Không gian lễ hội Bình Ðịnh: Hài hòa, yên vui & đằm thắm
Mùa xuân ở Bình Ðịnh có nhiều lễ hội. Người Bình Ðịnh vốn lành hiền, giản dị và hồn hậu, những năm gần đây các lễ hội luôn được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo tổ chức hài hòa, tạo nên một vùng không gian lễ hội vừa đậm đà yên vui, vừa đằm thắm ý nghĩa.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tôi thường xuyên nghe được những nhận xét tốt về đất và người Bình Định. Ngay cả những người chưa hài lòng thì ý kiến của họ cũng theo hướng muốn Bình Định tốt hơn vui hơn trong lần trở lại...
Lễ hội Đống Đa (huyện Tây Sơn) đông nghẹt người nhưng không hề có cảnh xô bồ, chen lấn.
Không gian lễ hội
Bình Định là nơi có nhiều loại hình lễ hội như: Lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử - cả cổ xưa và hiện đại để du khách có thể lựa chọn, trải nghiệm, thưởng ngoạn trên nhiều không gian văn hóa phù hợp. Trong những ngày Tết, du khách đã đến với các lễ hội như: Đống Đa, Chợ Gò, Đua thuyền trên sông Gò Bồi... Đó là những lễ hội lịch sử, dân gian, thể thao đã được tổ chức hợp lý, cập nhật và có nhiều nội dung hơn so với mọi năm nhưng vẫn đậm đà bản sắc truyền thống. Đây cũng là nhận xét của nhiều khách phương xa.
“Trên cơ sở Nghị định 110 của Chính phủ về việc quản lý, tổ chức lễ hội, Giám đốc Sở VH - TT ra quyết định quản lý tổ chức các lễ hội năm 2019 và ban hành kế hoạch hướng dẫn tổ chức cho các địa phương. Theo đó, Phòng VH - TT tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, trật tự, không có người lợi dụng xin ăn, cướp giật, chặt chém. Qua đó, những lễ hội đầu năm đã diễn ra vui tươi, ý nghĩa” - ông BÙI XUÂN LÝ - Chánh thanh tra Sở VH - TT cho biết.
Mùa xuân Bình Định vẫn rộn ràng tiếp với nhiều lễ hội đậm bản sắc văn hóa địa phương như: Lễ hội cầu ngư ở nhiều làng chài ven biển, Lễ hội Đô thị Nước Mặn (huyện Tuy Phước), Lễ hội Vía Bà (TX An Nhơn), Lễ hội Chùa Ông Núi (huyện Phù Cát)... Đến với mỗi lễ hội, du khách sẽ được nghe những câu chuyện như người thầy tu hái lá chữa bệnh cho người dân, người đàn bà đức độ đỡ đẻ cho dân, hay câu chuyện về cá Ông và hành trình bám biển... Tất cả những câu chuyện nhuộm màu huyền bí đó đều chứa đựng những ý nghĩa giúp con người hướng thiện. Đồng thời một không gian lễ hội đa dạng sắc màu văn hóa như: bài chòi, tuồng, bả trạo, các trò chơi dân gian... hứa hẹn đem đến trải nghiệm thú vị cho du khách.
Lễ hội Đống Đa năm nay diễn ra nhiều hoạt động, đây cũng là điều làm hài lòng du khách. Đến từ TP Hồ Chí Minh, gia đình anh Hà Minh Hiếu được người thân tại Bình Định giới thiệu về Lễ hội Đống Đa, trong niềm phấn khởi, anh Hiếu cho biết: “Dù có người thân ở đây nhưng đây là lần đầu tiên gia đình tham gia Lễ hội Đống Đa, trước đó, chúng tôi cũng đã xem chương trình nghệ thuật vào tối mùng 4. Lễ hội thật sự là điều kiện giúp ôn lại truyền thống đầy ý nghĩa”.
Lễ hội yên vui
Năm nay Lễ hội kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức hoành tráng, nhiều nội dung mới. Tây Sơn đón lượng khách đông kỷ lục dù vậy các hoạt động như: dâng hương, thăm viếng, tham quan... đều diễn ra êm thuận, đầm ấm, đem lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách.
Nhiều khách phương xa về dự lễ hội tỏ ra rất hứng thú khi thấy ở Bình Định gần như không có các hoạt động mê tín, dị đoan, buôn thần bán thánh, không thương mại hóa các lễ hội; thậm chí việc đốt vàng mã, hương khói cũng hết sức hạn chế và giản tiện. Tại các dịch vụ khác cũng không hề có cảnh trục lợi, xô bồ, “chặt chém” du khách.
Thay vào đó, tinh thần của lễ hội là hồn hậu, vui tươi, chia sẻ giữa du khách và cư dân địa phương. Lễ hội ở Bình Định có thể đa dạng sắc màu nhưng rõ ràng nếu xem lễ hội là dịp để người ta thanh tẩy tâm hồn thì các lễ hội ở Bình Định đã làm được điều này.
Chỉ mới qua những ngày Tết, mùa xuân lễ hội ở Bình Định còn rất phong phú, bạn hãy đến đây một lần và tự mình cảm nhận sự dung dị, đậm đà của lễ hội.
THẢO KHUY