văn Nhân, ở thôn Hà Tây, khoe với chúng tôi: “Không chỉ trồng dừa lấy trái, do ngày càng có thêm nhiều người muốn trồng dừa nên xuất hiện nhiều hộ chuyên sản xuất cây con để bán. Như gia đình tôi trồng 70 cây dừa xiêm ta, mỗi năm cũng thu hoạch được gần 30 triệu đồng từ dừa. Riêng dịp tết vừa qua, bán hơn 600 trái dừa thôi tôi cũng đủ lo tết cho gia đình rồi”.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Toàn huyện có hơn 1.000 ha cây dừa ta, 407 ha cây dừa xiêm lùn, có 100 ha dừa xiêm đã cho thu hoạch, diện tích còn lại đang trong thời kỳ phát triển. Huyện đã đưa cây dừa xiêm lùn vào danh mục giống cây trồng chủ lực của địa phương. Sắp tới, huyện sẽ xây dựng mô hình sản xuất cây dừa xiêm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trên diện tích khoảng 30 ha với kinh phí hỗ trợ theo Chương trình nông thôn, miền núi của Bộ KH&CN”.
Không chỉ ở những địa phương vốn khá nổi tiếng về dừa như Hoài Nhơn, Hoài Ân, do mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định nên dừa được nông dân ở nhiều địa phương khác trong tỉnh chọn làm cây phát triển kinh tế hộ.
Ông Nguyễn Xuân Hào, ở khu vực An Kim, thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát), cho biết: “Trồng dừa sướng cái là thương lái đến tại vườn để gom mua! Tôi trồng 60 cây dừa xiêm ta cho thu hoạch trái quanh năm, giá bán trái dừa tại gốc từ 10.000 - 15.000 đồng/trái tùy theo mùa. Ngoài ra, hàng năm, tôi ươm giống 1.500 - 2.000 cây dừa con để bán với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/cây. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập 100 triệu đồng từ nghề dừa”.
Huyện Hoài Nhơn có diện tích dừa lớn nhất tỉnh với gần 3.000 ha; trong đó, có hơn 2.582 ha dừa phục vụ chế biến (với các giống dừa ta, dừa dâu), năng suất đạt hơn 107 tạ/ha/năm, sản lượng thu hoạch hơn 27.643 tấn/năm. Diện tích dừa lấy làm nước giải khát (dừa xiêm xanh, xiêm ta, xiêm dây, xiêm lùn) hơn 374 ha, sản lượng thu hoạch 3.885 tấn/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTXNN Ngọc An, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn), cho hay: “Mỗi ngày HTX gom mua khoảng gần 2.000 quả dừa từ các hộ thành viên để sản xuất dầu dừa tinh khiết và bánh tráng nước dừa. Vài năm gần đây, các sản phẩm sản xuất từ dừa của HTX tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, góp phần nâng cao thu nhập của thành viên, tăng doanh thu của HTX. Vì lẽ đó HTX đã đầu tư để phát triển số lượng cây dừa nhằm đảm bảo nguyên liệu ngay tại các hộ thành viên”.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Huyện cũng đã ban hành Đề án phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế dừa Hoài Nhơn. Về lâu dài, huyện sẽ đề xuất hình thành các vườn ươm và xây dựng vườn bảo tồn các giống dừa bản địa, cân đối tỉ lệ giữa dừa chế biến và dừa giải khát nhằm đảm bảo cho ngành chế biến các sản phẩm từ dừa trong tương lai... nhằm góp phần phát triển ngành dừa của huyện, mở ra triển vọng mới cho người trồng dừa và người sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ dừa”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN