Ðưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân
Việc chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống đã góp phần nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm, dần thay đổi bộ mặt đời sống người dân. Dẫu vậy, hoạt động KH&CN cấp huyện còn nhiều hạn chế, chưa trở thành đòn bẩy phát triển vùng nông thôn.
Lợi ích kép
“Bén duyên” với giống bưởi da xanh, ông Tăng Doãn Kích (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) cho biết sau thời gian trồng phân tán, đến nay vườn bưởi đã được quy hoạch phát triển lên 100 cây, bước đầu cho thu hoạch với lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. “Ở đất trung du không màu mỡ, chuyển đổi trồng giống bưởi này rất phù hợp, lại cho thu nhập khá hơn những loại cây trồng khác”, ông Kích vui vẻ.
Mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP được nhiều huyện quy hoạch. Ảnh: HOÀNG LÂN
Bưởi da xanh không xa lạ với người dân huyện Hoài Ân, nhưng thay vì trồng phân tán, manh mún kiểu “được chăng hay chớ”, nhiều hộ dân đã biết áp dụng kỹ thuật và gom thành vườn tập trung. Ông Đào Xuân Hoàng (xã Ân Đức) cho hay, gia đình ông đã chuyển trên 2 ha đất vườn đồi khó khăn nước tưới sang trồng bưởi da xanh. Các công đoạn bón lót, bón thúc, phun thuốc trừ sâu bệnh, làm hệ thống nước tưới bài bản, đặc biệt là kỹ thuật hạn chế hạt trong quả bưởi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho hay, nhận thấy người dân “hít” cây bưởi da xanh, huyện quy hoạch 10 xã trồng cây ăn quả hơn 1.590 ha, trong đó bưởi da xanh là chủ lực (khoảng 800 ha); phối hợp Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ hỗ trợ dân về giống, kỹ thuật chăm sóc. Năm 2018, từ dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 do Sở KH&CN triển khai, huyện hướng sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân” để nâng tầm sản phẩm xuất khẩu.
Đến nay, các huyện Hoài Nhơn, An Lão cũng đẩy mạnh triển khai mô hình trồng bưởi da xanh… Trong đó, huyện Hoài Nhơn đã quy hoạch đề án phát triển 80 ha bưởi da xanh chuyên canh ở một số xã, thị trấn; xây dựng thương hiệu cho bưởi da xanh.
Các địa phương còn lựa chọn đưa vào áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, giống mới. Riêng năm 2018, huyện An Lão đưa vào thử nghiệm giống dâu tằm S7 phục vụ cho nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương; Hoài Ân xây dựng mô hình trồng dưa lưới giống Golden của Hà Lan trong nhà kính; Phù Cát mạnh dạn chi 95 triệu đồng triển khai mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo quy mô hộ cá thể tại xã Cát Chánh…
Không chỉ tập trung sản xuất, việc ứng dụng KHKT còn được chú trọng trong lĩnh vực môi trường. Huyện Phù Cát triển khai nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh Bidi - Imo xử lý mùi hôi trong chăn nuôi; huyện Vĩnh Thạnh phối hợp Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN xử lý mùi hôi trong chăn nuôi; các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, TX An Nhơn ứng dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB xử lý rác thải và mùi hôi do chất thải chăn nuôi gây ra tại hộ gia đình...
Cần thêm sáng tạo, năng động
Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Lê Minh Toán thẳng thắn nêu vấn đề: “Công tác chuyển giao KHKT chưa được Sở KH&CN tính toán đến điều kiện thực tế của địa phương. Ngay tại An Nhơn, cần thiết là chuyển giao công nghệ cho các DN thì chưa được kết nối. Các mô hình KHKT cấp huyện chủ yếu triển khai từ mô hình khuyến nông, khuyến công hàng năm, chưa có sự đầu tư xây dựng các mô hình mới tại địa phương. Ngay cả các đơn vị trực thuộc tham gia vào hoạt động KH&CN ở địa phương cũng còn rất e ngại nghiên cứu”.
Khẳng định hoạt động KH&CN cấp huyện phải gắn liền với đời sống người dân và DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu, hàm lượng KH&CN được đưa vào hoạt động sản xuất phải có giá trị lợi nhuận ít nhất 30 - 40% trên giá trị sản phẩm. Sở KH&CN làm đầu mối, nhưng chính các địa phương cũng phải năng động, sáng tạo đề xuất và phối hợp triển khai nghiên cứu, chuyển giao KH&CN.
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường cho hay: “Thời gian tới, hoạt động KH&CN cấp huyện tập trung lựa chọn các tiến bộ KH&CN, kết quả nghiên cứu, sáng kiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất để áp dụng vào sản xuất; đặc biệt, ưu tiên thực hiện các mô hình có tính mới, sử dụng nguồn giống sạch bệnh. Nghiên cứu đưa vào áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến; chuyển giao và tiếp nhận một số công nghệ mới có thể phục vụ cho phát triển của địa phương”.
MAI HOÀNG